Khi tình hình eo biển Đài Loan đang nóng lên, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ rằng quân đội nước này sử dụng vòng đeo tay cảm biến thông minh để theo dõi tâm lý binh sĩ đã làm dấy lên lo ngại.

Embed from Getty Images

ĐCSTQ đã phát động các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, thu hút sự chú ý của quốc tế. Ảnh chụp một phi công quân sự Trung Quốc vào tháng 9/2021. Ảnh dữ liệu. (Ảnh: Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Một số chuyên gia quân sự cho rằng nhiều quốc gia sẽ sử dụng đồng hồ thông minh để theo dõi tình trạng thể chất của binh lính, nhưng chỉ có ĐCSTQ mới dám sử dụng nó như một công cụ để theo dõi tâm lý của binh lính.

Ngày 15/8, Nhật báo Quân sự ĐCSTQ đưa tin “Các thiết bị thông minh của một lữ đoàn quân đội đã xâm nhập vào công tác tâm lý thời chiến.”

Đây là phóng sự về một cuộc diễn tập thực chiến, trong đó đề cập đến việc một binh sĩ lần đầu tham gia diễn tập trong một lữ đoàn quân đội Đại Lục đã rất hồi hộp.

Theo chiếc vòng tay cảm biến thông minh mà binh sĩ này đeo, người hướng dẫn sẽ nắm bắt dữ liệu tâm sinh lý theo thời gian thực, đồng thời cử cán bộ tư vấn tâm lý kịp thời tiến hành công tác tư vấn tâm lý, giúp binh sĩ này hoàn thành nhiệm vụ.

Báo cáo cho biết, hệ thống giám sát tâm lý thông minh được lắp đặt trong mỗi đơn vị hỏa lực, có thể liên tục ghi lại thông tin về khuôn mặt của cán bộ, chiến sĩ và phán đoán trạng thái tâm lý của họ sĩ trong thời gian thực, thông qua dữ liệu phản hồi.

Báo cáo cho rằng đây là cách sử dụng công nghệ để giúp cải thiện chất lượng tâm lý của các sĩ quan và binh lính.

Ngày 3/12/2021, Nhật báo Quân sự của ĐCSTQ cũng đăng một bài giới thiệu cách một trung đoàn của Quân chủng Tên lửa Cộng sản sử dụng hệ thống này để phân tích tư tưởng của binh sĩ và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các vấn đề trong quân đội.

Bài báo viết: “Gần đây, một người lính cấp cao của một đại đội đã tiêu trầm, nhiệt tình công tác không cao …” Vài ngày trước, Phạm Chấn, một sĩ quan Phòng Công tác Chính trị của một trung đoàn thuộc Binh chủng Tên lửa, đã nhấp vào nền tảng quản lý của hệ thống “Tàu tốc hành tâm tình của binh sĩ” của trung đoàn, và một dòng màu đỏ hiện ra. Tin tức về dòng cảnh báo này đã thu hút sự chú ý của anh. Sau khi nhận được thông tin khẩn cấp, Phạm Chấn ngay lập tức thông báo cho đại đội trưởng về tình hình này.

Báo cáo mới nhất rõ ràng cho thấy trực tiếp hơn, rằng quân đội của ĐCSTQ đã sử dụng hệ thống giám sát tâm lý thông minh, để theo dõi thế giới nội tâm của binh lính.

Chuyên gia: Chỉ có ĐCSTQ mới dám sử dụng hệ thống theo dõi tình trạng sinh lý của con người để giám sát binh lính

Hôm 15/8, ông Lý Chính Tu, một chuyên gia quân sự Đài Loan, kiêm nhà nghiên cứu cộng sự tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia, nói với Epoch Times rằng công nghệ có thể phục vụ người dân, nhưng cũng có thể bị các nhà độc tài lạm dụng như một công cụ kiểm soát người dân.

Mặc dù việc sử dụng đồng hồ thông minh để theo dõi tình trạng thể chất của binh lính là một phương pháp được nhiều nước áp dụng, nhưng chỉ có ĐCSTQ mới dám sử dụng hệ thống theo dõi tình trạng sinh lý của cơ thể con người, như một công cụ để giám sát quân đội của mình.

Ông Lý Chính Tu nói: “Ví dụ, đồng hồ Apple có thể theo dõi tình trạng thể chất của người dùng, nhưng Hoa Kỳ sẽ không sử dụng chức năng này như một công cụ để giám sát binh lính. Tôi e rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân (ĐCSTQ) sẽ không dám nói thật. Rốt cuộc, nếu bị phát hiện ra rằng những người lính có vấn đề về thể chất và tinh thần, e rằng họ sẽ bị hỏi tội.”

Ông cũng nói rằng để đạt được mục tiêu chính trị của mình, ĐCSTQ thường sử dụng những tuyên truyền chính trị, để giáo dục tự ru ngủ bản thân. Đặc biệt là ĐCSTQ coi việc khôi phục Đài Loan như một sứ mệnh lịch sử quan trọng nhất của quân đội để tẩy não họ. Rõ ràng, nhiều người nhập ngũ vì không tìm được việc làm nên tính cách họ khá đơn giản, dễ bị lừa gạt, đây là điều cũng cần phải lưu ý.

Người Đại Lục: Quân đội ĐCSTQ vi phạm nhân quyền của binh lính

Ông Ngô Đặc, nhà bình luận truyền thông độc lập ở Trung Quốc Đại Lục, tin rằng loại hình giám sát thông minh, theo thời gian thực đối với dữ liệu tâm sinh lý của binh lính, liên quan đến các vấn đề về quyền con người. Xét cho cùng, mọi người nên có sự tự do tư tưởng và quyền riêng tư, và không nên bị thao túng như máy móc hay như động vật.

Ông Ngô Đặc nói rằng về đối nội, ĐCSTQ luôn tẩy não chính trị và đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​dám nói lên sự thật, đặc biệt là trong quân đội. Không giống như các chính sách quốc hữu hóa quân sự của các nền dân chủ phương Tây, là hạn chế tuyên truyền đảng phái chính trị trong quân đội, quân đội của ĐCSTQ chính là lực lượng bảo vệ đảng.

Hàng ngày binh lính của ĐCSTQ đều phải bị tẩy não bởi những quả bom tuyên truyền của đảng, yêu cầu họ phải nghe theo đảng, và bảo vệ sự thống trị của đảng. Tinh thần quân sự mà ĐCSTQ muốn trong quân đội, thực ra là muốn binh lính của họ trở thành bia đỡ đạn cho chế độ ĐCSTQ một cách vô điều kiện.

Luật sư Lý đến từ Đại Lục nói với Epoch Times rằng đây là một thủ đoạn giám sát diễn biến tư tưởng cá nhân của binh lính, cũng là biểu hiện của việc không tin tưởng vào quân nhân. Dưới sự giám sát như vậy, binh lính ít có khả năng sẽ bộc lộ những suy nghĩ và hành động chân thực của họ. Hành động “phòng miệng dân hơn phòng lũ” như vậy cũng tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường đối với người giám sát.

Đầu tháng này, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, khuấy động căng thẳng ở eo biển Đài Loan, và châm ngòi cho cuộc chiến Trung-Mỹ.

Quân đội ĐCSTQ đã đi đầu trong việc hô hào “sẵn sàng dàn trận, nghe lệnh chiến đấu”, và sử dụng khẩu hiệu tuyên truyền “chôn vùi tất cả kẻ thù xâm phạm, tiến thẳng tới chiến thắng của liên minh”.

Ông Ngô Đặc nói rằng mặc dù việc tẩy não của ĐCSTQ trong quân đội là rất mạnh mẽ, nhưng do những năm gần đây, quân đội đã trở nên hủ bại và việc không chiến đấu thực tế suốt một thời gian dài, khiến hầu hết những người đến tham gia quân đội ở Trung Quốc đều chỉ vì mưu sinh. Phẩm chất cá nhân và trình độ học vấn của quân nhân thường không cao, vì vậy những khẩu hiệu cao mà họ hô hào không thực sự được phản ánh ra trên chiến trường.

Từ thử nghiệm AI về lòng trung thành của đảng viên, đến việc binh lính bị theo dõi tâm lý

Cách làm của quân đội Trung Quốc cũng gợi nhớ đến cuộc trắc nghiệm AI gây tranh cãi về lòng trung thành với ĐCSTQ. Ngày 1/7 năm nay, Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia Hợp Phì Trung Quốc thông báo, rằng họ đã kết hợp thành công trí tuệ nhân tạo (AI) với công tác xây dựng đảng, nhằm đánh giá mức độ và hiệu quả của việc giáo dục chính trị và tư tưởng mà các đảng viên ĐCSTQ tiếp nhận.

Được biết, bộ thiết bị này được gọi là “Thanh tư tưởng và chính trị thông minh”, có thể sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, để trích xuất các đặc điểm hình ảnh khuôn mặt, đặc trưng điện não đồ (EEG) và tính năng điện qua da (EDA), nhằm phối hợp và tích hợp, để đo lường “mức độ chuyên chú, trình độ nhận thức, khả năng phán đoán, nắm bắt của đảng viên khi được giáo dục tư tưởng chính trị, từ đó hiểu rõ hiệu quả của công tác giáo dục tư tưởng chính trị.”

Ông Đổng Quảng Bình, một cựu cảnh sát ở Trung Quốc Đại Lục, nói rằng thứ này thực sự giống như như một máy phát hiện nói dối. Các cuộc phỏng vấn sẽ được thiết kế hoàn toàn theo mô típ của lãnh đạo ĐCSTQ, như lòng trung thành với chủ tịch nước, bạn học hỏi từ lãnh đạo như thế nào, v.v. Thiết bị này sẽ kiểm tra nhịp tim, mồ hôi và cảm xúc trên khuôn mặt của bạn, để xác định xem bạn đang nói thật hay nói dối.

Qua việc đánh giá hiệu quả học tập, sẽ “hướng dẫn những người nghiên cứu củng cố hơn nữa lòng tin và quyết tâm kiên định với lòng biết ơn đảng, nghe lời đảng, đi theo đảng”.

Về việc ĐCSTQ sử dụng AI để theo dõi mức độ giáo dục tư tưởng của các đảng viên, ngày 4/7, cựu giáo sư lịch sử Đại Lục, ông Lưu Nhân Toàn, nói với Epoch Times rằng cho dù ĐCSTQ dùng trí tuệ nhân tạo giám sát đảng viên hay người bình thường, thì điều này cũng nhằm cải thiện hơn nữa việc sử dụng công nghệ để giám sát con người, rất nguy hiểm.

Bài viết và video này đã bị xóa. Tuy nhiên, nội dung liên quan lại làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng như “kiểm soát não”, “nỗi sợ hãi vô hình”, “quá đáng sợ” “tẩy não bằng công nghệ”.

Ông Ngô Đặc nói với Epoch Times rằng từ việc sử dụng AI để đo lòng trung thành, đến việc thu thập dữ liệu sinh lý học, nhằm kiểm soát binh lính, cho thấy bản thân ĐCSTQ không tin tưởng các đảng viên và binh lính của mình, sợ rằng họ sẽ không trung thành với mình, và không dám thực hiện lời thề độc với đảng.

Kỳ thực đây là một hiện tượng rất bình thường. Xét cho cùng thì ĐCSTQ luôn dùng lời nói dối để lừa gạt người dân, vì vậy họ cũng sợ những người trong tổ chức của mình cũng sẽ dùng lời nói dối để đối phó với cấp trên.

Dù các đảng viên và binh lính ĐCSTQ có hô to khẩu hiệu chính trị của ĐCSTQ đến đâu, thì những người đứng đầu ĐCSTQ cũng không dám tin tưởng họ 100%, nên phải giám sát nghiêm ngặt mới có thể yên tâm.

Bình Minh (t/h)