Các chuyên gia địa chất của Nhật Bản đã đến Đà Lạt theo lời mời của giới chức địa phương để cố vấn đưa ra các giải pháp phòng chống sạt lở đất.

chuyen gia nhat ban khao sat khu vuc sat lo nghiem trong o da lat
Chuyên gia Nhật Bản ghi nhận thực tế tại điểm sạt lở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (TP. Đà Lạt). (Ảnh: baolamdong.vn)

Truyền thông Nhà nước đưa tin một đoàn chuyên gia Nhật thuộc Công ty CP Địa chất Kawasaki vào ngày 18/7 đã tiến hành việc khảo sát hiện trường khu vực sạt lở đất ở Đà Lạt hồi rạng sáng ngày 29/6 vừa qua.

Theo đó, sau khi xảy ra vụ sạt lở đất tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10 khiến 2 người thiệt mạng và nhiều ngôi nhà sập đổ,  TP. Đà Lạt đã mời các chuyên gia thuộc Công ty CP Địa chất Kawasaki đến giúp khảo sát thực địa để đưa ra những tham vấn về những giải pháp phòng ngừa sạt lở.

Trong ngày 18/7, đoàn đã khảo sát khu vực phía trên bờ kè taluy đúc bằng bê-tông đã bị sạt lở, và khu vực nhiều căn nhà bị vùi lấp, hư hỏng ở phía dưới.

Ngoài khu vực bị sạt lở gây chết người và hư hại nhà cửa như vừa nêu, đoàn chuyên gia Nhật Bản còn khảo sát những khu vực bị sạt lở khác trên các tuyến đường Yên Thế, Khe Sanh, Đặng Thái Thân… ở TP. Đà Lạt.

Đây không phải lần đầu Công ty CP Địa Chất Kawasaki giúp TP. Đà Lạt trong việc liên quan. Vào năm 2017, công ty này đến khảo sát, tham vấn để khắc phục vụ sạt lở tại khu vực đầu đường Nguyễn Văn Trỗi tác động đến hàng chục hộ dân cư trú tại đó.

Như đã đưa tin, vào rạng sáng ngày 29/6 vừa qua xảy ra vụ sạt lở đất taluy làm chết 2 người và 5 người khác bị thương tại địa điểm vừa nêu.

Ngay trong ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Đà Lạt, đồng thời yêu cầu khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan đến việc đầu tư xây dựng công trình trên mái taluy có độ dốc cao, có nguy cơ sạt trượt tại địa phương.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu UBND TP. Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám (phường 10) và các công trình đã cấp phép xây dựng có độ dốc lớn, độ chênh taluy âm/dương lớn… mà có nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa để tiến hành rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.

Ngoài ra, UBND Đà Lạt được yêu cầu dừng cấp phép xây dựng đối với các công trình ở những vị trí có độ dốc lớn, khu vực taluy âm/dương cao có nguy cơ sạt trượt và không đảm bảo điều kiện an toàn để xây dựng công trình và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cấp phép đối với các công trình tại những khu vực này.

Tiếp tục tháo dỡ phần taluy bị sạt gây chết người

Cùng ngày, UBND TP. Đà Lạt tiếp tục cho tháo dỡ phần taluy còn sót lại sau vụ sạt lở đất khiến taluy trên đường Yên Thế rơi xuống đường Hoàng Hoa Thám gây hậu quả nghiêm trọng. Phần taluy còn sót lại có chiều dài khoảng 15m.

Như vậy, đây là lần thứ hai cơ quan chức năng phải tổ chức tháo dỡ ta luy này (tính từ ngày 29/6). Đại diện UBND TP. Đà Lạt cho biết phải tháo dỡ vì kết cấu của toàn bộ taluy đã hư hại.

Trong bối cảnh mưa lớn kéo dài hiện tại, khả năng vỡ phần còn lại của công trình ta luy sai phép này rất cao.

Bảo Khánh