Gần đây, dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu trở lại, ngành bất động sản và tài chính vỡ nợ, liệu có phải đã đến lúc cơn bão khủng hoảng tài chính Lehman phiên bản Trung Quốc đã đến? Một chuyên gia tư vấn cho ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây đã đưa ra lời kêu gọi “khẩn cấp nhất” về “nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy tiêu dùng”. Nhưng các chuyên gia tin rằng ông Tập khó có thể xoay chuyển tình thế.

template 4
“Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc”, ngân hàng trung ương của nước này. (Nguồn: Testing/ Shutterstock)

Từ bất động sản đến tài chính, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc lần lượt vỡ nợ

Vài ngày trước, ‘gã khổng lồ’ bất động sản và ‘gã khổng lồ’ tài chính Trung Quốc vỡ nợ, gây chấn động thị trường.

Hôm thứ Hai (14/8), Country Garden, với tổng số nợ 1.400 tỷ nhân dân tệ, đã thông báo sẽ tạm dừng 11 giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong nước bắt đầu từ ngày 14. Cổ phiếu giảm mạnh 18% vào hôm đó. Xếp hạng tín nhiệm của Country Garden bị hạ bậc do tiền lãi của hai trái phiếu đô la Mỹ tổng cộng 22,5 triệu USD không được hoàn trả đúng hạn.

Đồng thời, tập đoàn quản lý tài sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc Zhongzhi Enterprise Group vỡ nợ. Công ty con Zhongrong International Trust của tập đoàn này đã xém nữa vỡ nợ ít nhất 2 lần. Zhongrong có 270 sản phẩm đáo hạn trong năm nay, tổng trị giá lên đến 39,5 tỷ nhân dân tệ.

Được biết, hiện tại các nhà đầu tư của Zhongrong International Trust đã liên tiếp nhận được thông báo ngừng thanh toán sản phẩm kể từ ngày 8/8, liên quan đến ít nhất 350 tỷ nhân dân tệ. Dự kiến ​​đây là vụ vỡ nợ lớn nhất sau sự cố của công ty Guangdong International Trust and Investment ở Quảng Đông năm 1999.

Không chỉ các công ty tư nhân vỡ nợ, hôm thứ Hai, Sino-Ocean Group, một công ty bất động sản Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông, đã thông báo rằng một trái phiếu được đảm bảo 6% đáo hạn vào năm tới đã không trả được lãi và ngừng giao dịch do vỡ nợ. Đây là nhà phát triển bất động sản thuộc sở hữu nhà nước đầu tiên bị đình chỉ giao dịch do vỡ nợ tiếp sau nhà phát triển bất động sản tư nhân Country Garden.

Chuyên gia tài chính Đài Loan Hoàng Thế Thông (Edward Huang) đã phân tích với Epoch Times hôm 15/8 rằng đây là kết quả của sự sụt giảm bất động sản. Trong vụ vỡ nợ của các công ty thuộc Zhongzhi Enterprise Group lần này, hầu hết vỡ nợ cũng đều là các các sản phẩm đầu tư liên quan đến  bất động sản.

“Trước đây, các ngân hàng đóng vai trò là nhà cung cấp vốn, đặc biệt là cho các nhà phát triển bất động sản. Nếu họ muốn tìm vốn cho đất đai hoặc tài trợ cho dự án xây dựng, họ có thể đầu tư thông qua ngân hàng vào ngành tài chính. Hiện giờ tình hình bất động sản không được tốt, thì có thể tạo ra rất nhiều khoản nợ xấu hoặc khoản vay không hiệu quả cho ngân hàng.”

Ông Hoàng Thế Thông nói rằng các ngân hàng là một hệ thống tương tự như lưu thông máu trong một quốc gia, phản ánh dòng chảy của các quỹ, chỉ cần tình hình bất động sản của quốc gia dao động thì sẽ liên quan đến hệ thống tài chính, thông thường thì kết thúc rất tồi tệ và khó giải quyết. Ở Trung Quốc hiện nay đã xuất hiện hiện tượng này. 

Cơn bão Lehman phiên bản Trung Quốc? Ông Biden gọi là “quả bom hẹn giờ”

Zhongzhi Enterprise Group không phải là công ty duy nhất trong ngành quản lý tài chính gặp khó khăn. Theo dữ liệu được Bloomberg trích dẫn, tính đến ngày 31/7 năm nay, tổng cộng 106 sản phẩm tín thác bị vỡ nợ, tổng giá trị khoảng 44 tỷ nhân dân tệ, trong đó tài sản liên quan đến đầu tư bất động sản chiếm 74%. Năm ngoái, hàng tỷ đô la trong các sản phẩm tài chính đã vỡ nợ.

Ông Hoàng Thế Thông cho biết: “Trước đây, sự bùng nổ bất động sản của Trung Quốc rất cao và giá trị thị trường rất cao thông qua các công ty xây dựng, ngành tài chính, các sản phẩm quản lý tài sản và đại chúng. Vấn đề là hiện tại không có người tiếp nối, và đã đến lúc đi xuống.”

Ông nói: “Bởi vì hầu như không có cách nào để mọi người hạ giá bán, tất cả họ đều đang chờ đợi một thời điểm sẽ có sự sụt giảm nhanh hơn. Điều này sẽ có tác động sâu rộng đến Trung Quốc, có nghĩa là phiên bản Trung Quốc của sự kiện Lehman sụp đổ sẽ đến, hoặc nói một cách lâu dài, 20 năm suy tàn của Trung Quốc cũng có thể sẽ đến.”

Trước đó hôm 10/8, Tổng thống Mỹ Biden đã nói về các vấn đề kinh tế và xã hội của Trung Quốc rằng nước này hiện giống như “quả bom hẹn giờ” (ticking time bomb), và bày tỏ lo ngại: “Điều đó không tốt lắm, vì kẻ xấu khi có vấn đề [gặp chuyện xấu], thì sẽ làm việc xấu.”

Khi ông Biden nhậm chức phó tổng thống vào tháng 1/2009, ông Hoàng Thế Thông nói “vào thời điểm đó, Mỹ đang phải vật lộn để đối phó với tình trạng khủng hoảng tài chính. Ông ấy đã tận mắt chứng kiến ​​tình trạng khủng hoảng tài chính. Tôi tin rằng ông ấy có lẽ có cảm giác mà mình đã trải qua trước đây.”

“Bây giờ Trung Quốc cũng đang trong thời điểm nước Mỹ đối mặt với giông bão tài chính trước đây, nên ông Biden mới nói những lời như vậy, nếu không thì hiếm khi một nguyên thủ quốc gia chỉ trích nền kinh tế của nước khác. Tôi nghĩ ông ấy cũng đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra,” ông Hoàng nói.

Các chỉ số kinh tế đều kém hơn dự kiến, cố vấn ngân hàng trung ương đưa ra “lời kêu gọi khẩn cấp nhất”

Hôm thứ Ba (ngày 15/8), Cục Thống kê của Trung Quốc đã công bố dữ liệu kinh tế cho thấy sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định đều chỉ tăng trưởng vừa phải trong tháng 7, tất cả đều kém hơn dự kiến; trong khi tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu giảm 8,3% so với cùng kỳ trong tháng 7. Điều này khiến cho “cỗ xe tam mã” tăng trưởng kinh tế (đầu tư, tiêu dùng xuất khẩu) Trung Quốc lại yếu đi.

Chính quyền ĐCSTQ còn thông báo rằng họ đang tạm dừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên. Động thái này bị ngoại giới chế giễu là “bịt tai trộm chuông” (dối mình nhưng không dối được người khác). Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tiếp tục lập kỷ lục mới trong nhiều tháng liên tiếp, cao tới 21,3. Có học giả tại Đại học Bắc Kinh từng ước tính rằng con số này lên tới 46%.

Hôm thứ Ba (15/8), tỷ giá đồng nhân dân tệ một lần nữa giảm xuống dưới nhiều ngưỡng, tỷ giá đồng nhân dân tệ trong nước Trung Quốc giảm xuống dưới 7,28 tệ/ 1 đô la Mỹ; đồng nhân dân tệ ngoài Trung Quốc giảm xuống dưới 7,32 tệ/ 1 đô la Mỹ, giảm 500 điểm trong một ngày và giảm tổng cộng hơn 5 % kể từ đầu năm đến nay.

Theo Bloomberg, tình hình kinh tế Trung Quốc có vẻ rất nghiêm trọng. Hoạt động cho vay của ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng 7, trong khi giảm phát đã bắt đầu và xuất khẩu đang thu hẹp lại, tất cả những điều này đều gây thêm áp lực lên nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Báo cáo cho biết, điều này sẽ đòi hỏi ông Tập phải làm nhiều hơn trên hai phương diện: hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang mắc nợ và mang lại cho người tiêu dùng nhiều tiền hơn để chi tiêu – điều mà một cố vấn ngân hàng trung ương cho là mục tiêu cấp bách “quan trọng nhất”.

“Mục tiêu cấp bách nhất hiện nay là kích thích tiêu dùng của người dân và đưa tiền vào túi của người dân thông qua tất cả các kênh kinh tế hợp lý, hợp pháp và tuân thủ quy định”, ông Thái Phưởng (Cai Fang), thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương, nói như vậy trong bài đăng trên tài khoản mạng xã hội của Diễn đàn Tài chính 40 (China Finance 40 Forum), một trong những viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, vào tối thứ Hai.

Ông Thái Phưởng, người từ lâu đã ủng hộ kích thích trực tiếp cho người tiêu dùng để tăng chi tiêu, cho biết vào đầu năm nay rằng gói kích thích trị giá 4000 tỷ nhân dân tệ trực tiếp cho các hộ gia đình Trung Quốc là một lựa chọn để thúc đẩy sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng. Nhưng ĐCSTQ cho đến nay vẫn không chọn cách làm này.

Chuyên gia: Tập Cận Bình hết cách

Trong nỗ lực kích thích nền kinh tế, hôm 15/8 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đột ngột cắt giảm lãi suất cho các khoản vay một năm, hoặc các khoản cho vay trung hạn, xuống 15 điểm cơ bản, còn 2,5%. Đây là mức giảm lớn nhất trong 3 năm. Vài giờ sau, các lãi suất khác cũng lại tiếp tục điều chỉnh giảm. 

Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Vương Hách cho rằng Bắc Kinh hiện có hai chính sách để giải quyết các vấn đề kinh tế, một là chính sách tài khóa, liên quan đến việc phát hành trái phiếu địa phương, nhưng khủng hoảng nợ hiện nay khiến cho nợ của địa phương rất lớn, và các khoản nợ đặc biệt thì lại không có lợi ích kinh tế, do đó chính sách tài chính đã không còn không gian để thực thi.

Thứ hai, dựa vào chính sách tiền tệ. Ông nói rằng sự đối đầu giữa các chính sách tiền tệ của Trung Quốc và Mỹ đã hạn chế hiệu quả của chính sách tiền tệ của ĐCSTQ. Hơn nữa, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với giảm phát, do đó nếu dựa vào việc phát hành thêm tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì sẽ ảnh hưởng ngày càng tồi tệ sau nhiều năm và không có tương lai.

Ông Vương Hách cho rằng, “ĐCSTQ đang cắt giảm lãi suất để thể hiện rằng họ muốn cứu nền kinh tế, hỗ trợ nền kinh tế, cố gắng thay đổi tâm lý kỳ vọng của mọi người. Nhưng thực tế việc này có rất ít ý nghĩa kinh tế thực tế. Mọi người không phải là kẻ ngốc, bởi toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc đang tồi tệ đến thế này.”

Thế giới bên ngoài cũng chú ý đến việc liệu ông Phan Công Thắng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương, người được cho là “nhận lệnh lúc lâm nguy”, có thể khởi tác dụng cứu nền kinh tế hay không.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã thay toàn bộ lãnh đạo cao nhất bằng người thuộc phe mình, và ông Phan Công Thắng được coi là không có màu sắc chính trị, không phải ủy viên cũng như ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc sau đó và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm. Ngày 25/6, ông Phan Công Thắng được bổ nhiệm làm Thống đốc thứ 13 của ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Ông Vương Hách phân tích: “Ông Tập Cận Bình có hai ý định, một là để ông Phan Công Thắng vực dậy nền kinh tế hiện tại; hai là cho các phe phái khác thấy rằng tôi chỉ dùng người tài, về chính trị thì hòa dịu một chút, cải thiện hình tượng của bản thân một chút.”

Theo người dẫn chương trình Cao Tân (Gao Xin) của chuyên mục “Đêm khuya nói chuyện Trung Nam Hải” của RFA, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Phan Công Thắng được tâng bốc là “nhận lệnh lúc lâm nguy”, quan mới nhậm chức còn chưa kịp làm một số việc có sức ảnh hưởng, thì toàn bộ chính quyền ĐCSTQ lần lượt phải đối mặt với những thất bại tài chính.

Một số người mỉa mai nói rằng thực ra ông Tập Cận Bình nhìn trúng trình độ học vấn cơ bản “cao đẳng kế toán” của ông Phan Công Thắng, bởi vì chức thống đốc ngân hàng trung ương chỉ là tổng thủ quỹ của chính quyền Tập.

Ông Cao Tân nói, “Có lý do chính đáng để tin rằng sau ông Tần Cương, Bộ trưởng Ngoại giao có thời gian tại chức ngắn nhất ở Trung Quốc Đại Lục, ‘người đoản mệnh nhất’ tiếp theo có thể sẽ là thống đốc ngân hàng trung ương mới nhậm chức.” Ông Tần Cương sau khi nhậm chức được 7 tháng thì vướng vào nhiều bê bối, sau hơn một tháng không xuất hiện công khai kể từ tháng 6, ông đã bị miễn nhiệm chức bộ trưởng Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.

Về việc làm thế nào để thay đổi tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc, ông Lý Hằng Thanh, một nhà kinh tế hiện sống ở Mỹ, đã phân tích với Epoch Times rằng tất cả đều do ông Tập phải tự mình quyết định. “Tuy nhiên, trong 11 năm qua, hầu hết mọi quyết định cuối cùng chỉ cần đưa ra lựa chọn, thì cái mà ông Tập chọn đều là sai, và là lựa chọn tồi tệ nhất. Vậy làm thế nào để cứu nền kinh tế Trung Quốc?”

Ông Vương Hách cho rằng: “Hiện tại, tòa nhà kinh tế của Trung Quốc sắp sụp đổ, và toàn bộ tình hình trong nước Trung Quốc và quốc tế đang đảo ngược và xấu đi. ĐCSTQ không có cơ hội thoát khỏi thảm họa này. Cho nên vào lúc này, ai cầm quyền, dù có bản sự lớn đến đâu thì cũng không thể xoay chuyển tình thế này được.  Ngay cả những điều lớn lao cũng không thể đảo ngược. Nhiều nhất cũng chỉ thay đổi một chút tốc độ suy tàn của ĐCSTQ, nhưng điểm này khó có thể xảy ra”.