Cho hay giao thông tại TP. Đà Lạt đang gặp áp lực về mật độ đô thị và nhu cầu du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng đang đưa ra đề án để giải bài toán ùn tắc giao thông với số vốn ước tính là 3.793 tỷ đồng. Trong đó, 1.348 tỷ đồng từ ngân sách và 2.445 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

quy hoach dalat 0
Khu trung tâm TP. Đà Lạt với tình trạng quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông lộn xộn, tháng 7/2019. (Ảnh: Xita/Shutterstock)

Tại Kỳ họp thứ 8 vừa diễn ra vào đầu tháng 12/2022, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (sau đây gọi là Đề án chống ùn tắc giao thông TP. Đà Lạt).

Đề án do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt lập vào tháng 1/2021 với phạm vi nghiên cứu gồm TP. Đà Lạt và vùng phụ cận như các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà. Kinh phí lập là hơn 6 tỷ đồng, gồm hơn 4,2 tỷ đồng thực hiện đề án, 2 tỷ đồng tổ chức thi tuyển ý tưởng thiết kế (giải thưởng 1 tỷ đồng).

Theo UBND TP. Đà Lạt, mạng lưới đường bộ của Đà Lạt hiện có mật độ đô thị khá cao, khoảng 4,4km/km2, 40m2/người; 72% đường đô thị chỉ rộng 5-7m nên gây ùn tắc cục bộ khi lưu lượng xe tăng đột biến.

Trong khi đó, đường vành đai chưa hoàn chỉnh, lưu lượng xe qua trung tâm tăng; tại cửa ngõ phía Nam, đường hẹp, thiếu kết nối ngang để chuyển tuyến khi có ùn tắc cục bộ và đường đèo Prenn, Mimosa mới được thiết kế 1 làn/hướng…

Về nhu cầu đi lại, UBND TP. Đà Lạt cho biết qua khảo sát những năm gần đây, với dân số hiện hữu của TP. là 230.000 dân, vùng phụ cận với gần 700.000 dân, nhu cầu đi lại trung bình của người dân và du khách khoảng 27.000 lượt/ngày. Riêng cao điểm du lịch cuối tuần lên tới khoảng 54.000 lượt/ngày.

Áp lực trên là chưa tính đến xu hướng gia tăng về số lượng phương tiện cá nhân của cư dân địa phương cũng như khách du lịch.

Tình trạng ách tắc không chỉ xảy ra ở khu vực cửa ngõ mà còn trên nhiều tuyến đường lớn bên trong TP như đường Ba Tháng Tư, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng, Trần Phú… Kẹt xe diễn ra phổ biến tại các khu vực vòng xoay.

UBND TP. cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến hình ảnh TP. Đà Lạt.

Đề án chống ùn tắc giao thông TP. Đà Lạt vừa được HĐND tỉnh thông qua bao gồm các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông công cộng, hạ tầng bến bãi, các dự án được thực hiện từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Cụ thể, về hạ tầng giao thông, đề án dự kiến hoàn thiện khép kín hệ thống đường vàng đai TP Đà Lạt gồm các đoạn tuyến Cam Ly – Ankorest – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Thánh Mẫu – Mai Anh Đào – đường Vòng Lâm Viên – đường tỉnh 723 – Hùng Vương – tuyến mở mới phía Đông Nam  – An Sơn – Y DInh – An Tôn – đường Trúc Lâm Yên Tử kéo dài và tuyến Cam Ly – Phước Thành; đường tránh Prenn – Xuân Thọ; đường nối Liên Nghĩa – Thạnh Mỹ giúp giảm lưu lượng giao thông trên đèo Prenn và Mimosa và giảm phương tiện đi qua trung tâm TP Đà Lạt.

Bản kế hoạch dự kiến phát triển giao thông công cộng, quy hoạch mô hình phát triển đô thị theo hướng giao thông cộng cộng (mô hình TOD). Ngoài phát triển hạ tầng giao thông công cộng là các giải pháp thay đổi đặc tính nhu cầu giao thông như quy hoạch quản lý đỗ xe cá nhân và các dự án thí điểm mô hình bãi đỗ xe trung chuyển, phát triển giao thông phi cơ giới (đi bộ, đi xe đạp điện…)…

Tổng kinh phí ước tính khoảng 3.793 tỷ đồng, gồm 1.348 tỷ đồng từ ngân sách và 2.445 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Trong đó, giai đoạn 2025 chi 458 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông đường bộ; 550 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi…

Sau năm 2025, chi 725 tỷ đồng để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông đường bộ; 1.380 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bến bãi; các dự án tổ chức và điều khiển giao thông 99 tỷ đồng…

Tháng 4/2021, sau khi chính quyền tỉnh Lâm Đồng tổ chức thi tuyển tìm ý tưởng chống ùn tắc giao thông cho TP. Đà Lạt với giải nhất trị giá 1 tỷ đồng, báo Người Đô Thị đăng bài phản biện “Kế sách tháo kẹt xe cho Đà Lạt: đã có từ lâu!” trong tuyến bài “Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi”.

Bài viết của tác giả Đỗ Lá Chương chỉ ra: “Vấn đề gốc rễ giao thông bế tắc ở Đà Lạt không phải do lưu lượng xe mà do tổ chức đô thị bừa, phản khoa học, thiên về địa ốc, không tính đến hệ lụy từ các công trình xây dựng lớn bé mọc lên”.

“Khắp các phường, đường phố, hệ thống khách sạn, nhà xe, siêu thị, ngân hàng thương mại, dịch vụ kinh doanh vận tải, cửa hàng, quán nhậu… cứ thả ga mọc lên, tràn ra mặt tiền, lòng đường. “Mọc lên” mà không có điều kiện, không đánh giá tác động môi trường, tác động văn hóa, tác động chất lượng tăng trưởng, mà trước hết là không nghĩ đến hệ lụy lên cấu trúc giao thông nội đô, chứ chưa nói đến tương lai sau này của thành phố”.

““Tư duy địa ốc” làm mờ tương lai nền nã và xa hoa (một thời) của Đà Lạt”.

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Realtimes) hồi tháng 7/2022 dẫn ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch của NgoViet Architects & Planners cho hay: “Đà Lạt vẫn còn đó những công trình kiến trúc tiêu biểu, nhưng sinh khí một thời đã nhạt nhòa. Tiêu chí “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” giờ đây chỉ còn là khẩu hiệu”. 

“Cơn lốc” bê tông hóa tại Đà Lạt kéo theo nhiều hệ lụy, biến Đà Lạt thành một phiên bản của Hà Nội hay TP.HCM trong hình ảnh những khối bê tông đồ sộ. Bài báo cho hay theo nhiều chuyên gia nhận định, với dân số chỉ khoảng 231.000 người (số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng, 2020), Đà Lạt không cần thiết phải có mật độ xây dựng dày đặc như vậy.

“Ảnh tư liệu những năm 1960 cho thấy Đà Lạt được bao phủ bởi bạt ngàn màu xanh, nhưng nay thì mảng xanh lớn duy nhất sót lại ở Dinh tỉnh trưởng cũng có nguy cơ bị đổi bằng bê tông khách sạn”, KTS Nam Sơn chia sẻ tại Midnight Talk diễn ra ngày 25/6.

Nguyễn Quân