Bốn thi thể công nhân Công ty Cổ phần Than Vàng Danh (tỉnh Quảng Ninh) được tìm thấy, bị vùi lấp trong hầm lò do bục túi nước. 

buc tui nuoc ham lo 4 cong nhan than vang danh thiet mang
Khoan thăm dò tháo nước trong khai thác mỏ hầm lò. (Ảnh minih họa: minegeology.vn)

Theo Cổng thông tin tỉnh Quảng Ninh, khoảng 19h20 ngày 26/8, tại thượng vận chuyển số 3 đào từ lò thượng +50/+80 vỉa 5, khu Cánh gà, phân xưởng Khai thác 3, Công ty CP Than Vàng Danh (TP. Uông Bí) đã xảy ra vụ tai nạn lao động trong hầm lò.

Xác định vụ tai nạn nghiêm trọng, lực lượng cứu hộ của Công ty CP Than Vàng Danh cùng Trung tâm Cấp cứu Mỏ (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam – TKV) điều động hàng trăm người đến hiện trường ứng cứu.

Sau khoảng 50 phút tìm kiếm, vào 20h10 cùng ngày, bốn thi thể công nhân được đưa ra ngoài.

Danh tính bốn nạn nhân được xác định gồm các ông: L.H.N. (SN 1993, quê quán xã Hồng Việt, Đông Hưng, Thái Bình); T.V.Đ (SN 1990, quê quán phường Vàng Danh, Uông Bí); N.Đ.T (SN 1988, quê quán Quỳnh Hội, Quỳnh Phụ, Thái Bình); P.T.D. (SN 1987, quê quán Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh).

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bục túi nước khiến các nạn nhân bị vùi lấp.

PGS.TS Trần Văn Thanh, nguyên Trưởng bộ môn khai thác Hầm lò, Khoa Mỏ, Đại học Mỏ – Địa chất trả lời Tạp chí Chất lượng Việt Nam (VietQ) cho hay, túi nước có hai dạng trên bề mặt và dưới sâu trong lòng đất. Túi nước có thể có sẵn trong quá trình hình thành các vỉa than, địa tầng…, hoặc cũng có thể hình thành từ các hang động đá vôi (rất phổ biến ở Quảng Ninh), tích tụ lâu ngày thành những túi nước.

Có thể túi nước được sinh ra từ các đứt gẫy địa tầng, trải qua hàng trăm năm, nước lắng đọng ở chỗ đứt gẫy đó nên tạo ra chỗ chứa nước, cũng có thể do hoạt động khai thác than từ thời Pháp để lại, khai thác than thổ phỉ tạo những đường lò cũ nay bị lấp.

Cơ chế gây tai nạn của túi nước được cho là bất ngờ với mức độ thương vong lớn. Hãy tưởng tượng, đường hầm lò dưới đất giống như lỗ chuột, chỉ với khoảng cách chừng 5- 10m, thể tích túi nước thường từ 10m3 đến 20m3, thậm chí là lớn hơn, khi vỡ, áp lực nước, kèm bùn đá, vụn than… sẽ chèn chặt đường đi khiến người bên trong không thể thoát ra được.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Địa chất Mỏ (TKV), bục nước là một trong những hiểm họa khó lường và thiệt hại gây ra là rất lớn. Trong thực tế khai thác mỏ của ngành than, nhiều hiện tượng bục nước xảy ra tại cả các khai trường lộ thiên và hầm lò. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và đơn vị thi công, thường xuyên kiểm tra, giám sát để có những biện pháp kịp thời trong quá trình khoan tháo nước trong hầm lò.

Nguyễn Sơn