Chỉ tính trong 4 năm thanh tra, từ 2014-2018, Thanh tra Chính phủ nhận định “có dấu hiệu lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với NXB Giáo dục Việt Nam trong in, bán sách giáo khoa, sách bài tập, sách tham khảo. Lãng phí tạm tính đối với gia đình học sinh (là khách hàng) khi phải mua sách giáo khoa cao hơn giá thực tế, phải mua sách bài tập, sách tham khảo “như tài liệu bắt buộc” bước đầu là hơn 2.460 tỷ đồng.

co dau hieu loi ich nhom trong in sgk sach bai tap lang phi tam tinh hon 2 460 ty dong
Trẻ em vùng cao vây quanh một cuốn sách trong giờ ăn trưa tại một điểm trường ở Sapa, tháng 10/2017. (Ảnh minh họa: Charnpui/Shutterstock)

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm chiều 29/12 ký thông báo Kết luận thanh tra số 2303 chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018.

Bản kết luận kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định.

Thứ nhất là nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước và Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành.

Thứ hai là nội dung lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều điểm bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Khiến xã hội hiểu lầm “rằng sách bài tập là tài liệu bắt buộc phải mua

Về nội dung thứ nhất – vấn đề “dấu hiệu lợi ích nhóm”, Thanh tra Chính phủ cho biết ngày 11/4/2013, Bộ GD&ĐT ban hành Văn bản số 2372 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông, có nội dung hướng dẫn: “Sách bài tập do NXB tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành”.

Thực tế, việc tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo thuộc chức năng, nhiệm vụ của NXB (là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, in và phát hành sách bài tập). Do vậy, việc nêu sách bài tập được Bộ GD&ĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành tại văn bản trên là không đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.

Tháng 7/2014, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 21/2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nhưng “chưa kịp thời” ban hành văn bản về việc dừng sử dụng Văn bản số 2372.

“Điều này gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh và xã hội, hiểu rằng sách bài tập được NXB xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do NXB phát hành” – theo kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ kết luận: “Có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD&ĐT, là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập”. 

Gia đình, xã hội bị lãng phí (tạm tính) hơn 2.374 tỷ đồng

Tại bản kết luận, Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ GD&ĐT không cung cấp được bản thảo mẫu sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ này phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu sách giáo khoa hiện hành. Việc này thể hiện việc buông lỏng trong công tác lưu trữ, vi phạm Luật Thanh tra 2010, Luật Lưu trữ 2011.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc biên soạn sách giáo khoa đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào sách giáo khoa (73/193 cuốn) nhưng chưa ban hành được cơ chế, chính sách quy định về sử dụng lại SGK, việc sử dụng lại SGK mới đạt 35%.

Từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019, 73/193 cuốn sách giáo khoa học sinh có thể viết vào đã được in, phát hành và bán được tổng số hơn 303 triệu bản. Trường hợp tính 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội, giá trị lãng phí (tạm tính) hơn 2.374 tỷ đồng.

Giấy in định lượng thấp; giá bán cao hơn 1,7 lần giá nhập vào

Về nội dung thứ hai – lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa, Thanh tra Chính phủ cho hay việc xác định nhu cầu sản xuất của NXB không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn (chủ yếu là giấy in), làm tăng chi phí lãi vay dự phòng, giảm giá hàng tồn kho dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. NXB sử dụng giấy in định lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8694:2011.

Ngoài ra, từ trước năm 2014 và trong giai đoạn từ 2014 – 2019, NXB chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in, chỉ có từ 2 – 3 đơn vị được NXB lựa chọn cung cấp giấy in SGK trong 1 năm, lặp đi lặp lại trong nhiều năm.

Trong giai đoạn 2014-2019, Công ty CP giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB (tương ứng hơn 1.890 tỷ đồng).

Qua kiểm tra xác suất một số hợp đồng cung cấp giấy in của Công ty CP giấy Phùng Vĩnh Hưng cho NXB (1/3 tổng lượng giấy in đã cung cấp, tương ứng hơn 528 tỷ đồng), Thanh tra Chính phủ nhận định giá giấy in công ty bán cho NXB cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng).

Đối với quá trình điều chỉnh tăng giá sách lần 3, Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ GD&ĐT chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ để yêu cầu NXB phải thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Bộ, nhưng NXB đã điều chỉnh tăng giá bán SGK 16,9%.

Từ kết quả kiểm tra, xác minh tại NXB, cơ quan thanh tra kết luận trong giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, hạch toán của NXB có sai sót dẫn đến gia đình học sinh (là khách hàng) phải mua sách giáo khoa bằng giá NXB đã đăng ký giá từ năm 2011 (được ấn định trên bìa sách) cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá với số tiền hơn 85,1 tỷ đồng.

Chính phủ cần chuyển hồ sơ sang Bộ Công an 

Từ bản kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin 2 nội dung trên sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định, đồng thời kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ GD&ĐT được phân công phụ trách (theo từng thời kỳ).

Về sai phạm tại NXB, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý kinh tế đối với Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam. Do thời kỳ thanh tra từ 2014-2018, trong khi đó sách giáo khoa được NXB này thực hiện đăng ký giá từ năm 2011 nên chưa xác định được cụ thể, chính xác số tiền gia đình học sinh (là khách hàng) đã mua sách giáo khoa cao hơn giá sách giáo khoa mà NXB phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay.

Vì thế, NXB này phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn sách giáo khoa mà NXB phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá sách giáo khoa từ năm 2011 (trong đó có số tiền hơn 85,1 tỷ đồng trong thời kỳ thanh tra từ 2014-2018, do NXB trên phân bổ chi phí chưa đúng tỷ lệ doanh thu của sách giáo khoa, hạch toán không đúng thuế suất giá trị gia tăng đầu vào của 3 loại giấy in, tính thuế giá trị gia tăng đối với chi phí lãi vay chưa đúng quy định).

Nguyễn Quân