Việc quân đội Israel ném bom Dải Gaza đáp trả phiến quân Hamas đến nay đã khiến hàng ngàn trẻ em bị thương hoặc thiệt mạng, trong khi các bệnh viện và nhà tạm trú bị quá tải trong tình trạng thiếu thực phẩm, nước uống và thuốc men, mất vệ sinh gây vấn đề bệnh truyền nhiễm.

tre em bi thuong tai Gaza
Hình ảnh về những trẻ em Palestine tại Gaza bị thương sau các vụ không kích của Israel vào bệnh viện Nasser Medical ở Khan Yunis , miền nam Dải Gaza vào ngày 4/10/2023. (Nguồn ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty Images)

Hôm thứ Ba (19/12), sau chuyến công tác kéo dài hai tuần ở Gaza, người phát ngôn của UNICEF – Liên Hiệp Quốc (LHQ) là James Elder nói với các phóng viên ở Geneva rằng: “Tôi phẫn nộ khi cơn ác mộng nhân đạo này xảy ra với một triệu trẻ em, còn những kẻ cầm quyền chỉ nhún vai… Tôi rất phẫn nộ khi những đứa trẻ đang hồi phục sau khi bị cắt cụt chi đã bị đánh bom đến chết tại bệnh viện Al-Nasser. Tôi phẫn nộ vì mỗi ngày lại có thêm nhiều trẻ em phải chạy trốn ẩn núp, nhiều trẻ bị bom làm đứt lìa chân tay…”.

Ông nói: “Tôi tức giận vì rất nhiều đứa trẻ tôi gặp không thể đau buồn cho cha mẹ và gia đình của chúng đã thiệt mạng”.

Theo Bộ Y tế Gaza do Hamas điều hành, hơn 19.400 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel bắt đầu ném bom và bao vây khu vực này, khoảng 70% trong số đó là phụ nữ và trẻ em. Hành động của Israel nhằm đáp trả các cuộc tấn công ngày 7/10 của phiến quân Hamas và các nhóm vũ trang khác khiến hơn 1.200 dân thường ở Israel thiệt mạng.

Người phát ngôn Elder cho biết Bệnh viện Nasser ở Khan Yunes miền nam Gaza đã bị trúng đạn hai lần trong 48 giờ qua. Ông cũng lưu ý rằng bệnh viện là nơi chứa một số lượng lớn trẻ em bị thương nặng, cũng như hàng trăm phụ nữ và trẻ em đang tìm kiếm sự an toàn.

“Vậy bọn trẻ và gia đình chúng phải đi đâu?”, ông hỏi, “Họ không an toàn trong bệnh viện. Họ không an toàn trong những nơi trú ẩn. Họ chắc chắn không an toàn trong cái gọi là vùng an toàn”.

Ông mô tả các khu vực này là những vùng cằn cỗi, không có nước, không có cơ sở vật chất, không có nơi trú ẩn khỏi cái lạnh và mưa, không đủ cơ sở y tế, thực phẩm và nước uống, và quan trọng nhất là “không có vệ sinh”. Ông nói: “Hiện tại ở Gaza, trung bình có khoảng một nhà vệ sinh cho 700 trẻ em và gia đình. Việc di dời các gia đình đến những khu vực không có nhà vệ sinh khiến hàng ngàn người phải dùng thùng/bô đi vệ sinh hoặc đi vệ sinh ngoài trời”.

Ông nói thêm: “Không có nước, nơi vệ sinh và nơi trú ẩn, những vùng được gọi là an toàn này đã trở thành vùng dịch bệnh”.

Elder cảnh báo rằng tỷ lệ suy dinh dưỡng và tiêu chảy tăng cao, kết hợp với tình trạng thiếu nước, thực phẩm và điều kiện vệ sinh kém có thể khiến nhiều trẻ em tử vong vì bệnh tật hơn là tử vong liên quan đến đánh bom.

Elder lưu ý, các bậc cha mẹ không còn coi bệnh viện là lựa chọn cho trẻ em bị bệnh và bị thương, vì các cơ sở này thường xuyên bị tấn công bởi các cuộc không kích.

Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo rằng, trong số 36 bệnh viện ở Gaza thì chỉ có 8 bệnh viện “phải hoạt động miễn cưỡng”. Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), bệnh viện Al Shifa lớn nhất ở phía bắc Gaza lại bị tấn công vào sáng sớm thứ Hai (18/12), được cho là đã giết chết 5 người, trong đó có trẻ em.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ báo cáo rằng vào cuối sáng thứ Hai tại khu vực tạm trú cho những người di tản trong nước của bệnh viện này lại bị tấn công, khiến 26 người Palestine thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

WHO chỉ ra thực trạng tại các bệnh viện đang hoạt động rất đáng sợ. Người phát ngôn của WHO Margaret Harris cho biết, “Các đồng nghiệp đến thăm các bệnh viện ở Gaza kể rằng họ thậm chí không thể đi bộ trong khu vực cấp cứu vì sợ dẫm phải người khác…. Khi họ không giẫm phải người khác thì dẫm vào máu”.

Bà cho hay, các đồng nghiệp của bà là các bác sĩ có kinh nghiệm cấp cứu, “chưa bao giờ chứng kiến ​​điều gì như thế này”, và “nỗi kinh hoàng mà họ chứng kiến ​​là không thể diễn tả được”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk kêu gọi ngừng bắn, nói rằng trong hoàn cảnh các hành động quân sự ngày càng tiến gần hơn khiến ngày càng nhiều người Palestine bị buộc phải đến các khu vực ngày càng nhỏ hơn, gây ra làn sóng di tản quy mô lớn đến biên giới Gaza-Ai Cập.

Ông nói: “Không có nơi nào ở Gaza để họ đến… Rafah ở phía nam Dải Gaza đã trở thành một trung tâm di dời, đã có hơn 1 triệu người tập trung ở không gian quá đông đúc này, chiến một nửa dân số [Dải Gaza].”

“Họ đang bị mắc kẹt trong địa ngục trần gian”, ông nói, “Cuộc chiến phải dừng lại”.

Ông Türk kêu gọi thả các con tin Israel và những người bị lực lượng Israel bắt giữ tùy tiện.

Người phát ngôn Elder của UNICEF lo ngại dịp Giáng sinh có thể gia tăng các cuộc tấn công vào Gaza, do khi đó thế giới đang bận tâm với các vấn đề khác. Ông nói: “Tôi tức giận vì 5 nghìn, 6 nghìn, 7 nghìn trẻ em bị giết đang trở thành những con số thống kê đơn giản hơn là những câu chuyện về sự sống…”. Ông chia sẻ rằng ông cảm thấy áy láy khi phải rời Gaza, đồng thời cho biết thêm: “Tôi tức giận vì tôi không thể làm gì nhiều hơn”.