Ngày 8/11 các nguồn tin nói với Reuters của Anh rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã yêu cầu Bảo hiểm Bình An tiếp quản nhà phát triển bất động sản đang bị khủng hoảng vỡ nợ Country Garden. Bảo hiểm Bình An đã lên tiếng phủ nhận.

Country Garden
Hình ảnh công ty Country Garden Holdings tại Jakarta, Indonesia (Ảnh: Poetra.RH / Shutterstock)

Reuters: Nhà chức trách yêu cầu Bảo hiểm Bình An tiếp quản Country Garden

Reuters đưa tin độc quyền hôm 8/11 rằng nhiều nguồn tin hiểu biết trực tiếp về vấn đề này cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chỉ thị cho Chính quyền tỉnh Quảng Đông giúp sắp xếp việc Bảo hiểm Bình An (tên đầy đủ là Công ty Bảo hiểm Bình An/ Ping An Trung Quốc) giải cứu ‘gã khổng lồ’ bất động sản Country Garden đang vỡ nợ.

Sau khi Reuters đưa tin Bảo hiểm Bình An có thể tiếp quản Country Garden, cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Bảo hiểm Bình An đã giảm 5,7% vào giữa trưa ngày 8/11, trong khi giá cổ phiếu của Country Garden tăng 4%.

Bất động sản chiếm 1/4 hoạt động kinh tế của Trung Quốc, do đó vấn đề vỡ nợ của Country Garden làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng hơn.

Các nguồn tin cho biết, chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng hết sức để tránh những khó khăn về tài chính và thanh khoản mà Country Garden phải đối mặt, nhằm ngăn vấn đề lan rộng thành một cuộc khủng hoảng tài chính. Nếu Bảo hiểm Bình An bơm vốn để tiếp quản Country Garden, đây sẽ là hoạt động giải cứu lớn nhất của chính phủ kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra trên thị trường bất động sản Trung Quốc.

Hai nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán để Bảo hiểm Bình An tiếp quản Country Garden đã bắt đầu vào tháng 8 năm nay, hiện vẫn đang trong quá trình. Bảo hiểm Bình An được yêu cầu tiến hành thẩm định đối với Country Garden, vì dù sao Bảo hiểm Bình An là công ty niêm yết và phải giải trình với các cổ đông. Dù Bảo hiểm Bình An được chính phủ chỉ đạo giải cứu Country Garden nhưng họ vẫn có cơ hội thương lượng. Vào tháng 9, Bảo hiểm Bình An đã tổ chức một số cuộc đàm phán với chính quyền tỉnh Quảng Đông về việc giải cứu Country Garden.

Được biết, các cuộc thảo luận giữa Bảo hiểm Bình An và cơ quan chính phủ đều do các quan chức từ Vụ Thị trường Tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chủ trì, có tham gia của Country Garden. Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Trung Quốc cũng tham gia đàm phán.

Theo hai nguồn tin nắm rõ kế hoạch này, các nhà chức trách muốn Công ty Bảo hiểm Bình An nắm giữ hơn 50% cổ phần.

Cổ đông lớn nhất của Country Garden là Yang Huiyan đang nắm giữ khoảng 52% cổ phần, cô là con gái thứ hai của Yang Guoqiang (Dương Quốc Cường) – người sáng lập Country Garden, hiện là chủ tịch hội đồng quản trị của Country Garden.

Các nguồn tin cho biết, nếu Bảo hiểm Bình An trở thành cổ đông kiểm soát của Country Garden, các nhà chức trách hy vọng họ sẽ bơm vốn theo từng giai đoạn để giảm tải gánh nặng thanh khoản của nhà phát triển bất động sản này.

Nhà phát triển bất động sản này vào tháng trước đã không thể trả lãi bằng USD đúng kỳ hạn, dẫn đến suy đoán rằng họ đã vỡ nợ khoảng 11 tỷ USD trái phiếu nước ngoài.

Country Garden cho biết, dự tính của họ không thể đáp ứng hết các khoản nợ nước ngoài, hy vọng tìm kiếm giải pháp tổng thể để giải quyết khó khăn.

Hai nguồn tin cũng cho biết Bắc Kinh rất háo hức với kế hoạch tiếp quản Country Garden, để làm hình mẫu cho các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn về tài chính khác.

Hiện các cơ quan chức năng của Trung Quốc chưa có phản hồi về thông tin này.

Bảo hiểm Bình An phủ nhận còn nắm cổ phần tại Country Garden

Ngày 8/11, Bảo hiểm Bình An đã đưa ra một tuyên bố cho biết, họ đã nhận thấy một bản tin do Reuters công bố rằng công ty được các cơ quan/tổ chức chính phủ liên quan yêu cầu mua lại Country Garden và đảm nhận các khoản nợ liên quan. Bảo hiểm Bình An tuyên bố thông tin hoàn toàn không phù hợp với thực tế, họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ yêu cầu liên quan nào từ các cơ quan chính phủ liên quan.

Công ty Bảo hiểm Bình An nói với truyền thông tại Trung Quốc, rằng “tính đến cuối Quý III, công ty không còn nắm giữ cổ phần tại Country Garden nữa”.

Theo thông tin công khai, Bảo hiểm Bình An Trung Quốc trước đây là cổ đông lớn thứ hai của Country Garden, nắm giữ 4,99% cổ phần.

Một người của Country Garden cho biết, ông không biết gì về thông tin tiếp quản Country Garden. Liên quan đến việc [Bảo hiểm Bình An] thanh lý cổ phiếu Country Garden, người này cho biết Bảo hiểm Bình An vào năm 2015 đã đầu tư một cách chiến lược 6,295 tỷ đô la Hồng Kông vào Country Garden với mức giá 2,816 đô la Hồng Kông trên mỗi cổ phiếu, qua đó trở thành cổ đông lớn thứ hai, nhưng sau này bắt đầu giảm tỷ lệ sở hữu khi cổ phiếu này được bán ra là 16 đô la Hồng Kông, tính đến tháng 8 năm nay thì chỉ còn sở hữu lượng cổ phần chưa tới 5%.

Country Garden xác nhận vỡ nợ trái phiếu bằng USD, khủng hoảng nợ khó giải quyết

Theo WSJ hôm 25/10, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Country Garden gặp khó khăn đã tuyên bố vỡ nợ trái phiếu bằng USD, không trả lãi 15,4 triệu USD như dự kiến sau khi kết thúc thời gian ân hạn.

Bloomberg trích dẫn một thông báo gửi tới các trái chủ từ Citibank được ủy thác quản lý trái phiếu này, cho biết việc Country Garden không trả lãi như dự kiến ​​đã cấu thành một “sự kiện vỡ nợ”. Tiền lãi ban đầu dự kiến ​​được trả ngày 17/9 và sau đó được gia hạn 30 ngày, nhưng Country Garden đã không thanh toán trong thời gian ân hạn đó.

Country Garden tuần trước cho biết họ không thể thực hiện mọi nghĩa vụ trả nợ ở nước ngoài như dự kiến.

Trước thông tin thị trường gần đây về việc người sáng lập Country Garden đã bán một chiếc máy bay phản lực tư nhân để trả nợ, ngày 13/10 có người trong cuộc nói với giới truyền thông: “Một chiếc đã được bán, chiếc còn lại là vẫn đang rao bán. Chiếc đã bán là máy bay mới được giữ ở nước ngoài và chưa sử dụng. Chiếc máy bay còn lại thì đang được sử dụng. Động thái này đã tăng được dòng tiền cho công ty, ở mức độ nhất định đã giúp công ty duy trì hoạt động”.

Kể từ tháng 8 năm nay, Country Garden đã phải chịu áp lực thanh khoản.

Về vấn đề này, mới đây học giả Miles Yu (người Mỹ gốc Hoa, là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc) cho rằng bất động sản Trung Quốc trong thời kỳ phình bong bóng, các công ty bất động sản lớn đang gặp nguy hiểm. Trường hợp tiêu biểu như nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande đã sụp đổ (Evergrande tập trung vào bất động sản thương mại và dân cư ở các thành phố hạng nhất, cao cấp).

Country Garden có phần khác biệt, luôn được biết đến với mô hình kinh doanh tốt, đơn giản là tập trung phát triển bất động sản nhà ở tại các thành phố cấp 2, cấp 3 và cấp 4 trên toàn Trung Quốc, có số lượng lớn dự án ở khắp Trung Quốc. Nhưng vấn đề là sản phẩm không còn bán chạy như trước, khiến danh mục đầu tư khổng lồ này trên khắp Trung Quốc lâm khủng hoảng. Bởi bối cảnh chung kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đều đang suy yếu.

Ông Miles Yu chỉ ra rằng nhiều vấn đề của Country Garden thực chất là do nhà chức trách cầm quyền gây ra. Ngoài những biến động bình thường của thị trường, chính quyền Trung Quốc còn bóp nghẹt Country Garden. Một ví dụ điển hình là dự án hợp tác với Chính phủ Malaysia.

Trong thập kỷ qua, Country Garden đã chi 100 tỷ USD để xây dựng dự án bất động sản đẳng cấp thế giới “Forest City” ở cực nam của Bán đảo Malaysia, đó được kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu vàng ở nước ngoài, nhưng giờ đây nó trở thành như ‘thành phố ma’ không mấy ai ở.

Theo tờ Le Figaro của Pháp, dự án Forest City bắt đầu vào năm 2015, thành phố tương lai này được xây dựng trên 4 hòn đảo nhân tạo có diện tích 30 km2, từng được lên kế hoạch thu hút 700.000 cư dân, nhưng hiện tại chỉ có hơn 10.000 cư dân, trong 4 hòn đảo mới hoàn thành cải tạo được một.

Tờ Straits Times của Malaysia cho rằng gần 90% cửa hàng đã bị bỏ hoang, cho thấy dự án thất bại hoàn toàn.

Được biết, giá mỗi căn hộ trong dự án bất động sản Country Garden cao tới khoảng 250.000 USD, trong khi thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Malaysia chỉ khoảng 16.000 USD. Người dân địa phương đơn giản là không đủ khả năng để mua một tài sản đắt tiền như vậy.

Ông Miles Yu cho biết dự án Forest City ban đầu nhắm đến người mua nhà nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc giàu có. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái thì rất ít người Trung Quốc mua nhà ở nước ngoài. Hơn nữa, vài năm trước ông Tập Cận Bình đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra ngoài. Chính quyền Trung Quốc quy định mỗi người mỗi năm chỉ được chuyển ra nước ngoài số tiền tương đương 50.000 USD, động thái đó gây khó cho những ai muốn mua nhà ở nước ngoài như dự án Forest City tại Malaysia.

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc còn có biện pháp kiểm soát hộ chiếu xuất cảnh. Họ hạn chế người Trung Quốc giàu có ra nước ngoài, nhằm thúc đẩy chi tiêu trong nước hỗ trợ chiến lược ‘lưu thông nội bộ’ (chuyển trọng tâm kinh tế vào trong nước).

Mặt khác, những dự án lớn như vậy do các nhà phát triển ở nước ngoài thiết kế (như Trung Quốc) cũng gây phản đối mạnh ở các nước như Malaysia, vốn lo sợ ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính quyền Malaysia đã thề sẽ không trở thành Campuchia tiếp theo. Đây là vấn đề nan giải mà Country Garden phải đối mặt trong nước và quốc tế.

Giờ đây, ngày càng nhiều người trên thế giới nhận ra rằng toàn bộ mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc giống mô hình Ponzi, không có nền tảng vững chắc. Ông Miles Yu cho rằng sự sụp đổ của Country Garden đang bên bờ vực, có thể ngã bất cứ lúc nào. Vì công ty này không thể đáp ứng được thời hạn trả nợ nên cổ phiếu về cơ bản là cổ phiếu rác. Nhưng vấn đề lo ngại là tác động sụp đổ của ‘gã khổng lồ’ này sẽ vượt xa Evergrande, bởi liên quan đến quá nhiều khu vực và quốc gia.