Hôm 9/6 Bộ Văn hóa Ukraine thông báo sẽ cho tổ chức sự kiện kỷ niệm nhân vật Ivan Mazepa gây tranh cãi tại Tu viện Các hang động Kyiv (Kyiv Pechersk Lavra) vào Chủ Nhật 11/6 hôm nay, ngay trong giai đoạn đang có nhiều tranh chấp.

Sự kiện được Bộ Văn hóa Ukraine miêu tả là đánh dấu “khởi đầu cho sự hồi sinh ở Tu viện Ukraine về truyền thống tôn vinh những nhân vật kiệt xuất của lịch sử và văn hóa của quốc gia”. Theo thông báo này, trong những nhân vật chủ chốt của sự kiện, có những vị sau:

– Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Oleksandr Tkachenko;
– Đại biểu của UNESCO, giáo sư Chiara Dezzi Bardeschi;
– Người đứng đầu Cục Lưu trữ Bảo tàng, ông Maxim Ostapenko (có xuất thân quân nhân, quân cánh hữu);
– Và Archimandrite Avraamiy, người của Giáo hội mới OCU với chức danh Tu viện trưởng Tu viện Kyiv. Ông này trước là tu sỹ của Giáo hội UOC, nhưng đã cải giáo sang OCU sau khi Bộ ra lệnh đòi trục xuất các tu sỹ UOC khỏi tu viện.

Karl XII and Ivan Mazepa after The Poltava Battle by Gustaf Cederström
Ivan Mazepa (1687–1708), nhân vật lịch sử gây tranh cãi, cùng Vua Charles VII Thụy Điển bên bờ sông Dnepr sau trận Poltava. (Nguồn ảnh từ Wikipedia)

Ivan Mazepa – nhân vật gây tranh cãi

Ivan Mazepa (1687–1708) là nhân vật lịch sử thời Sa Hoàng của Nga, từng giữ chức  Hetman của Zaporizhian Host —người đứng đầu về quân đội đóng quân ở địa phận chính quyền địa phương người Cossack— nhưng sau đó đã đem quân phản chiến, sau khi ông ta cho rằng Sa Hoàng có ý định phế truất ông để thay thế bằng người khác. Kết quả, ông thua trong trận chiến ở Poltava (1709) được ghi lại trong lịch sử, và phải ly khai. Phản bội lại Sa Hoàng, Ivan Mazepa chuyển sang đầu quân cho Hoàng đế Charles VII của Thụy Điển.

Ukraine hiện đại vào thời điểm lập quốc 1991 là quốc gia đa sắc tộc, trong đó dân Cossack tự nhận là người bản địa chính thống. Nội chiến 2014 và chiến tranh 2022 khiến vùng đông Ukraine, với hầu hết là người gốc Nga, đã ly khai và một phần trong đó sau này đã trở thành lãnh địa mà Nga đang quản lý. Bán đảo Crimea (chủ yếu là người Tatar (Thát Đát) bản địa và người gốc Nga) cũng đòi ly khai trong nội chiến và đã sáp nhập vào Nga năm 2014.

Ivan Mazepa được người Nga coi là kẻ phản bội và được ví như Judas (kẻ phản Chúa Kitô trong khi đang ở cương vị là một trong những đồ đệ của Ngài), và Giáo hội Chính thống Nga đã kết vạ tuyệt thông (anathema, excommunication) vào năm 1708 đối với ông. (Chính thống Giáo (Orthodox) là một nhánh lớn của Kitô giáo, thịnh hành ở Nga và Đông Âu, bên cạnh Công giáo (Catholics) là nhánh thịnh hành ở Châu Âu.)

Ivan Mazepa được chính quyền hiện tại ở Kyiv coi là anh hùng dân tộc, bởi vì tư tưởng muốn ly khai của ông. Trong lịch sử đã từng có đề nghị Giáo hội Chính thống Nga thu hồi kết tội này, nhưng giáo hội vẫn từ chối cho đến ngày nay.

Hiện nay ở Ukraine, phe ly khai ở phía đông Ukraine và ở Crimea không thừa nhận chính quyền Kyiv, và coi nó là hậu quả của cuộc đảo chính 2014 do phương Tây hậu thuẫn. Trong khi đó, các nước Âu Mỹ thừa nhận chính quyền Kyiv là hợp pháp, đưa rất nhiều vũ khí và viện trợ vào Ukraine dưới danh nghĩa ‘giúp’ chính quyền này bảo vệ lãnh thổ hợp pháp của mình.

Một nhân vật khác cũng tương tự tình huống của Ivan Mazepa, đó là Stepan Bandera (1909–1959), người đã mang thế lực của mình chạy sang đầu quân cho Đức Quốc xã vào năm 1941, khi phát xít Đức tấn công Liên Xô vào nơi đây, nơi mà ngày nay là Ukraine.

Nga gọi nhân vật này là phát xít, trong khi đó chính quyền Kyiv hiện nay coi nhân vật này là anh hùng dân tộc. Tên của Stepan Bandera hiện đang được dùng để đặt tên phố ở Ukraine.

Năm 2010, Tổng thống Ukraine bấy giờ là Viktor Yushchenko đã chính thức vinh danh Stepan Bandera làm anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, quyết định này bị phản đối rất nhiều (nhân vật này bị người Ba Lan coi là kẻ đã gây ra thảm họa giết người hàng loạt ở đất nước họ), cho nên Ukraine đã rút lại quyết định vào năm 2011.

Năm 2018, Tổng thống Ukraine bấy giờ là Petro Poroshenko lại một lần nữa đề xuất chính thức phong anh hùng dân tộc cho Stepan Bandera, nhưng cuối cùng Quốc hội đã không thông qua vào năm 2019.

Лавра
Tu viện Kyiv cả ngàn tuổi nay được chính quyền quản lý như khu bảo tồn bảo tàng, mặc dù vẫn duy trì các dịch vụ tôn giáo (nhưng do cơ cấu tôn giáo OCU mà nhà nước nâng đỡ thực hiện). (Nguồn: Falin/ Wikimedia)

Theo thông báo của Bộ Văn hóa Ukraine, thì đây là sáng kiến của Bộ phối hợp với UNESCO, để tổ chức lễ kỷ niệm Ivan Mazepa ở Tu viện Kyiv.

Một mặt là để vinh danh nhân vật này, người được chính quyền Kyiv coi là đại biểu cho tinh thần ly khai khỏi Nga. Mặt khác cũng là để chính danh cho nhân vật này về phương diện tín ngưỡng, vì nhân vật này đã bị Giáo hội Chính thống Nga kết tội năm 1708, và kết tội đó không được gỡ bỏ cho đến nay.

Một giáo hội mới mang tên OCU do chính quyền Kyiv hậu thuẫn được thành lập tháng 12/2018 sẽ đứng ra cử hành nghi lễ này.

Trong thông báo của Bộ có đoạn viết, “Lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức dành cho người bảo vệ và người ngoan đạo —Hetman Ivan Mazepa— người đã bị Giáo hội Chính thống Nga nguyền rủa trong suốt cuộc đời vì sự bất đắc dĩ của mình khi phản lại Muscovy.” (Muscovy là ý nói về Nga).

Tu viện Các hang động Kyiv đang trong tranh chấp

Tu viện Kyiv (Kyiv Pechersk Lavra) có gần 1.000 năm lịch sử, được xem là biểu tượng của Chính thống Giáo Đông phương. Không chỉ là vì nó có vẻ đẹp và tầm cỡ nguy nga —được UNESCO đánh giá là một trong các di sản thế giới vào năm 1990— mà còn là vì nó là nơi đánh dấu đức tin Chính thống Giáo đặt chân tới phương Đông, đồng thời được duy trì cả ngàn năm qua với trải nghiệm qua bao nhiêu thăng trầm cho tới ngày nay.

Năm 1988, người lãnh đạo Liên Xô bấy giờ là Mikhail Gorbachev đã trao trả tu viện này cho tu sỹ Chính thống Giáo để tổ chức lễ kỷ niệm tròn 1.000 năm Chính thống Giáo Đông phương. Trước đó, tu viện bị chính quyền Xô Viết cướp đi để làm viện bảo tàng.

Thời phong trào chống Nga (bài Nga) lên cao, Giáo hội Chính thống truyền thống UOC ở Ukraine bị bài xích, vì bị gán cho cái nhãn là thân Nga. Dù sao, thì theo truyền thống có từ thời Sa Hoàng tận thế kỷ 17, thì UOC là nhánh của Tòa thượng phụ Moskva. Lưu ý rằng quan hệ phân cấp trong hệ thống nhà thờ Chính thống Giáo không chặt chẽ như hệ thống của Công giáo.

Chiến tranh nổ ra tháng 2/2022, khiến mâu thuẫn ngày càng sâu sắc, bất chấp việc UOC đã tuyên bố tách khỏi Nga.

Chính quyền Kyiv ra mặt nâng đỡ Giáo hội mới OCU và chèn ép khiến các nhà thờ của UOC liên tiếp bị đổi chủ trên toàn quốc Ukraine, chuyển sang trở thành nhà thờ của OCU. Tu viện lịch sử Kyiv Pechersk Lavra cũng không thoát khỏi tầm ngắm.

Tháng 3 năm nay, Bộ Văn hóa có công văn yêu cầu người của UOC phải rời khỏi trụ sở chính của mình —Tu viện Các hang động Kyiv— với tuyên bố rằng theo thủ tục hành chính thì hợp đồng cho thuê miễn phí đã hết hạn.

Ngày 20/3, một phái đoàn cả chục các cụ bô lão cỡ 75–80 tuổi của UOC đã tới văn phòng tổng thống để làm rõ sự việc, nhưng không được tiếp đón. Các tu sỹ của Tu viện Kyiv —những người đã sống ở đây từ 1988— không còn cách nào khác, buộc phải đâm đơn kiện lên tòa án Kyiv để tìm kiếm bảo vệ quyền lợi của mình bằng con đường luật pháp. Tu viện Kyiv từ đó trở thành điểm nằm trong tranh chấp quyền sở hữu cho đến hôm nay.

Theo thông tin mới nhất hôm 7/6, Metropolitan Clement, người thường đứng ra phát ngôn về tu viện, nói rằng vụ kiện vẫn bị hoãn với lý do chờ đợi Bộ Văn hóa, vì Bộ vẫn chưa trình cho tòa đầy đủ các chứng từ và tài liệu cần thiết.

Bất chấp việc chưa đủ bằng chứng và vụ án xử không biết bao giờ mới thật sự được diễn ra, tháng trước cảnh sát vũ trang đã tiến vào tu viện để giải quyết vấn đề, và hầu hết tu viện đã bị lấy đi và chuyển giao cho Cục Lưu trữ Pechersk, cơ quan của nhà nước thuộc Bộ Văn hóa chính thức đứng ra quản lý tu viện này, nơi cơ quan đó gọi là khu bảo tàng.

Trong đó toàn bộ khu hang động —di tích của các tu sỹ khổ hạnh năm xưa— và hầu hết công trình lớn đã trở thành khu bảo tồn bảo tàng. Các tu sỹ UOC không bị đuổi khỏi tu viện, mà được an trí ở trong một số khuôn viên của tu viện.

Theo tinh thần của Bộ, tu viện trở thành khu bảo tồn bảo tàng (giống cách làm của chính quyền Xô Viết khoảng 100 năm trước). Các dịch vụ tôn giáo vẫn được tiến hành, nhưng được thực hiện bởi OCU do chính quyền nâng đỡ.

Kiev
Hàng trăm tín đồ của UOC quỳ ở Tu viện Kyiv trong trời tuyết lạnh hôm 29/3 từ 9 giờ sáng (giờ Kyiv) để phản đối lệnh trục xuất tu sỹ của Bộ Văn hóa. (Ảnh chụp màn hình video)

Lễ kỷ niệm Ivan Mazepa vào Chủ Nhật là lễ do Bộ đứng ra điều phối, OCU đứng ra cử hành, căn cứ theo thông báo của Bộ nêu trên.

Nhật Tân