Theo Bộ Công an, do luật hiện hành không quy định dao là vũ khí nên hành vi sử dụng dao chỉ bị xử lý khi nghi phạm phạm tội hình sự (giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…), không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí.

dao vu khi
Một người chặn xe, ném dao làm vỡ kính sau xe ô tô tại quận Long Biên, Hà Nội, tháng 9/2023. Nghi phạm bị điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. (Ảnh: Công an TP. Hà Nội/Facebook)

Dao bầu, dao phay, dao quắm… là hung khí trong nhiều vụ án

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân từ ngày 29/11/2023 đến ngày 29/1/2024.

Theo thống kê của Bộ Công an, 5 năm qua, cả nước phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 nghi phạm sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao.

Trong đó, số vụ sử dụng dao và phương tiện tương tự dao nhiều nhất, chiếm 58,6%. Tiếp đến là số vụ sử dụng vũ khí thô sơ chiếm 29,7%, súng tự chế chiếm 6,2%. Số vụ sử dụng vũ khí quân dụng chiếm số lượng thấp nhất, 1,1% tổng số vụ.

Theo đó, Bộ Công an nhận định mức độ gia tăng của tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao. Trong khi đó, dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày, nhiều vụ các nghi phạm sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) để giết người với tính chất rất manh động, tàn ác.

Hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 không quy định dao là vũ khí. Do đó, Bộ Công an cho rằng nghi phạm sử dụng dao “chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí”.

Tương tự, Bộ Công an hướng tới việc quản lý súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng nén khí, nén gas, nén hơi…). Cơ quan này đưa ra thống kê cho hay các nghi phạm sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nghi phạm sử dụng trái phép súng quân dụng. Các loại súng tự chế có thể gây hậu quả nguy hiểm (một lần bắn có thể chết hoặc bị thương nhiều người).

Theo luật hiện hành, súng tự chế không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác để thi hành công vụ, bị cấm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng. Bộ Công an cho rằng các nghi phạm đã lợi dụng kẽ hở trên để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.

Đưa súng bắn đạn ghém, súng kíp… vào nhóm vũ khí quân dụng

Từ những lý do trên, Bộ Công an đề xuất trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) nhiều quy định mới về vũ khí.

Tại dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất phân loại vũ khí gồm 3 nhóm: vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và vũ khí thể thao; thay vì 5 nhóm vũ khí theo luật hiện hành (gồm vũ khí quân dụng; súng săn (súng kíp, súng hơi); vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao; vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự).

Ngoài ra, Bộ Công an bổ sung súng bắn đạn ghém, súng bắn đạn nổ, súng bắn đạn sơn, súng nén gas, súng nén khí, súng nén hơi… vào danh mục các loại vũ khí quân dụng.

Các loại dao có tính sát thương cao được bổ sung vào danh mục các loại vũ khí thô sơ. “Dao có tính sát thương cao” được định nghĩa là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên, hoặc dao có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.

Bộ Công an bổ sung thêm quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm được bổ sung gồm:

Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ, trừ dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng hoặc trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê vũ khí thô sơ để làm hiện vật trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

Minh Sơn