Có tới 14 giám đốc, phó giám Sở GD&ĐT tại 12 tỉnh được thanh tra bị kết luận chưa đủ tiêu chuẩn chức danh, trong khi nhiều giáo viên tại Lào Cai, Yên Bái… có trình độ và thời gian kinh nghiệm đủ để thăng hạng III, II nhưng vẫn bị duy trì ở mức lương thấp hơn.

lanh dao so gd gv khong duoc thang hang luong
Giáo viên tại một điểm trường ở tỉnh Lào Cai. (Ảnh minh họa: laocaitv.vn)

Giám đốc, phó giám đốc Sở không đủ tiêu chuẩn chức danh

Theo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) từ 1/1/2014 đến 31/12/2018 tại 1 số đơn vị do Thanh tra chính phủ vừa công bố, việc thanh tra được tiến hành với 12 tỉnh, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau.

Nội dung thanh tra về đội ngũ nhà giáo; hệ thống các cơ sở đào tạo; bồi dưỡng nhà giáo; biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT; thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục.

Qua thanh tra tại 12 tỉnh trên, về đội ngũ nhà giáo, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của một số đơn vị còn một số thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm như: bổ nhiệm lần đầu quá tuổi bổ nhiệm; bổ nhiệm nhưng còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh theo quy định; bổ nhiệm không có trong quy hoạch. Trong đó, tỉnh Gia Lai có 114 trường hợp; Kon Tum 28, Bình Định 63, Long An 113, Tiền Giang 250, Đồng Tháp 200, Kiên Giang 134, Cà Mau 69.

Đáng lưu ý, có 14 trường hợp được bổ nhiệm là lãnh đạo Sở GD&ĐT nhưng chưa đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh giám đốc, phó giám đốc do Bộ GD&ĐT quy định, với Long An có 2 trường hợp, Tiền Giang 3, Đồng Tháp 4, Kiên Giang 1, Cà Mau 4.

Riêng Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, từ năm 2014-2018, bị nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm và vi phạm về công tác cán bộ. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Tiền Giang chậm hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, dẫn đến công tác bổ nhiệm, tuyển dụng vẫn lặp lại vi phạm.

Tiền Giang đã điều chuyển giáo viên bộ môn mà các cơ sở giáo dục không có nhu cầu bổ sung hoặc đang dôi dư. Trong khi đó, nhiều bộ môn mà cơ sở giáo dục đề xuất bổ sung lại không được sắp xếp như: Sở GD&ĐT, UBND các huyện Cai Lậy, Gò Công Đông, Gò Công Tây. Trong đó, riêng Sở GD&ĐT điều chuyển 39 trường hợp không đúng quy định.

Giáo viên bị chậm thăng hạng lương

Theo kết luận thanh tra, UBND các tỉnh Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai, Kon Tum chậm triển khai thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Đến cuối năm 2019, các tỉnh trên mới triển khai, phê duyệt đề án, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của viên chức giáo dục.

Một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái còn nhiều giáo viên có trình độ ĐH và CĐ đủ thời gian để thăng hạng III, II nhưng chưa được bồi dưỡng chứng chỉ hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn để đủ tiêu chuẩn được thi hoặc xét thăng hạng.

Từ các nhận định trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND 12 tỉnh trên kiểm tra, xác minh lại những vi phạm trong công tác bổ nhiệm để bổ nhiệm lại; rà soát lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nếu còn trường hợp chưa bổ sung đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm.

Đồng thời, UBND 12 tỉnh trên cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, viên chức đủ điều kiện; chỉ đạo Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các cơ sở trong toàn tỉnh; yêu cầu Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện điều động, tiếp nhận viên chức là giáo viên, nhân viên giữa các cơ sở giáo dục, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vị trí việc làm…

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tại Bắc Ninh, ngày 19/10/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT – ông Nguyễn Kim Sơn cho hay ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Với hai điều này, Bộ GD&ĐT chỉ đóng vai trò kiến nghị, đề xuất.

Về giáo viên, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý, Bộ GD&ĐT đi xin biên chế. Năm 2022 dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc. Nghịch lý khi thiếu giáo viên nhưng nhiều địa phương không dám tuyển, để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì không biết trừ vào ai.

Về tài chính, các địa phương tính toán để mua trang thiết bị, nếu ngân sách địa phương không đủ thì làm việc với Trung ương. Bộ GD&ĐT không được biết việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngành GD&ĐT, không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu/thừa ra sao.

Sơn Nguyên