Phái đoàn Liên minh châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao một số nước phương Tây ở Hà Nội cũng như các luật sư trong nước vừa đưa ra lời kêu gọi tới chính phủ Việt Nam để dừng thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh ngay trước thời hạn gia đình tử tù này được yêu cầu đăng ký nhận xác con mình, VOA đưa tin ngày 21/9.

hang chuc nuoc phuong tay de nghi vn dung thi hanh an tu hinh ong le van manh
Bà Nguyễn Thị Việt (thứ 2 từ trái sang) giơ biểu ngữ kêu oan cho con trai Lê Văn Mạnh, người bị kết án tử hình vì tội “Giết người” và “Hiếp dâm” vào năm 2015, ở Hà Nội ngày 21/9.

Trước đó, gia đình ông Mạnh nhận được quyết định thi hành án đối với ông bằng hình thức tiêm thuốc độc.

TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra thông báo hạn cuối nhận xác ông Mạnh cho gia đình là ngày 21/9. Nói với VOA ngày 19/9, mẹ ông Mạnh, bà Nguyễn Thị Việt cho biết bà từ chối ký vào quyết định của tòa vì cho rằng con trai bà bị kết án oan.

Tất cả 27 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước thành viên EU cùng các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Na Uy và Vương Quốc Anh hôm 20/9 đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi nhà chức trách Việt Nam ngừng thi hành bản án đối với ông Mạnh, người bị kết án tử hình vào năm 2005 vì tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em.”

“Chúng tôi cực lực phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình vào mọi lúc, mọi hoàn cảnh, loại hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hèn hạ và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời ủng hộ Việt Nam tạm dừng mọi hình thức hành quyết,” tuyên bố chung của EU và 3 nước kể trên viết.

Phái đoàn EU cùng Canada, Na Uy và Anh hồi tháng 8 cũng lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam ngừng thi hành án tử tù Nguyễn Văn Chưởng sau khi gia đình và hàng nghìn người khác thỉnh cầu đến Chủ tịch nước Việt Nam xin hoãn thi hành bản án mà họ cho là oan sai đối với ông Chưởng.

Lê Văn Mạnh và Nguyễn Văn Chưởng nằm trong số 3 tử tù, gồm cả Hồ Duy Hải, được các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu về các bản án tử hình “oan sai” đối với họ khi gặp các lãnh đạo Việt Nam. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm của ông tới Hà Nội ngày 10-11/9.

Trong một bức thư thỉnh cầu riêng biệt gửi tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các luật sư của Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long đề nghị bản án tử hình đối với ông Mạnh được xem xét lại cũng như yêu cầu Chủ tịch nước tạm đình chỉ việc thi hành án.

“Vụ án đặc biệt nghiêm trọng nêu trên đối với tử tù Lê Văn Mạnh đã được xét xử qua nhiều lần, nhiều cấp Tòa án với những lời kêu oan liên tục của bị cáo/bị án Lê Văn Mạnh,” các luật sư viết trong thư thỉnh cầu được Luật sư Lê Luân chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. “Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ (vào năm 2015), các Luật sư chúng tôi thực sự nhận thấy….các vấn đề được coi là sai sót, vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, bao gồm việc chứng minh và việc đánh giá các chứng cứ buộc tội trong vụ án này.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận về các lời kêu gọi trên tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hồi năm 2015 đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam cho tiến hành một cuộc điều tra độc lập trước các cáo buộc về việc ông Mạnh bị tra tấn và bức cung để phải nhận tội.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sau đó đã ký lệnh tạm hoãn thi hành án tử hình ông Mạnh. Quyết định thi hành án ông Mạnh mới được đưa ra hôm 18/9 là lần thứ hai.

“Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù… Hơn nữa bất kỳ sai sót nào – điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống pháp luật nào – đều không thể sửa chữa được,” các phái đoàn EU và 3 nước Canada, Na Uy và Anh nói trong tuyên bố và cho biết 2/3 số quốc gia trên thế giới theo chủ nghĩa bãi bỏ hình phạt tử hình trong luật hoặc trong thực tiễn. “Chúng tôi sẽ tích cực làm việc để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới xóa bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới xóa bỏ hình phạt này.”

Vì sao Lê Văn Mạnh kêu oan?

Ông Mạnh bị bắt ngày 20/4/2005 với cáo buộc hiếp dâm, sát hại nạn nhân Linh (SN 1991), người cùng xã.

Theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/7/2008 của TAND tỉnh Thanh Hóa, khoảng 17h ngày 21/3/2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông Cầu Chày (xã Yên Thịnh), Mạnh thấy bé Linh đang đi vệ sinh nên lén lút lại gần, bịt miệng khống chế rồi thực hiện hành vi hiếp dâm. Nạn nhân chống cự liền bị Mạnh hành hung. Mạnh sau đó ôm xác nạn nhân lội qua sông Cầu Chày giấu vào bụi cây rậm ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (TỈNH Thanh Hóa). Sợ bị phát giác, Mạnh xé quần áo của nạn nhân làm dây quấn quanh cổ nhằm tạo hiện trường giả một vụ thắt cổ tự vẫn.

Tối cùng ngày, không thấy con gái về, người nhà tổ chức đi tìm nhưng không thấy. Trưa hôm sau, người dân phát hiện xác bé Linh. Kết quả giám định pháp y xác định “nạn nhân chết ngạt do ngạt nước, có bị hiếp dâm”. Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu nhận được chiếc quần sooc cạp chun nền trắng sọc đỏ được xác định là của Mạnh.

Ngày 20/4/2005, Mạnh bị bắt theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Đồng Nai do hành vi cướp tài sản và bỏ trốn (vụ án khác). Ngày 23/4/2005, Mạnh từ trong trại tạm giam gửi cho bố với nội dung nhận là thủ phạm gây án với bé Linh với nội dung: “Con đã nhận hết tội, nhờ bố sang xin lỗi gia đình cháu và bồi thường thiệt hại…”. Thư này bị nhà chức trách thu giữ, dùng làm căn cứ buộc tội.

Từ năm 2005 đến 2008, Mạnh đã bị 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm.

Trong tất cả phiên tòa, Mạnh đều phản cung, tố cáo bị điều tra viên và các bạn cùng phòng đánh bắt nhận tội. Mạnh cho rằng thời điểm xảy ra án mạng, anh ta đang đi làm giúp em gái Lê Thị Nhài nên có bằng chứng ngoại phạm. HĐXX căn cứ chủ yếu vào bức thư để khép tội trong khi thư là do bị 2 phạm nhân cùng buồng ép viết.

Trong bản kháng nghị giám đốc thẩm số 12 ngày 23/4/2007, Viện KSND Tối cao cũng cho rằng “cơ quan điều tra mắc nhiều thiếu sót, mâu thuẫn và chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội Giết người, Hiếp dâm trẻ em”.

Theo Viện, vật chứng duy nhất là chiếc quần sooc rách được Mạnh thay ra vứt bỏ gần hiện trường khi đi mò xác Linh được xác định mất giá trị chứng cứ buộc tội với Lê Văn Mạnh. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng chưa xác định cụ thể hiện trường gây án ở đâu; nạn nhân chết do nguyên nhân trực tiếp (chết ngạt, đánh đập hay hiếp dâm)… Tình tiết ai đánh đập, ai ép cung bị cáo cũng chưa được làm rõ.

Hơn một năm sau, trong hai phiên tòa của 2 cấp mở trong năm 2008, tòa án vẫn xác định Mạnh có tội, tiếp tục tuyên án tử hình.

Theo luật sư đại diện kêu oan cho Mạnh, trong các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không có chứng cứ nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận toàn bộ tại phiên tòa. “Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 2 điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị án làm chứng cứ duy nhất để kết tội”, luật sư trình bày trong đơn đề nghị hoãn thi hành án tử hình với Mạnh.

Khánh Vy (t/h)