Dân gian có câu “thế gian bao la, chuyện lạ nào cũng có thể xảy ra”, điều này đúng với Trung Quốc thời gian gần đây. Hiện tượng lạ mới đây ở vùng Bảo Định tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc thuộc dạng hiếm thấy: Sau trận lũ lụt nghiêm trọng và lũ rút ở một số khu vực, thì tại một số vùng nước trên mặt đất, nước bỗng sủi bọt điên cuồng, khiến người ta tự hỏi đâu là nguyên nhân?

Về vấn đề này, có tài khoản WeChat đã viết một bài phân tích chỉ ra, những trận mưa lớn gần đây ở miền bắc Trung Quốc đã gây ra tình trạng tích nước quy mô lớn ở Hà Bắc – nơi đã bị hạn hán trong nhiều năm. Với đất ở phía nam Trung Quốc thì vấn đề tích tụ một ít nước trên bề mặt là điều bình thường, nhưng với đất ở miền bắc Trung Quốc (đặc biệt là ở Hà Bắc) thì việc tích nước như vậy là điều rất bất thường, bởi vì trong nhiều chục năm qua không thấy đất ở những khu vực này bị tích nước. Do hạn hán kéo dài khiến khu vực phía bắc Trung Quốc buộc phải khoan lấy nước từ lòng đất, thời gian khai thác nước ngầm quá mức này đã hơn 40 năm, làm mực nước ngầm toàn vùng phía bắc Trung Quốc đã giảm xuống hàng chục mét.

Nói cách khác, mặt đất nhìn bình thường vốn đã vô cùng khô cằn, cho dù đào xuống 10 – 20 mét cũng khó có thể đào thấy nước, vẫn chỉ thấy dưới đáy toàn là đất khô. Ngay cả khi lượng mưa đủ để làm ẩm tất cả lớp đất bên dưới bề mặt thì vẫn có những lỗ hổng khổng lồ bên dưới lớp bề mặt khô cằn này – đó là những lỗ hổng gây ra do quá trình khai thác nước thời gian dài và lượng nước có được nhất thời không cách nào có thể lấp đầy.

Vậy làm sao lại xảy ra hiện tượng sủi bọt nước dữ dội trên bề mặt ở những khu vực đọng nước?

Tác giả ví dụ khi đặt một chai nước rỗng vào bồn nước, khi đó một lượng nước từ bồn sẽ chảy vào chai khiến miệng chai sẽ sủi bọt ùng ục. Đây chính là căn nguyên hiện tượng nước trên mặt đất ở Hà Bắc sủi bọt điên cuồng, vì khi một lượng lớn nước ngầm được bổ sung nhanh chóng, ở một số khu vực khe hở đất đi kèm lỗ hổng thông nối sẽ xảy ra hiện tượng lạ là nước trên mặt sủi bọt điên cuồng như vậy.

Rõ ràng ở phía bắc Trung Quốc, sau nhiều năm khai thác nước ngầm đã dẫn đến mực nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng và gây sụt lún đất, nhưng ít người tìm hiểu chi tiết sâu xa hơn.

Mạng tin tức tài chính nước Mỹ CNBC đưa tin, vào tháng 6 năm nay giám đốc điều hành Arunabha Ghosh của “Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước” (CEEW) – tổ chức cố vấn phi lợi nhuận Ấn Độ, đã chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất về khan hiếm nước: 80% – 90% không thích hợp để uống, một nửa số tầng ngậm nước quá ô nhiễm không thể dùng cho công nghiệp và tưới tiêu, và 50% nước sông không thích hợp để uống cũng như trồng trọt.

Ngoài ra, Trung Quốc Tân Văn xã (CNS) của nhà nước Trung Quốc cũng đề cập rằng “Trung Quốc là một quốc gia bị hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng”, tài nguyên nước bình quân đầu người chỉ là 2.300 mét khối, bằng 1/4 mức bình quân đầu người của thế giới và là một trong những quốc gia khan hiếm tài nguyên nước cao nhất trên thế giới (tính theo đầu người).

Trong khi tài nguyên nước bình quân đầu người của Trung Quốc thiếu nghiêm trọng, nước này vẫn có một lượng lớn tài nguyên nước phân bổ ở phía nam, tính theo vùng lãnh thổ thì tài nguyên nước ở phía bắc ít hơn nhiều so với ở phía nam.

Cục Tài nguyên nước tỉnh Hà Bắc đã chỉ ra rằng tài nguyên nước bình quân đầu người ở tỉnh Hà Bắc chưa đến 300 mét khối, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức trung bình toàn Trung Quốc (chưa bằng 1/7), mức đó thậm chí thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế “thiếu nước trầm trọng” là 500 mét khối trên đầu người.

Nhưng Hà Bắc cũng là một khu vực đồng bằng mà thời cổ Trung Quốc gọi là vùng Trung Nguyên – một trong những khu vực sản xuất ngũ cốc quan trọng của Trung Quốc. Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 1995 tỉnh Hà Bắc khai thác mới 1,5 tỷ mét khối nước ngầm, nhưng năm 2000 thì lượng nước ngầm đã được khai thác ở tỉnh này là 16,6 tỷ mét khối, trong lượng khai thác này thì 75% được sử dụng cho tưới tiêu nông nghiệp, phần còn lại được sử dụng cho sản xuất công nghiệp và nước sinh hoạt.

Nói một cách đơn giản, có một khoảng cách rất lớn giữa nhu cầu nước và lượng mưa thực tế ở tỉnh Hà Bắc, do đó không thể bù đắp lấp đầy nguồn nước ngầm đã khai thác mất.

Theo thống kê của Trung Quốc, trong hơn 40 năm khai thác tính đến cuối năm 2013 thì lượng nước ngầm tích lũy khai thác của tỉnh Hà Bắc lên đến 150 tỷ mét khối, tạo thành 7 khu vực phễu lớn có diện tích khoảng 70.000 km2. Đây cũng trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún mặt đất quy mô lớn ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

Theo số liệu vào tháng 4/2022 của Viện Địa chất Thủy văn và Địa chất Môi trường thuộc Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc, đồng bằng Hoa Bắc là khu vực bị sụt lún đất nghiêm trọng nhất Trung Quốc, tại đây năm 2018 [tổng diện tích] bị sụt lún đất nghiêm trọng là 5.800 km2, chiếm 99,8% diện tích sụt lún nghiêm trọng của cả nước Trung Quốc. Trong đó mức sụt lún đất tích lũy tối đa ở Bắc Kinh là khoảng 1,2 mét; ở Thiên Tân là 3,25 mét; ở thành phố Thương Châu tỉnh Hà Bắc là 2,50 mét; ở thành phố Đức Châu tỉnh Sơn Đông là 1,08 mét…

Đồng bằng Hoa Bắc là khu vực bị sụt lún đất nghiêm trọng nhất cả nước Trung Quốc (Viện Địa chất Thủy văn và Địa chất Môi trường – Viện Khoa học Địa chất Trung Quốc).

Vấn đề nghiêm trọng nữa là sụt lún nền mặt đất đã gây sụt lún đường sắt, các tòa nhà và đường ống ngầm, nguy cơ vỡ kè các dòng sông gây lũ lụt… Ước tính thiệt hại kinh tế do sụt lún đất ở toàn bộ đồng bằng Hoa Bắc lên tới hơn 330 tỷ nhân dân tệ.

Vậy thì chuyện mặt đất hạ hơn 1 mét hoặc thậm chí 3 mét có ý gì? Có thể hình dung như việc một chiếc ô tô rơi thẳng vào một cái hố lớn. Các nhà phân tích cho rằng hiện tượng này đã lan đến thủ đô Bắc Kinh và trong tương lai có thể đủ sức phá hủy toàn bộ thành phố.

Ngoài ra, mực nước ngầm sụt giảm hay nước biển xâm thực đã trở thành vấn đề Trung Quốc phải đối mặt. Ví dụ, do mực nước ngầm thấp hơn mực nước biển, khu vực xâm nhập nước biển ở thành phố Tần Hoàng Đảo đã lên tới 55 km2, trong đó nơi xa nhất bị nước biển xâm nhập có thể vào sâu tới 65 km2 trong đất liền, khiến nguồn nước tại rất nhiều giếng nước sâu không còn dùng được. Chưa kể trường hợp nghiêm trọng như thành phố sụp đổ hay toàn bộ đất đai đều bị nhiễm mặn, chỉ nhìn thực tế lượng nước ngầm nước ngọt dù sao cũng có hạn, nếu lấy tốc độ khai thác hiện tại hơn 10 tỷ mét khối mỗi năm thì có thể khai thác bao nhiêu năm?

Trước hàng loạt vấn đề trên, người ta không khỏi bắt đầu suy ngẫm có đáng tin vào quan điểm điều chuyển nước từ phía nam qua phía bắc Trung Quốc của nhà chức trách Trung Quốc? Vì sao ở bắc Trung Quốc thời xưa mùa màng bội thu mà hiện nay sông ngòi lại thiếu nước? Vấn nạn có liên quan đến chính sách phát triển của nhà cầm quyền khiến một lượng lớn nước ngầm bị khai thác kiệt quệ cộng thêm thất bại của các dự án thủy lợi?