Gần đây, cựu Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Ôn Gia Bảo có bài viết bị cho là nhạy cảm nên bị hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc ngăn chặn. Hiện tượng gây chú ý này đã được giới quan sát phân tích, chỉ ra bài viết vi phạm một số “quy tắc chính trị” của ĐCSTQ chủ yếu như sau.

Ôn Gia Bảo
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc)

Nhấn mạnh thảm họa Cách mạng Văn hóa

Bài viết với nội dung tưởng nhớ người mẹ đã khuất của ông cựu Thủ tướng ĐCSTQ Ôn Gia Bảo được đăng trên tờ Macao Herald. Bài viết gồm 4 phần, trong đó có phần nhấn mạnh đến thảm họa mà cuộc Cách mạng Văn hóa “vô tiền khoáng hậu” đã gây cho gia đình ông, khiến cha ông đã phải chịu rất nhiều đau khổ trong suốt 10 năm khi thường xuyên bị tra khảo và đánh đập.

Vào ngày 17/4 tài khoản công khai WeChat “Học nhân Scholar” đã đăng lại bài của ông Ôn Gia Bảo, nhưng sau đó bài viết nhanh chóng bị cấm chuyển tiếp hoặc chia sẻ, đồng thời chức năng lưu giữ và nhận xét cũng bị cấm với lý do “vi phạm nguyên tắc hoạt động của WeChat”. Một số nội dung được nhiều trang truyền thông tại Trung Quốc đăng lại cũng đã bị buộc phải xóa bỏ.

Nhiều suy đoán cho rằng lý do chính khiến bài viết bị kiểm duyệt vì ông Ôn Gia Bảo nhắc về cuộc sống khổ nạn của cha mẹ ông trong Cách mạng Văn hóa, vì chạm vào quan điểm của giới lãnh đạo ĐCSTQ hiện nay. Mới đây giới chức trách Trung Quốc đã đề xuất xây dựng cái gọi là “quan điểm lịch sử Đảng” đúng đắn, theo đó cần tránh đề cập đến những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ như Cách mạng Văn hóa, thay vào là quảng bá mạnh mẽ cái gọi là hình ảnh “vĩ đại – vinh quang – chính nghĩa” của ĐCSTQ… Bài viết của ông Ôn Gia Bảo nhắc về ký ức đau khổ của Cách mạng Văn hóa đã đi ngược lại quan điểm “lịch sử Đảng đúng đắn” đó.

Tự ý công bố khi chưa thông qua tổ chức

BBC tiếng Trung cho biết, học giả chính trị có bút danh Khải Bác (Kai Bo) chỉ ra, hiện đang là thời điểm ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm xây dựng quyền lực và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ 20, ông Ôn Gia Bảo đã chọn đăng bài viết vào thời điểm này là công khai thể hiện tâm trạng bất mãn đối với giới chức cầm quyền hiện nay.

Tuy nhiên giới quan sát cũng có quan điểm khác cho rằng lý do chính vì quy chế nội bộ của ĐCSTQ quy định các bài phát biểu của các lãnh đạo ĐCSTQ đã nghỉ hưu chỉ được công bố và phổ biến sau khi được chấp thuận của Ủy ban và Văn phòng Trung ương ĐCSTQ.

Nhà bình luận Cao Tân (Gao Xin) từ Đài Á châu Tự Do (RFA) cho biết, ĐCSTQ có rất nhiều “giới luật” đối với các quan chức cấp cao đã nghỉ hưu, bao gồm “không chấp nhận phỏng vấn của các phương tiện truyền thông hải ngoại khi chưa được sự cho phép, không xuất bản các bài viết và hồi ký ở nước ngoài”… Đến thời Tập Cận Bình, “kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị” càng cụ thể và chặt chẽ hơn. Ví dụ như trong quy định “chưa thông qua tổ chức cho phép, không tự ý nhận phỏng vấn của truyền thông nước ngoài” đã lược bỏ ý “chưa thông qua tổ chức cho phép”, như vậy ý nghĩa có vẻ như việc chấp nhận phỏng vấn của truyền thông nước ngoài là vùng cấm chính trị một cách tuyệt đối.

Thông tin cho biết nhiều năm qua, vấn đề được ông Tập chú trọng nhất trong ĐCSTQ là cái gọi là “chấp hành nghiêm kỷ luật chính trị và các quy tắc chính trị của Đảng”, đã nhiều lần ông Tập cảnh báo rằng “bất kể vị trí cao hay quyền lực đến đâu cũng không thể coi kỷ luật chính trị và các quy tắc chính trị như trò đùa”. Vì vậy, không nghi ngờ gì, động thái của ông Ôn Gia Bảo đã chạm vào nguyên tắc của ông Tập Cận Bình.

 

Nhấn mạnh xuất thân bình dân là tự tách khỏi ông Tập?

Trong bài viết, ông Ôn Gia Bảo cũng nhớ lại những ngày ở Trung Nam Hải: “Đối với người như tôi, ‘làm quan’ vốn là chuyện ngẫu nhiên. Tôi phải thận trọng, giống như đi trên lớp băng mỏng, giống như đối mặt với vực thẳm…”.

Giới quan sát có nhận định rằng trong tuyên bố “xuất thân như tôi” mà ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh cho thấy sự phân biệt với con đường “làm quan” của không ít người khác… Vì lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình có xuất thân là “thái tử Đảng” nên tuyên bố của ông cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo không khác gì đã chủ động muốn tách ra khỏi ông Tập.

“Công bằng, Công lý, Tự do” là những từ nhạy cảm

Cuối bài ông Ôn Gia Bảo viết: “Tôi đồng cảm với người nghèo và người yếu thế, phản đối nạn bắt nạt và áp bức. Trong suy nghĩ của tôi, Trung Quốc nên là một quốc gia đầy công bằng và công lý, tôn trọng bản chất của nhân đạo với con người, mãi có khí chất thanh xuân, tự do, và sức vươn lên”.

Chuyên gia truyền thông Phạm Tiểu Đào (Pan Xiaotao) cho biết, bài viết của ông Ôn Gia Bảo không chỉ là vấn đề tưởng nhớ người mẹ đã khuất, mà còn cho thấy tâm trạng bất mãn với con đường của đất nước Trung Quốc hiện nay. Những năm gần đây hai chữ “tự do” đã trở thành từ nhạy cảm trong mắt giới chức cầm quyền Bắc Kinh.

Theo Phương Hiểu, Epoch Times

Xem thêm: