Trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công, các luật sư nhân quyền của Trung Quốc không hề sợ hãi cường quyền lực. Họ đã đứng lên đòi công lý cho những người tu theo “Chân-Thiện-Nhẫn”.

Kể từ tháng 7/1999, chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện một cuộc đàn áp tàn bạo và rộng khắp đối với Pháp Luân Công. Họ coi đây là một “tà giáo” và phát động một chiến dịch đàn áp và tuyên truyền kéo dài.

Trong cuộc đàn áp kéo dài hơn 20 năm, không chỉ hàng triệu (có thể còn nhiều hơn) học viên Pháp Luân Công bị bức hại, bị tra tấn về thể xác và tinh thần, hàng trăm triệu người dân Trung Quốc cũng bị bức hại.

Họ bị đầu độc tinh thần khi nghe và chứng kiến cuộc đàn áp quy mô lớn này mà không hề nhận ra. Bởi họ chấp nhận khái niệm “tà giáo”, và tin rằng việc ĐCSTQ tra tấn các học viên Pháp Luân Công là có thể chấp nhận được.

Thông qua bộ máy tuyên truyền của mình, ĐCSTQ cố gắng bóp méo sự thật, tạo ra những lời dối trá, che đậy sự thật và phỉ báng học viên Pháp Luân Công, biến họ thành “nạn nhân”“những người khác biệt” trong xã hội, nhằm hợp pháp hóa cuộc đàn áp, khiến người dân Trung Quốc không còn coi các học viên Pháp Luân Công là “con người” nữa.

Kiểu tuyên truyền này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến dư luận trong nước và quan niệm của người dân Trung Quốc, mà còn đánh lừa cộng đồng quốc tế.

Theo ông Mạnh Kiến Trụ, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khi đó, cho biết vào năm 2015, “những đột phá trong cuộc đấu tranh chống tà giáo ở nước ngoài đã thu hẹp không gian hoạt động của các tổ chức tà giáo ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như vậy, các luật sư nhân quyền của Trung Quốc không hề sợ hãi cường quyền, đứng lên đòi công lý cho các học viên Pháp Luân Công, những người tu theo “Chân-Thiện-Nhẫn”.

Họ đã thực hiện một sứ mệnh rất quan trọng, sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ, và sử dụng tiếng nói của truyền thông để truyền bá, cố gắng thay đổi tình hình nhân quyền nghiệt ngã này.

Trong đó, ông Cao Trí Thịnh, luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công từ năm 2004, là người nổi tiếng nhất. Ông đã sớm đứng lên tích cực trợ giúp pháp lý cho các học viên Pháp Luân Công, tiết lộ cho thế giới về cuộc đàn áp nghiêm trọng, và lên án cuộc bức hại này là vi phạm nhân quyền cực độ.

Cao Tri Thinh
Luật sư nhân quyền Cao Trí Thịnh.

Cá nhân ông đã phải trả giá rất đắt cho việc này. Chu Vĩnh Khang khét tiếng đã trực tiếp phê chuẩn đàn áp luật sư Cao Trí Thịnh. Ngay cả sau khi Chu Vĩnh Khang bị bỏ tù, luật sư Cao Trí Thịnh vẫn bị ĐCSTQ giam giữ bí mật. Đến nay vẫn chưa rõ ông còn sống hay đã mất.

Kỳ thực, vụ án 709 nổi tiếng bắt nguồn từ các luật sư nhân quyền bào chữa cho học viên Pháp Luân Công. Theo tài liệu mật của ĐCSTQ, vụ 709 bắt đầu theo chỉ thị của ông Tập Cận Bình vào ngày 16/2/2015. Do đó, tên chính thức của nó trong nội bộ ĐCSTQ là chuyên án “2.16” (16/2).

ĐCSTQ mô tả cốt lõi của vụ án “2.16”“một luật sư chủ chốt dẫn đầu vụ án. Họ thành lập một nhóm đối lập, nhằm cố gắng thay đổi chính quyền và chế độ của chúng ta. Mục đích của việc can thiệp vào các vụ án nhạy cảm là thúc đẩy cuộc đấu tranh chống lại hệ thống và chế độ, bằng cách đấu tranh chống lại các vụ đối đầu, và cuối cùng là xúi giục một cuộc cách mạng màu ở Trung Quốc.”

Cuối năm 2015, chỉ hơn 5 tháng sau khi vụ 709 xảy ra, ông Mạnh Kiến Trụ đã đến Văn phòng 610, tổ chức phi pháp chuyên đàn áp Pháp Luân Công, tự khoe rằng năm nay “đã xử lý các cáo buộc sai trái chống lại Pháp Luân Công theo đúng pháp luật. Một số rất ít luật sư chủ chốt đã tham gia thổi phồng các vụ án tà giáo, nhờ đó duy trì sự ổn định chính trị xã hội nói chung.”

Có thể thấy, trong mắt ĐCSTQ, những luật sư dám bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công chính là những kẻ tử thù muốn lật đổ chế độ ĐCSTQ.

Hơn 20 năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã kiên cường chống lại cuộc đàn áp. May mắn thay, họ không đơn độc, bởi các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã đi đầu trong việc đứng lên bảo vệ các học viên Pháp Luân Công, thách thức hành vi vi phạm trắng trợn của chính quyền ĐCSTQ khi ngang nhiên chà đạp pháp luật và nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công.

Đằng sau những nỗ lực đó là sự kiên định vào giá trị phổ quát về nhân quyền, bảo vệ lương tâm và công lý trong xã hội Trung Quốc. Các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã đấu tranh cho nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công. Kỳ thực, điều này cũng có tác dụng kêu gọi và đánh thức ý thức chung về nhân quyền của xã hội Trung Quốc.

Họ không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm cụ thể, mà còn kêu gọi sự tôn trọng và niềm tin của xã hội vào các quyền con người phổ quát.

Tuy nhiên, các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã phải trả giá đắt trong cuộc chiến này. Luật sư Cao Trí Thịnh bị kết án, Quách Quốc Đinh (Guo Guoting) phải sống lưu vong, Vi Lương Nguyệt bị giam trong lớp tẩy não.

Luật sư Đường Cát Điền, Giang Thiên Dũng, Vương Thành, Trương Tuấn Kiệt bị đánh trong vụ Kiến Tam Giang, hay như luật sư Vương Toàn Chương, Lý Hòa Bình, Tạ Yến Ích trong vụ 709.

Trong những năm gần đây, Luật sư Ngô Thiệu Bình bị đuổi ra khỏi tòa án vì bào chữa cho Pháp Luân Công. Các luật sư Hồ Lâm Chính, Tằng Võ bị đình chỉ hành nghề luật sư trong 3 tháng…

Họ đang phải đối mặt hoặc gánh chịu những rủi ro như bị bỏ tù, quấy rối, mất tư cách pháp nhân và đe dọa đến an toàn cá nhân. Tuy nhiên, họ đã không khuất phục trước thế lực tà ác, kiên quyết bảo vệ nhân quyền, thể hiện lòng dũng cảm bất khuất và tinh thần trách nhiệm cao cả.

Trước những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như vậy, chúng ta thấy các luật sư nhân quyền Trung Quốc là những chiến binh trên mặt trận bảo vệ nhân quyền.

Họ sử dụng vũ khí hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của các học viên Pháp Luân Công, thách thức sự tàn bạo vô lý của ĐCSTQ, và khắc ghi tội ác của đảng này vào lịch sử.

Những nỗ lực và cống hiến của họ cho chúng ta thấy rằng chỉ khi dám đứng lên lên tiếng cho những người bị bất công, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, tự do và bình đẳng hơn.

Trần Sấm Sáng
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, đăng trên Vision Times.)