Bộ Công an đề xuất lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở (gộp lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và công an xã bán chuyên) sẽ có tổng số 1,5 triệu người, gấp đôi số lượng hiện tại.

trat tu do thi dan phong
Bộ Công an dự kiến “luật hóa”, “chính quy hóa” các lực lượng an ninh không chính quy tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Reggie Lee/Shutterstock)

Sáng 11/9, tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhiều ý kiến băn khoăn về về phát sinh biên chế, chi phí ngân sách cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trong dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết hiện tại chỉ khoảng 23% đơn vị hành chính cấp xã có lực lượng dân phòng, 77% đơn vị cấp xã còn lại chưa có lực lượng này. Sau khi cơ cấu theo dự luật, sẽ có khoảng 1,5 triệu người thuộc lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như Bộ Công an đề xuất. Vậy thì việc chi trả chế độ bồi dưỡng hàng tháng cho lực lượng này sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngân sách địa phương, ông Tùng lo ngại.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra ý kiến cần phải xem địa phương có cần thêm lực lượng này không vì tại cơ sở đã có nhiều hệ thống đoàn thể, việc thành lập thêm một lực lượng có khiến cho bộ máy cơ sở nặng nề hay không. Do đó, ông Bình băn khoăn phải ban hành Luật ngay hay cần thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm trước.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng nên ban hành Pháp lệnh để tổ chức thực hiện trước khi nâng lên thành Luật.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ hơn tính chất, phạm vi, chức năng của lực lượng này khi tham gia phối hợp với lực lượng công an, tránh chồng lấn nhiệm vụ.

Bảo vệ các đề xuất trong dự thảo luật, ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng con số 1,5 triệu người là đã giảm 50.000 người nếu áp theo quy định hiện hành. Ông này dẫn quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC), mỗi thôn phải thành lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người. với khoảng 180.800 thôn trên cả nước, nếu thành lập hết theo quy định của Luật PCCC thì tổng số thành viên của lực lượng dân phòng sẽ là 1,8 triệu người.

Ông Lâm cho biết hiện nay mới thành lập được 23% trong số này. Ngoài ra, cộng với khoảng 72.000 người bảo vệ dân phố ở các đô thị và trên 126.000 người là công an xã bán chuyên trách, tổng số các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vào khoảng 2 triệu người.

Từ đó, ông Lâm cho rằng với đề xuất khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng này, thì so với con số theo luật định kia đã giảm 50.000 người.

Với mức chi dự kiến cho lực lượng này khoảng 300.000 đồng/người/tháng, mỗi tháng ngân sách cần khoảng 450 tỷ để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người, vậy là đã cắt giảm được khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách – theo ông Lâm.

Thực tế tăng gần 800.000 người 

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng với trên 650.000 người hiện có ở các đội dân phòng, tổ bảo vệ dân phố và lực lượng công an xã bán chuyên trách, lực lượng theo Bộ Công đề xuất sẽ tăng thêm gần 800.000 người.

Ngoài ra, ông Tùng cho hay nói cắt giảm phụ cấp nhưng dự thảo luật quy định các lực lượng này được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng. “Chúng tôi thấy đây có thể chỉ là cách gọi khác thôi, về tính chất thì vẫn như phụ cấp. Số lượng tăng thêm 800.000 người dẫn đến nhu cầu cần bổ sung rất lớn kinh phí về ngân sách”, ông Tùng nói.

Theo dự thảo, khoản chi này lấy từ ngân sách địa phương, nhưng thực tế nhiều địa phương hiện vẫn chưa tự cân đối được ngân sách, chưa kể các khoản chi hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho lực lượng này.

Dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Bộ Công an công bố để lấy ý kiến vào hồi tháng 7/2020.

Bộ này đề xuất sẽ gộp 3 lực lượng (bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách) thành lực lượng mới có tên là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sau đó kiện toàn lực lượng, thực hiện các hoạt động như tham gia tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, tham gia tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ người phạm tội quả tang, đối tượng truy nã, được sử dụng công cụ hỗ trợ…

Tại thời điểm này, theo số liệu của Bộ Công an, lực lượng bảo vệ dân phố có tổng số 72.456 người; lực lượng dân phòng có 543.095 người, lực lượng công an xã, thị trấn không phải công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người. Tổng cộng là 741.635 người.

Nguyễn Quân

Xem thêm: