Hồi đầu năm 2020, vào ngày dịch bệnh truyền nhiễm mới bùng phát tại Vũ Hán Trung Quốc và được đặt tên chính thức là COVID-19, một nhóm gồm các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đã công bố nghiên cứu quan trọng về đại dịch này, nhưng hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vào cuộc gỡ bỏ nghiên cứu.

shutterstock 1899795412
Thành phố Thượng Hải trong thời gian phong tỏa phòng chống dịch hồi năm 2021 (Ảnh: Robert Way / Shutterstock)

Kiểm soát nghiêm ngặt thông tin dịch bệnh COVID-19

Tờ New York Times đưa tin, vào ngày đầu năm 2020 khi dịch bệnh truyền nhiễm mới bùng phát ở Vũ Hán Trung Quốc được đặt tên chính thức là COVID-19, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ đã công bố nghiên cứu về mức độ lây nhiễm và số người tử vong. Nhưng bài báo đã được rút lại vài ngày sau đó và được thay thế bằng thông báo không dùng dữ liệu từ bài báo. Một số người đã chú ý đến hiện tượng kỳ lạ này, nhưng vấn đề nhanh chóng bị lắng xuống trước sự điên cuồng của đại dịch COVID-19.

Hiện nay vấn đề được làm rõ là bài báo bị rút lại không phải do nghiên cứu bị lỗi, mà thay vào đó đã bị gỡ theo lệnh giới chức y tế ĐCSTQ. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, một trong những tác giả của bài báo là học giả Ira Longini tại Đại học Florida (University of Florida) đã lần đầu tiên tiết lộ câu chuyện nội bộ về việc rút lại bài báo: “Vô cùng khó khăn để có được thông tin từ Trung Quốc, vì có quá nhiều thông tin bị che đậy”.

Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm bịt ​​miệng các nhà khoa học, cản trở các cuộc điều tra quốc tế và kiểm duyệt các cuộc thảo luận trực tuyến về bùng phát dịch bệnh COVID-19 đều có chứng cứ dấu vết, cho thấy cách hành xử kiểm soát chặt chẽ thông tin của chính quyền Bắc Kinh vượt xa sức tưởng tượng của nhiều nhà nghiên cứu dịch tễ học.

Một cuộc điều tra của New York Times phát hiện cơ chế kiểm duyệt của ĐCSTQ cũng nhắm vào các tạp chí quốc tế và cơ sở dữ liệu khoa học, gây ảnh hướng xấu đến nền tảng học thuật để chia sẻ tri ​​thức khoa học.

Dưới áp lực của ĐCSTQ, nhà khoa học phía Trung Quốc không chỉ rút thông tin về trình tự di truyền của virus khỏi cơ sở dữ liệu công cộng, họ còn thay đổi thông tin quan trọng trong bản thảo đăng trên tạp chí. Cũng không rõ lý do gì mà không ít biên tập viên của tạp chí khoa học phương Tây chấp nhận sửa đổi hoặc rút bài báo liên quan, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng lo ngại vì vấn đề dữ liệu nghiên cứu y tế hỗn loạn và thời gian biểu không chính xác từ Trung Quốc.

Gần đây, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện dữ liệu trình tự gen của virus do các nhà nghiên cứu y học Trung Quốc thu thập vào tháng 1/2020 từ chợ bán buôn hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, cho thấy trong suốt 3 năm Trung Quốc đã che giấu các chuyên gia nước ngoài dữ liệu này. Về vấn đề này, các chuyên gia của WHO cho biết đây là hành vi không thể tha thứ.

Đại sứ quán ĐCSTQ tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận. Tại một cuộc họp báo vào tháng 4, các nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã gọi những lời chỉ trích của WHO là “không thể khoan nhượng”.

Viết lại câu chuyện COVID-19 của Trung Quốc

Đối với chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, những hoạt động giám sát và tạo dựng thông tin liên quan đến dịch bệnh này là điều đương nhiên. Chính sự kiểm duyệt đó đã làm thay đổi mốc thời gian lây lan sớm của dịch bệnh COVID-19, đây là chủ đề nhạy cảm vì trong giai đoạn đầu của đại dịch ĐCSTQ phải đối mặt những lời chỉ trích về các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Cho dù là nhà khoa học tin COVID-19 lây lan tự nhiên từ động vật sang người hay những người tin virus có thể đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc, tất cả đều đồng ý việc kiểm duyệt dữ liệu nghiên cứu khoa học của chính quyền Bắc Kinh đã cản trở việc tìm kiếm nguồn gốc thật của COVID-19.

Về việc ĐCSTQ buộc gỡ bỏ thông tin trình tự gen của virus, nhà sinh vật học Edward Holmes của Đại học Sydney cho biết: “Tôi nghĩ rằng những cân nhắc nghiêm ngặt về tính đúng đắn chính trị đang ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu khoa học… Việc họ trao đổi và thảo luận riêng tư về dữ liệu virus để rồi buộc gỡ bỏ là vấn đề thật đáng buồn và nguy hại”.

Sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng tại Vũ Hán – người đã bị nhà chức trách Trung Quốc cảnh cáo vì thông báo công khai bùng phát COVID-19, xu thế tức giận đã bùng lên trong người dân Trung Quốc vì cảm thấy cơ quan chức năng cầm quyền đã che giấu sự thật về bùng phát đại dịch.

Tuy giới chức y tế xác nhận COVID-19 đã lây lan từ người sang người trong nhiều tuần, nhưng giới chức ĐCSTQ phủ nhận thực tế đó. Các biện pháp mà nhà chức trách Bắc Kinh đưa ra là tăng cường kiểm duyệt trực tuyến và kiểm soát việc xuất bản các tài liệu nghiên cứu y học, nhà cầm quyền ĐCSTQ hối thúc các nhà nghiên cứu y tế ưu tiên đối phó với bùng phát dịch bệnh hơn là xuất bản các bài báo.

Một chuyên gia y tế châu Âu kể lại rằng đối tác Trung Quốc của ông đã yêu cầu ông ký một thỏa thuận bảo mật, qua đó yêu cầu không chia sẻ dữ liệu y tế liên quan.

Thủ đoạn kiểm duyệt nghiêm ngặt đã giúp ĐCSTQ kể một câu chuyện dịch bệnh COVID-19 được biên soạn lại.

Chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Seton Hall Mỹ là Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong) nói rằng, từ rất sớm khi ĐCSTQ trải qua đại dịch với tư cách “chiến thắng”, sau đó họ bắt đầu kể câu chuyện mới về dịch bệnh, không chỉ liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc virus mà còn liên quan đến vai trò của chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch.

Cố vấn Lawrence Gostin của WHO là giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, cho biết: “Nếu dữ liệu (về bùng phát COVID-19) không chính xác sẽ khiến vấn đề luôn là bí ẩn lớn. Điều này cho thấy hoặc WHO không đủ kiên quyết trong các yêu cầu đối với Trung Quốc, hoặc Trung Quốc từ chối hợp tác”.

Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chẽ dữ liệu và thông tin nghiên cứu khoa học [về đại dịch này].