Gần đây, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký lệnh hành pháp cấm các quỹ của Hoa Kỳ đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng vượt qua các hạn chế trong lệnh cấm của Mỹ, và khởi động một dự án mới thay thế “Kế hoạch Ngàn nhân tài” trước kia.

shutterstock 2180999595
Chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng vượt qua những hạn chế trong lệnh cấm của Mỹ và tung ra một dự án mới thay thế “Chương trình Ngàn nhân tài” trước kia. (Ảnh: Dragon Claws/ Shutterstock)

“Khởi Minh” thay thế “Kế hoạch ngàn nhân tài”, chiêu mộ nhân tài hải ngoại

Trước đó, Bắc Kinh muốn tuyển dụng các nhà khoa học ưu tú được đào tạo ở nước ngoài, thông qua một chương trình được tài trợ có tên là “Kế hoạch Ngàn nhân tài” (TTP). Washington coi đây là thách thức đối với lợi ích của Mỹ, sự vượt trội về công nghệ cũng đang bị đe dọa.

Theo báo cáo của Reuters hôm 24/8, sau khi ngừng quảng bá “Kế hoạch Ngàn nhân tài”, chính quyền Bắc Kinh đã âm thầm tung ra một chương trình mới với tên gọi và hình thức mới. Thông tin trên đến từ 3 nguồn tin, Reuters cũng xem xét hơn 500 tài liệu của Chính phủ Trung Quốc từ năm 2019 – 2023.

Chương trình tuyển dụng này mang đến cho người ứng tuyển nhiều lợi ích, gồm trợ cấp nhà ở và tiền thưởng ký hợp đồng từ 3-5 triệu nhân dân tệ (khoảng 420.000 – 700.000USD).

Theo chính sách quốc gia và các tài liệu của chính phủ, cùng nguồn tin đáng tin cậy, “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” đã được thay thế bằng chương trình “Khởi Minh” do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc giám sát.

Kế hoạch cạnh tranh để thu hút nhân tài công nghệ được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh vào nhu cầu tự cung cấp chất bán dẫn trước các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Chương trình “Khởi Minh” tuyển dụng nhân tài trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm các lĩnh vực nhạy cảm hoặc cơ mật như chất bán dẫn. Không giống như “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” trước đó, “Khởi Minh” không công bố danh sách lọt vào vòng chung kết, hoặc xuất hiện trên các trang web của chính phủ.

Một số tài liệu đề cập đến chiến dịch “Bó đuốc” (Torch) cùng với “Khởi Minh”, một chương trình dài hạn của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc nhằm tạo ra các cụm doanh nghiệp công nghệ.

Theo 2 nguồn tin, “Khởi Minh” cũng hoạt động song song với các chương trình tuyển dụng do chính quyền tỉnh quản lý, cũng như các công ty chip được nhà nước hậu thuẫn.

Khi được hỏi về kế hoạch tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc, ông Dean Boyd, phát ngôn viên của Trung tâm Phản gián và an ninh quốc gia Mỹ (NCSC), cho biết, các đối thủ nước ngoài và các đối thủ cạnh tranh chiến lược hiểu rằng việc tiếp cận những tài năng hàng đầu của Mỹ và phương Tây thường có giá trị như việc tiếp cận chính bản thân công nghệ. Khi việc tuyển dụng này tạo ra xung đột lợi ích hoặc cam kết, nó có thể gây rủi ro cho an ninh kinh tế và quốc gia của Hoa Kỳ.

Ông Nick Marro, nhà phân tích Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu Kinh tế, cho biết sẽ rất khó để hạn chế tình trạng rò rỉ tài sản trí tuệ bằng cách hạn chế dòng chảy nhân tài.

Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc bùng nổ trong những năm gần đây, nhưng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khoảng 200.000 nhân lực trong năm nay, bao gồm cả kỹ sư và nhà thiết kế chip.

Tương tự như “Kế hoạch Ngàn nhân tài”, chương trình nhân tài mới của Trung Quốc cũng tập trung tuyển dụng các ứng viên được đào tạo tại các tổ chức hàng đầu của nước ngoài.

Một nguồn tin cho biết, hầu hết các ứng viên được “Khởi Minh” lựa chọn đều đã được đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ và có ít nhất một bằng tiến sĩ. Đồng thời Bắc Kinh đang tìm kiếm các nhà khoa học tại các trường đại học MIT, Harvard và Stanford….

Theo các tài liệu chính thức, chính quyền các tỉnh và thành phố trên khắp Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào các chương trình tuyển dụng. Ví dụ, “Dự án Kunpeng” (Côn Bằng, tức tên của 2 loài khổng lồ trong truyền thuyết là cá Côn và chim Bằng) do tỉnh Chiết Giang khởi xướng, do truyền thông chính phủ “Nhật báo Chiết Giang” đưa tin vào tháng 6/2022, cho biết kế hoạch này nhằm thu hút 200 chuyên gia kỹ thuật, hiện 48 người đã được tuyển dụng.

Một số chuyên gia bán dẫn Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt là những người có quốc tịch nước ngoài hoặc thường trú, lo ngại rằng việc tham gia chương trình nhân tài của Bắc Kinh có thể đồng nghĩa với việc từ bỏ các cơ hội quốc tế hoặc bị Mỹ điều tra, hai nguồn tin cho biết.

Lệnh cấm mới nhất của Mỹ về đầu tư công nghệ vào Trung Quốc cực kỳ nghiêm khắc

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 9/8 theo giờ địa phương, cấm Hoa Kỳ đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc. Mục đích nhằm ngăn cản vốn và chuyên môn của Hoa Kỳ giúp phát triển các công nghệ có thể được sử dụng để hỗ trợ Trung Quốc hiện đại hóa quân sự.

Lệnh này hạn chế các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư Hoa Kỳ thông báo cho Bộ Tài chính về các khoản đầu tư thuộc danh mục hạn chế.

Trong sắc lệnh hành pháp, ông Biden đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính ban hành quy định cấm các thực thể Hoa Kỳ thực hiện những “giao dịch cụ thể”, hoặc tham gia vào các hoạt động liên quan đến công nghệ và sản phẩm bị hạn chế với “các thực thể nhất định” nằm trong hoặc trong phạm vi quyền tài phán của “quốc gia được quan tâm”“một số thực thể khác” thuộc sở hữu của “quốc gia được quan tâm” này.

Lệnh hành pháp này cũng yêu cầu các thực thể Hoa Kỳ khi thực hiện “các giao dịch nhất định” với “các thực thể nhất định” nằm trong hoặc trong phạm vi quyền tài phán của “quốc gia được quan tâm”“một số thực thể khác” thuộc sở hữu của “quốc gia được quan tâm” này, hoặc các hoạt động liên quan đến công nghệ và sản phẩm hạn chế đều phải thông báo về Bộ Tài chính Hoa Kỳ.

Vì nhiều công ty quốc tế có cổ phần hoặc cổ phần thuộc sở hữu của Hoa Kỳ, nên hiệu lực thực tế của lệnh điều hành này sẽ mở rộng ra phạm vi toàn cầu.