“Chỉ cần bạn có tiền, họ có thể đáp ứng yêu cầu của bạn, dù đó là bài báo 10.000 chữ hay hơn 100.000 chữ!” Tôn Phú Quý (Sun Fugui), cựu sinh viên tốt nghiệp khoa lịch sử của Đại học Ludong ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, gần đây đã chỉ ra rằng trong giới học thuật ở Trung Quốc, chỉ cần có tiền, bạn có thể làm được mọi thứ. 

sinh vien trung quoc 1
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ngày 1/3, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, hành vi gian lận trong nghiên cứu học thuật của Trung Quốc không còn là bí mật nữa. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng ở Trung Quốc là bạn có thể dễ dàng tìm ra những trường hợp gian lận trong học thuật. Lý do chính dẫn đến gian lận nghiên cứu học thuật ở Trung Quốc là các trường đại học Trung Quốc thường lấy việc thăng chức và tăng nguồn tài nguyên nghiên cứu làm mồi nhử để khuyến khích giảng viên xuất bản nhiều bài báo hơn.

Tôn Phú Quý, người đã nghiên cứu lịch sử Trung Quốc nhiều năm nhưng đã bị đuổi khỏi trường vì phản đối các biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan của nhà trường, cũng cho biết dựa trên những gì ông đã thấy và nghe, gian lận học thuật tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc Đại Lục đã lan rộng khắp mọi nơi và thậm chí đã trở thành một dây chuyền công nghiệp.

“Nếu bạn không gặp vấn đề gì về tài chính, bạn có thể giao [đề tài] nghiên cứu của mình cho người khác làm cho bạn. Dù là xuất bản một bài báo (luận văn) hay tìm một tạp chí để đăng, thì đều có dịch vụ ‘một cửa’ như vậy. Và không chỉ sinh viên, ngay cả giáo viên cũng tìm người viết thay, điều này không có gì đáng ngạc nhiên.”

Ông nhấn mạnh rằng hệ thống gian lận học thuật hiện tại thậm chí có thể giúp bạn tìm các kênh để xuất bản bài báo, “Vì vậy, có một số tạp chí học thuật tương đối cấp thấp ở Trung Quốc Đại Lục vì cả sinh viên và giáo viên đều có yêu cầu xuất bản bài báo học thuật. Những tạp chí này không phải để đưa ra những nhận xét hay để mọi người thấy thành tích học tập của họ tuyệt vời như thế nào mà mục đích của chúng là đáp ứng nhu cầu xuất bản bài viết của sinh viên và giáo viên.”

Theo nghiên cứu của Nikkei Asia, Trung Quốc chiếm 24,6% tổng số bài báo được xuất bản trên thế giới năm ngoái, cao hơn Mỹ 8,5%. Trong số các nhà xuất bản và tạp chí xuất bản nhiều bài báo nhất, số lượng bài báo do Trung Quốc sản xuất chiếm tới 30% tổng số toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng đã tạo ra một xu hướng trong cộng đồng nghiên cứu học thuật Trung Quốc là họ không ngần ngại đưa ra những tuyên bố sai sự thật nhằm tăng số lượng.

Một báo cáo do tạp chí khoa học uy tín “Nature” công bố vào tháng 12 năm ngoái cho thấy, Trung Quốc đứng thứ tư thế giới về số lượng “bài báo bị rút lại” từ năm 2003 đến năm 2022 (chỉ tính những quốc gia công bố trên 100.000 bài báo hoặc báo cáo), chỉ đứng sau Ả Rập Saudi, Pakistan và Nga. Báo cáo cho thấy từ năm 2003 đến năm 2022, cứ 10.000 bài báo ở Trung Quốc thì có hơn 23 bài bị rút lại.

Chỉ riêng năm 2022, ít nhất 7 vụ bê bối gian lận nghiên cứu học thuật ở Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Tây An, Hạ Môn, Tô Châu và thậm chí cả Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vương Hiểu Vĩ (Wang Xiaowei), nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Đảng Trung ương, đã giả mạo danh tính và giả làm giáo sư nước ngoài tại Đại học Quốc gia Moscow và là nhà nghiên cứu tại Đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc, vụ việc này đã bị Đại học Quốc gia Moscow vạch trần.

Đại học Nông nghiệp Hoa Trung ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cũng báo cáo vào tháng 1 năm nay rằng 11 sinh viên đã cùng tố cáo giáo viên Hoàng Phi Nhược (Huang Feiruo) vì sao chép luận văn và giả mạo dữ liệu và hình ảnh thí nghiệm. Ông Hoàng Phi Nhược cuối cùng đã bị nhà trường đình chỉ mọi chức vụ.

Giáo sư Dương Ninh Viễn (Yang Ningyuan), người được mệnh danh là “Cha đẻ của cỗ máy trí nhớ” trong cộng đồng tâm lý học Trung Quốc và là cựu giám đốc viện nghiên cứu tại Đại học Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, thẳng thắn nói rằng ban đầu ông không tin rằng nghiên cứu học thuật của Trung Quốc là gian lận và thậm chí cứ tưởng đó là “chuyện viển vông”. Tuy nhiên, sau này ông thường nghe đồng nghiệp đề cập rằng nếu cần bài báo thì có thể trả tiền, người lạ liên tục gọi điện cho ông, nói chỉ cần ông trả tiền thì họ có thể đăng bài cho ông. Ông nói rằng ông đã nhận được ít nhất hơn 10 cuộc gọi mời như vậy, nhưng sau đó đều từ chối bất cứ khi nào nghe thấy việc này.

Yang Ningyuan cũng chia sẻ một điều nực cười: “Một người bạn nói với tôi rằng anh ấy đã giúp 8 người viết luận án tiến sĩ và tính phí 20.000 nhân dân tệ cho mỗi bài. Những tiến sĩ này cuối cùng đều vượt qua bài kiểm tra, nhưng bản thân bạn tôi không phải là tiến sĩ! Điều này cho thấy tiến sĩ Trung Quốc giả đến mức nào”.

Do gian lận học thuật tràn lan ở Trung Quốc nên tình trạng này cũng gây khó khăn lớn cho sinh viên đại học khi tiến hành nghiên cứu.

Trương Minh Tín (Zhang Mingxin), sinh viên năm thứ 4 tại một trường đại học ở Bắc Kinh, thẳng thắn nói rằng trong bầu không khí chính trị và xã hội Trung Quốc, việc tìm kiếm thông tin để nghiên cứu hoặc làm bài tập về nhà vốn đã khó, nhưng gian lận trong học thuật khiến anh càng khó tìm được thông tin chính xác, đáng tin cậy và có thể sử dụng được.

Anh nói: “Mọi người đều biết rằng nghiên cứu của Trung Quốc là đạo văn và việc làm giả nghiên cứu không có gì bí mật, nhưng làm như vậy sẽ khiến việc nghiên cứu trở nên rất khó khăn. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, có rất nhiều dữ liệu khó tìm kiếm, đặc biệt là một số chủ đề tương đối nhạy cảm, chẳng hạn như điều tra xã hội, chắc hẳn rất khó khăn, bởi vì khi người ta đưa ra những nhận xét có liên quan, chính phủ nhất định sẽ kiểm duyệt, nếu không cẩn thận, thậm chí có thể bị tống vào tù”.