Theo các nhà phân tích quân sự tại Trung Quốc Đại lục, nước này đã từ chối yêu cầu nối lại đối thoại quân sự của Hoa Kỳ vì không hài lòng với việc Washington xâm phạm “những lợi ích cốt lõi” của họ trong các vấn đề như Đài Loan.

Embed from Getty Images

Sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh 2 ngày vào hôm 19/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã trả lời phóng viên rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đồng ý với những yêu cầu lặp đi lặp lại của phía Mỹ về một cuộc đối thoại song phương để giảm thiểu những hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm về mặt quân sự.

“Tôi nghĩ rằng yêu cầu đó chỉ được nhấn mạnh sau những sự cố gần đây mà chúng ta thấy trên không và trên biển. Và tại thời điểm này, Trung Quốc đã không chấp nhận điều đó”, trích lời ông Blinken.

Gần đây, Lầu Năm Góc đã cáo buộc các máy bay chiến đấu và tàu chiến của Trung Quốc thực hiện những hành vi đánh chặn “không an toàn”“thiếu chuyên nghiệp” khi theo dõi các lực lượng Hoa Kỳ ở Biển Đông và khu vực Eo biển Đài Loan.

Theo ông Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận xét của ông Blinken chỉ ra rằng Washington muốn “đảm bảo phòng bị tuyệt đối và tránh xung đột quân sự” nhưng vẫn tiếp tục thách thức “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

“Trung Quốc đã từ chối đưa ra những đảm bảo tuyệt đối như vậy vì e rằng điều đó sẽ dẫn đến việc để Mỹ tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan”, ông Thời nhận định, đề cập đến việc Washington tăng cường bán vũ khí cũng như củng cổ quan hệ kinh tế và ngoại giao với quốc đảo này.

“PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) cũng coi việc ngăn chặn xung đột là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng điều đó phụ thuộc nhiều hơn vào kinh nghiệm của quân đội tiền tuyến ở cả hai bên”.

Ông Thời nói rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục giọng điệu này, “Trung Quốc có lẽ sẽ không bao giờ đồng ý nối lại đối thoại quân sự giữa hai nước.”

Bắc Kinh đã cảnh báo Mỹ và các nước khác không được cung cấp viện trợ quân sự hoặc giao dịch với Đài Loan.

Nước này đã đình chỉ những cuộc đối thoại giữa các chỉ huy quân sự cấp cao vào tháng Tám năm ngoái, sau khi cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Bắc, điều mà Trung Quốc coi là hành vi vi phạm chủ quyền.

Hoa Kỳ, cũng giống như hầu hết các quốc gia khác, không công nhận Đài Loan là một đất nước độc lập tuy nhiên vẫn phản đối bất kỳ sự thay đổi mang tính cưỡng bức nào đối với hiện trạng của quốc đảo này; Mỹ cũng bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc giúp Đài Loan tự bảo vệ mình.

Chuyến thăm của ông Blinken ban đầu dự kiến diễn ra vào đầu năm nhưng đã hoãn lại sau khi Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay vào lãnh thổ nước này hồi tháng Hai.

Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 19/6 trước khi rời Bắc Kinh, ông Blinken cho hay chuyến đi của ông là một “khởi đầu quan trọng” trong việc ổn định quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nhấn mạnh thêm rằng hai bên nên bỏ qua câu chuyện khinh khí cầu gián điệp: “Vấn đề đó nên được khép lại.”

Trong chuyến thăm, ông Blinken đã gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là ông Vương Nghị và ông Tần Cương, cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Zhou Chenning, một nhà nghiên cứu từ nhóm chuyên gia cố vấn khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, khẳng định PLA sẽ chỉ nối lại liên lạc quân sự nếu Washington thể hiện “sự chân thành và tôn trọng” đối với Bắc Kinh.

“Chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken đã giúp cả hai bên ngăn chặn một cách hiệu quả mối quan hệ song phương tồi tệ đang ngày càng xấu hơn, nhưng vẫn còn quá sớm để mối liên kết giữa quân đội hai nước trở lại trạng thái ổn định trước đây”, trích lời ông Zhou.

“Bắc Kinh có đủ kiên nhẫn để chờ đợi và đã liên tục tuyên bố các yêu cầu của mình [về việc kết nối lại] như các đại diện của PLA đã làm rõ tại Diễn đàn Quốc phòng Shangri-La vừa kết thúc ở Singapore.”

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã từ chối gặp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin, ngoại trừ một cái bắt tay lịch sự ngắn ngủi tại bữa tối ngày khai mạc sự kiện, cũng là diễn đàn an ninh hàng năm lớn nhất của châu Á.

Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ông Lý vào năm 2018 vì vai trò của ông trong việc giúp Trung Quốc mua máy bay chiến đấu và thiết bị phòng không từ Nga.

Khi phát biểu tại diễn đàn Shangri-La, Trung tướng Hà Lôi đã nhắc lại việc Washington từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với ông Lý và “những nỗ lực can thiệp vào vấn đề Đài Loan” của nước này là lý do để Trung Quốc từ chối yêu cầu đối thoại từ phía Hoa Kỳ.

Vy An (Theo SCMP)