Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay các tỉnh thành trên cả nước đang chi trả khoảng 3.570 tỷ đồng mỗi năm cho bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách, nếu thống nhất lực lượng thì kinh phí giảm còn 3.505 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/tháng.

dan quan tu ve
Một buổi tập tháo lắp súng và tư thế ngắm bắn cho dân quân tự vệ tại Hà Nội, tháng 6/2023. (Ảnh: smot.bvhttdl.gov.vn)

Sáng 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự thảo luật này do Bộ Công an xây dựng, đề xuất gộp bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã thành một lực lượng có tên gọi là “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”.

Lực lượng này được tham gia tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, tham gia tuần tra, kiểm soát, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bắt giữ người phạm tội quả tang, đối tượng truy nã, được sử dụng công cụ hỗ trợ…

Tại báo cáo giải trình, ông Lê Tấn Tới – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết sau phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 (từ ngày 22/5 – 24/6), ngày 6/10/2023, Chính phủ có báo cáo bổ sung, cho biết cả nước đang có 298.688 người đang tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các địa phương trong cả nước đang chi trả trung bình khoảng 3.570 tỷ đồng/năm cho lực lượng này.

Hiện trung bình 1 tỉnh, thành phố chi trả khoảng 56,7 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,7 tỷ đồng/tháng.

Đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Trong trường hợp 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự theo dự thảo Luật thì cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (ít nhất 3 người/tổ). Dự kiến tổng kinh phí cần chi là 3.505 tỷ đồng/năm, ông Tới cho biết.

Theo mức dự chi, trung bình 1 tỉnh, thành phố cần chi khoảng 55,6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/tháng.

Do dự thảo Luật quy định mỗi tổ có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện (nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã) nên tổng số tổ có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống.

Với cách dự tính trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng lực lượng này không tăng về số người tham gia và không tăng về tổng kinh phí so với hiện tại. Còn về lâu dài, tổng số thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện bảo đảm tốt hơn cho lực lượng này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ, với lý do là để bảo đảm thống nhất với quy định về ngân sách nhà nước.

Một số ý kiến đề nghị quy định khung, mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và giao HĐND cấp tỉnh quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia. Nếu quy định cứng trong Luật về khung, mức hỗ trợ thường xuyên và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, chưa tự chủ ngân sách.

Do đó, cơ quan này đề nghị Quốc hội quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ theo tình hình thực tế ở từng địa phương.

Sau khi chỉnh lý từ kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 5 chương, 34 điều (tăng 3 điều), dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6 này, vào ngày 27/11 tới.