Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định lực lượng sáp nhập từ bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng “chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, do UBND xã quản lý và chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của công an xã”.

chinh thuc co luat luc luong bao ve antt o co so tang nguon luc cho cong an 1
Một nhóm Bảo vệ dân phố phường ở tỉnh Lạng Sơn tới nói chuyện ở nhà người dân tháng 11/2020. (Ảnh minh họa: congan.langson.gov.vn)

Chiều 28/11, với đa số tán thành, 386/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (tỷ lệ 78,14%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Luật gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Dự luật này được bàn thảo từ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tới hai kỳ họp gần đây của Quốc hội khóa XV.

“So với dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XIV thì dự thảo luật được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 5 và được tiếp thu, chỉnh lý tại kỳ họp thứ 6 đã thay đổi cơ bản về tính chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, tiêu chuẩn, tổ chức, phương thức thành lập, quan hệ phối hợp của lực lượng này, cơ chế quản lý, phân công, hướng dẫn lực lượng này hoạt động” – theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Điều 14 của luật này, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng; hoặc được tuyển chọn theo quy định của luật này.

Tiêu chuẩn tuyển chọn là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi, lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt theo tiêu chuẩn là “bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Về học vấn, chỉ cần có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học trở lên…; về tư cách công dân, chỉ cần không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường tuổi tác của lực lượng này được mở rộng khi luật quy định có thể xem xét tuyển dụng cả người trên 70 tuổi, điều kiện là bảo đảm sức khỏe và công an cấp xã đề nghị, chủ tịch UBND cấp xã quyết định.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở xác định rõ lực lượng này chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng; sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an cấp xã.

Theo đó, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tổ chức độc lập với công an xã (không phải là tổ chức cấp dưới của công an cấp xã), do UBND cấp xã thành lập, quản lý và chịu sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của công an xã.

“Công an cấp xã chịu trách nhiệm và giúp UBND cấp xã trực tiếp quản lý về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Chương II với 7 điều của Luật này quy định nhiệm vụ của lực lượng này, bao gồm nắm tình hình liên quan đến an ninh, trật tự trên địa bàn và kịp thời báo cáo với cơ quan công an, UBND cấp xã; phối hợp tham gia phổ biến, tuyên truyền phòng chống tội phạm, tệ nạn; phối hợp tổ chức thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đôn đốc việc chấp hành quy định về quản lý cư trú, CMND, CCCD, giấy tờ tuỳ thân khác, quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

Vận động người dân tham gia cảm hóa giáo dục với người mãn hạn tù, người được tha tù trước thời hạn, người cai nghiện trở về; vận động tội phạm ra đầu thú; phối hợp với công an truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, truy tìm, trốn thi hành án phạt tù; tổ chức tuần tra, kiểm soát việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đua xe trái phép, tụ tập gây rối; tham gia bảo đảm an ninh, trật tự khi thi hành quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền…

Lực lượng này được bảo đảm kinh phí hoạt động, trang bị công cụ hỗ trợ; có trang phục, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.

Mỗi năm cần chi khoảng 3.570 tỷ đồng cho lực lượng ANTT cơ sở

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới nhắc lại báo cáo của Chính phủ về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng này.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi đơn vị đều thành lập một tổ bảo vệ ANTT như quy định tại luật, thì cần có ít nhất 254.163 người tham gia.

Dự kiến tổng kinh phí cần chi để bảo đảm hoạt động của lực lượng này là 3.505 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi tỉnh/thành phố chi 55,6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/tháng.

Con số này được cho là không thay đổi so với hiện nay, khi toàn quốc hiện có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Mức chi bảo đảm hoạt động cho các lực lượng này là khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (trung bình mỗi tỉnh/thành phố chi trả khoảng 56,7 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,7 tỷ đồng/tháng).

Nguyễn Quân