Cà Mau có diện tích than bùn khoảng 40.214 ha, tập trung ở 10 xã nằm tại huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

r ca mau co hon 40 000 ha dat than bun
Hoạt động khảo sát, kiểm tra và đánh giá trữ lượng đất than bùn trên vùng rừng U Minh Hạ của nhóm nghiên cứu của dự án. (Ảnh: baocamau.vn)

Theo báo Cà Mau, tại hội thảo tổng kết 2 năm triển khai thực hiện Dự án Quản lý bền vững hệ sinh thái đất than bùn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, sáng ngày 29/12, Cục Kiểm lâm Việt Nam cho biết đất than bùn xuất hiện tại 10 xã của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời với tổng diện tích ước khoảng 40.214 ha.

Diện tích đất than bùn tập trung nhiều nhất tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ với diện tích gần 9.000 ha, có độ sâu từ 0,1-1 m.

Đất than bùn ở U Minh Hạ được che phủ bởi rừng tràm và rừng hỗn giao, đây là những hệ sinh thái rất quan trọng, có tính đa dạng sinh học cao và rất có giá trị bảo tồn, có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ hệ sinh thái như: điều hòa khí hậu, hấp thụ và lưu trữ carbon, cung cấp nước cho cộng đồng vào mùa khô và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu như lũ lụt và xâm nhập mặn.

Căn cứ vào kết quả của mô hình nội suy độ sâu than bùn, dựa trên phần mềm GIS, nhóm chuyên gia đã tính toán, xác định được trữ lượng than bùn tại khu vực nghiên cứu có tổng trữ lượng than bùn trên 19,7 triệu m3.

Theo nhóm nghiên cứu, diện tích đất than bùn đang suy giảm nhanh do nhiều nguyên nhân. Theo đó, nhóm đề xuất phục hồi lại hệ sinh thái rừng đầm lầy bằng các loài cây bản địa, cây tràm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trên đất than bùn tại phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ; duy trì sự cân bằng sinh thái và tăng độ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn hệ sinh thái rừng đầm lầy đất than bùn; tạo sinh cảnh cho các loài động vật và chim di cư…

Kết quả nghiên cứu của dự án còn thông tin về sự đa dạng sinh học vùng rừng U Minh Hạ như chim, thú, cá, cây… Cùng với đó, dự án đã hỗ trợ 6 gói sinh kế cộng đồng nhằm xây dựng quy chế quản lý và bảo vệ rừng; các hoạt động tập huấn nhằm nâng cao ý thức, kiến thức, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong tham gia quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên vùng rừng.

Dự án “Quản lý bền vững hệ sinh thái than bùn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau” được triển khai đã góp phần thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực mà Việt Nam đã thông qua và là thành viên.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Giám đốc Ban quản lý dự án, nói dự án cũng sẽ góp phần thực hiện các chính sách và chiến lược liên quan tới phát triển bền vững, quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và đất ngập nước ở cả cấp quốc gia, ngành và địa phương, đồng thời góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giá trị và trữ lượng của than bùn

Than bùn là sản phẩm của giai đoạn đầu tiên trong quá trình biến thực vật thành than, hình thành trong quá trình độ ẩm cao, khó tiếp xúc với không khí, thành tạo trong địa hình đồng bằng, dọc thung lũng sông, các hồ nước cổ. Ở Đông Nam Á có khoảng 30 triệu ha đất than bùn, chiếm 60% toàn bộ nguồn than bùn nhiệt đới.

Đất than bùn ở Việt Nam chỉ chiếm 36.000 ha và phân bố rải rác nhiều nơi trên cả nước, nhưng chủ yếu nằm ở Đồng bằng sống Cửu Long (trong rừng U Minh, thuộc các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) với diện tích khoảng 24.000 ha, trong đó một diện tích lớn được chọn là các khu bảo tồn, đó là các Vườn Quốc Gia U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Những vùng đất than bùn với giá trị và chức năng sinh học, cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sinh cảnh sông cho động vật. Đất than bùn có vai trò quan trọng trong việc giảm đỉnh lũ và duy trì dòng chảy cơ bản của các dòng sống trong suốt mùa khô. Than bùn đóng vai trò như miếng bọt biển hút nước trong mùa mưa và từ từ nhả nước trong mùa khô.

Chính vì vậy, vùng đất than bùn nguyên sinh có khả năng rất lớn trong việc ngăn chặn sự mất đi sự sống và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng bằng cách giảm tình trạng ngập lụt cuối nguồn của đất than bùn. Tương tự, việc duy trì những dòng chảy tối thiểu ở các con sống trong mùa khô có thể duy trì các công trình thủy lợi cuối nguồn và ngăn ngừa nước mặn xâm nhập.

Mặt khác, đất than bùn có chức năng vô dùng quan trọng đó là kiểm soát khí hậu toàn cầu.Đất than bùn là nơi tích trữ cacbon có tầm quan trọng toàn cầu, mặc dù diện tích che phủ chỉ chiếm 3%, nhưng đất than bùn trữ khoảng 20-35% lượng cacbon của trái đất. Đất than bùn nhiệt đới chứa từ 2-6.000 tấn cacbon/ha so với mức bình quân 270 tấn/ha của những hệ sinh thái rừng của thế giới.

Minh Long