Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam vừa đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được cơ quan này cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phát video trực tuyến (livestream).

bo tt tt de xuat mang xa hoi co giay phep moi duoc cung cap dich vu livestream2
Bộ TT- TT đề xuất mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream. (Ảnh minh hoạ: Rawpixel.com/Shutterstock)

Ngày 18/7, truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) đề xuất bổ sung quy định về việc cấp phép cho người sử dụng mạng xã hội muốn phát video trực tuyến (livestream).

Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo Nghị định thay thế cho hai quy định hiện hành: Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet & thông tin trên mạng, và Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72.

Theo đó, Bộ TT-TT Việt Nam nêu rằng chỉ các mạng xã hội đã được cơ quan này cấp phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phát video trực tuyến (live stream) hoặc cung cấp các hoạt động có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức (không bao gồm hoạt động thương mại điện tử).

Bộ TT-TT Việt Nam cho rằng hình thức thông tin trực tuyến theo thời gian thực có tác động ảnh hưởng nhanh đến xã hội.

Theo Bộ này, hiện trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… có những thông tin bị cho là “giả, xấu độc, bôi nhọ, xúc phạm uy tín-danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân; tuyên truyền mê tín dị đoan; các nội dung vi phạm bản quyền… gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp và quyền lợi của người dùng mạng xã hội.”

Trên thực tế, nhiều chủ tài khoản mạng xã hội cả trong và ngoài nước Việt Nam lâu nay sử dụng hình thức phát video trực tuyến theo thời gian thực để bày tỏ quan điểm, trình bày những hoạt động thường nhật…

Nhiều nhà hoạt động, bloggers, giới bất đồng sử dụng công cụ này để thực hiện một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận mà theo họ được Hiến pháp quy định; thế nhưng họ đã bị bắt rồi bị án tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước…” theo các điều gồm 117, 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Khánh Vy