Nữ chủ tịch UBND Nhơn Trạch – một huyện thuộc tỉnh Đồng Nai – cho hay công an đang điều tra sự việc. Giới chức tỉnh này xác nhận công an đã báo cáo sơ bộ vụ lừa hơn 100 tỷ đồng.

chu tich huyen nhon trach bi lua qua mang mat 100 ty dong
Các khuyến cáo chiêu thức lừa đảo qua mạng do Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Biên Hòa cung cấp. (Nguồn: Công an TP. Biên Hòa)

Ngày 22/3, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an điều tra việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), trình báo bị mất hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản.

Theo thông tin ban đầu, trong một tháng qua. nhóm lừa đảo đã liên hệ với bà Hương, yêu cầu mở tài khoản, sau đó bà Hương đã huy động tiền từ người thân, bạn bè để nạp vào tài khoản này.

Bằng nhiều cách khác nhau, nhóm lừa đảo đã chiếm đoạt tài khoản, mỗi lần vài chục tỷ, lấy đi tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin xác nhận từ một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, rằng công an đã báo cáo sơ bộ vụ việc Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo lấy hơn 100 tỷ đồng.

Vẫn theo báo này, bà Hương giải thích rằng đây là vụ hacker tấn công vào tài khoản, tự lấy tiền trong tài khoản chứ bà này không chuyển tiền. Bà Hương từ chối nói thêm với lý do “công an vẫn đang điều tra”.

Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời của bà Hương trả lời trong chiều 22/3, rằng thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là chưa chính xác, song không phủ nhận việc bị mất 100 tỷ đồng.

“Tôi có biết sự vụ từ đâu đâu, thông tin phải từ công an tỉnh, một số thông tin trên mạng xã hội đăng không đúng. Họ nói 100 tỷ nguồn gốc từ đâu thì mới rõ vấn đề đó. Hiện chưa có xác định được gì hết, tôi đang nghi ngờ thôi. Hiện chưa xác minh được nên tôi chưa trả lời được”, bà Hương nói.

Sự việc chưa được đăng trên báo Đồng Nai. Trong ngày 20/3, trang báo này đăng tải thông tin khuyến cáo người dân không bị “sập bẫy” lừa đảo trên mạng. Người dân được cảnh báo “không”:

Không có chuyện cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án liên hệ qua điện thoại với công dân để làm việc; khi gặp tình huống này người dân cứ thẳng thắn đề nghị gửi giấy mời về tận nhà để làm việc. Không có nhà mạng nào gọi điện thông báo khóa sim, nợ cước (nếu có tin nhắn từ tổng đài thì đến trung tâm, cửa hàng các nhà mạng gần nhất trên địa bàn hỏi về thủ tục); Không có việc nhẹ – lương cao, ngồi ở nhà làm cộng tác viên mà lương 500.000 đồng/ngày. Không có chuyện người nhà, người yêu, phi công, người nước ngoài nào tự dưng gửi tiền, gửi quà giá trị lớn cho người quen qua mạng xã hội. Không có chuyện cơ quan hải quan, an ninh sân bay… yêu cầu người dân nộp lệ phí để chuyển quà, chuyển hàng…

Người dân phải từ chối việc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ; không tham gia vào các trang web giả mạo, không chuyển khoản cho bất kỳ ai không có thông tin rõ ràng.

Theo cơ quan công an, đối với những thông tin, trường hợp, tình huống mà người dân không biết, không rõ thì liên hệ ngay cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, xử lý. Người dân không tự làm theo các hướng dẫn của bất kỳ ai, người lạ nào trên mạng để tránh bị lừa.

Minh Sơn