Cả tháng qua Ngoại trưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tần Cương không xuất hiện trước công chúng, làm dấy lên nhiều đồn đoán. Hôm 25/7 ĐCSTQ chính thức tuyên bố ông Tần Cương đã bị cách chức – tuyên bố không nêu lý do. Một diễn biến khác, cựu Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương Vương Thiếu Quân vốn đã “chết vì bệnh” vào tháng 4, gần đây mới có tuyên bố chính thức qua đời.

GettyImages 1252034722
Ông Tần Cương. (Nguồn: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Chuyên gia: Sự kiện Tần Cương liên quan đến xung đột nội bộ đằng sau bế tắc ngoại giao của ĐCSTQ

Theo Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin hôm 25/7, ông Tập Cận Bình đã ban hành Sắc lệnh số 8, công bố quyết định ngày 25/7 của Ban Thường vụ Nhân đại, trong đó có việc bãi nhiệm chức Ngoại trưởng của ông Tần Cương và bổ nhiệm ông Vương Nghị thay thế.

Ông Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6 khi liên tiếp gặp gỡ các ngoại trưởng Việt Nam, Sri Lanka và Nga. Trước những thắc mắc của truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ từng tuyên bố ông Tần Cương vắng mặt vì “lý do sức khỏe”, nhưng sau đó lảng tránh trả lời.

Nói với Epoch Times vào ngày 25/7, luật sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing, người Hoa tại Úc) quen thuộc với tình hình chính trị của ĐCSTQ cho hay, chính ông Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Vương Nghị muốn loại bỏ ông Tần Cương. Bởi vì sau khi ông Tần Cương nhậm chức đã thay đổi nhân sự trên diện rộng, những người như Triệu Lập Kiên mà ông Vương Nghị coi trọng cũng bị thay thế, trong khi đó Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) về phe Vương Nghị, đây là cuộc đấu quyền lực nội bộ.

Ông Viên Hồng Băng nói rằng ông Tần Cương có nhiều vấn đề, quan trọng nhất là liên hệ với các ban ngành khác mà đặc biệt là quan hệ mật thiết với phe quân đội, ông ta có thể sử dụng mối quan hệ cá nhân này để nâng cao vị thế nhưng đã vi phạm điều cấm kỵ lớn của ĐCSTQ. Tội chính của ông ta là bành trướng phạm vi hoạt động qua các tổ chức khác của ĐCSTQ.

Ông lưu ý: “Sự việc Tần Cương cho thấy Tập Cận Bình hoàn toàn không thể bao quát kiểm soát hết được nội bộ. Mặc dù ông Tập đã loại bỏ được đối thủ trong cuộc tranh giành quyền lực, nhưng tranh giành quyền lực giữa các phe phái và nhóm lợi ích khác nhau trong ĐCSTQ đã đến mức cực kỳ nghiêm trọng. Nhiều tin từ nội bộ ĐCSTQ đã cho hay rằng toàn bộ máy đang ở trong tình trạng chia năm xẻ bảy”.

Ông Viên Hồng Băng cũng cho rằng trong sự việc này, bản thân ông Tần Cương không quan trọng, chưa nói việc bãi bỏ ông ta sẽ ảnh hưởng như thế nào, nhưng qua sự việc này cho thấy dưới sự dẫn dắt của tư tưởng ngoại giao được gọi là “chiến lang” của ông Tập Cận Bình, hệ thống ngoại giao của ĐCSTQ đang thực sự rơi vào tình thế khó khăn và tuyệt vọng.

Cái chết đột ngột của tướng Vương Thiếu Quân bị che giấu 3 tháng qua

Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin vào ngày 24/7 rằng Trung tướng Vương Thiếu Quân – cựu Phó Chánh Văn phòng Trung ương kiêm Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương, “do bệnh tật không điều trị được” đã qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 26/4 ở tuổi 67.

Tin về cái chết của ông Vương Thiếu Quân đã bị nhà chức trách che giấu trong gần 3 tháng. Ngay từ ngày 27/4 trang WeChat “Trung Cảnh Trung Thành” đã loan tin về cáo phó của ông Vương Thiếu Quân và lễ tiễn biệt hài cốt được tổ chức tại Phòng vĩnh biệt của Bệnh viện Đa khoa PLA vào sáng ngày 30/4. Nhưng phóng viên của Epoch Times sau đó đã phát hiện ra rằng liên kết đến trang WeChat “Trung Cảnh Trung Thành” và các tin tức liên quan từ Đại Lục đều bị chặn.

Chia sẻ vấn đề này với Epoch Times vào ngày 25/7, cựu Trung tá Diêu Thành của ĐCSTQ cho hay rằng không thể loại trừ khả năng nào trong cái chết của ông Vương Thiếu Quân. Vấn đề là bầu không khí hiện tại trong ĐCSTQ là chém giết lẫn nhau nên các hoạt động che giấu của chính quyền dễ bị nghi ngờ hơn.

Nói với Epoch Times vào cùng ngày (25/7), cựu giảng viên Triệu Viễn Minh (Zhao Yuanming) Khoa Luật của Đại học Công an Trung Quốc, cho rằng nội tình về cái chết của ông Vương Thiếu Quân chưa được tiết lộ vì vị trí mà ông ta nắm giữ quá nhạy cảm và liên quan trực tiếp đến an toàn cá nhân của ông Tập Cận Bình, cũng liên quan tình hình an ninh cấp cao nên phải chọn thời điểm đặc biệt khi công bố thông tin về cái chết của quan chức này.

Còn Lưu Cường (Liu Qing) – cựu Chủ tịch Tổ chức Nhân quyền Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng, “Nếu cựu Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương thực sự qua đời vì bệnh tật thì việc công bố về chuyện này không thành vấn đề, do có lý do khác thường nên mới bị trì hoãn, ví dụ có thể để điều tra xem có mưu phản hay thông đồng giữa cấp trên và cấp dưới hay không…”.

Nhà bình luận chính trị người Hoa tại Mỹ là Lam Thuật (Lan Shu) nói với Epoch Times rằng việc công bố về cái chết của Vương Thiếu Quân bị ĐCSTQ trì hoãn trong 3 tháng, có thể liên quan đến những tin đồn tiêu cực gần đây về một nhóm quan chức quân sự cấp cao. Gần đây có nhiều tin đồn về vấn đề ‘ngã ngựa’ của một số tướng lĩnh quân đội ĐCSTQ, vì hai vụ việc xảy ra cùng thời điểm nên có nghi ngờ liệu vấn đề của những tướng lĩnh cấp cao đó có liên quan gì đến cái chết của cựu Cục trưởng Cục Cảnh vệ Trung ương Vương Thiếu Quân hay không, có lẽ sau khi điều tra, đã làm rõ rằng cá nhân ông Vương Thiếu Quân có thể không sao, vì vậy ĐCSTQ mới cho công bố tin ông qua đời.

Tuy nhiên, luật sư Viên Hồng Băng tại Úc cho rằng việc không công bố ngay cái chết của ông Vương Thiếu Quân là điều bình thường, bởi vì theo quy định nội bộ của ĐCSTQ thì những người có chức vụ đặc biệt đó không được công bố ngay sau khi chết. Còn việc hiện nay ông Tập Cận Bình đang ở trong tình trạng bị người nội bộ xa lánh thù oán là thực tế.

Theo Hải Trung, Nghiệp Á, Epoch Times

  • Mời xem video: Tập Cận Bình 10 lần cảnh báo về nguy cơ con tàu chế độ sẽ bị lật