Trong hoàn cảnh tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng dân số âm và tình trạng thiếu lao động, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình khi tham dự Đại hội Phụ nữ Trung Quốc lần thứ 13 đã nhấn mạnh củng cố quan điểm của giới trẻ về hôn nhân, sinh con và gia đình.

shutterstock 1184492341
Chủ tịch Trung Quốc  Tập Cận Bình (Ảnh minh họa: Alexander Khitrov/ Shutterstock)

Thúc đẩy phụ nữ Trung Quốc lấy chồng, sinh con

Đại hội Phụ nữ Trung Quốc lần thứ 13 đã kết thúc vào tháng 10 vừa qua, đây là  đại hội chính trị cấp cao nhất của ĐCSTQ dành cho phụ nữ được tổ chức 5 năm một lần. Bi hài là tại cuộc họp về vấn đề phụ nữ này của Trung Quốc, nhưng hầu hết các bài phát biểu đều do nam giới thực hiện. Tại lễ bế mạc, ông Tập Cận Bình tuyên bố “chúng ta phải tích cực bồi dưỡng văn hóa mới về hôn nhân và sinh con; các ban ngành có nghĩa vụ củng cố quan điểm của giới trẻ về hôn nhân, tình yêu, sinh con và gia đình…”

Thông tin chỉ ra Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tăng trưởng dân số âm, cũng như vấn đề thách thức kinh tế lớn nhất trong 40 năm qua. Dù Trung Quốc đã đề xuất các kế hoạch khuyến khích sinh con và cung cấp tiền thưởng, hoặc ưu đãi về thuế; nhưng trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái liên tục cùng các vấn đề như giá cả cao và lương thấp, nhiều thanh niên không có ý định kết hôn sớm và sinh con. Vì vậy, mặc dù ông Tập đã nhiều lần kêu gọi phụ nữ Trung Quốc cần xem vấn đề có con cái là trách nhiệm, nhưng vẫn không thể tăng tỷ lệ sinh và đảo ngược xu hướng dân số Trung Quốc tiếp tục giảm.

Giờ đây, trước việc nhà cầm quyền ĐCSTQ một lần nữa kêu gọi phụ nữ Trung Quốc lựa chọn trở về nhà để “nuôi con và chăm sóc người già”, giáo sư Su Fubing về khoa học chính trị tại Đại học Vassar (Mỹ) cho biết, trong nỗ lực làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số, thời gian ĐCSTQ thực hiện chính sách “một con” nhiều thập niên đã bùng phát kéo dài nạn cưỡng bức phá thai và triệt sản, đến năm 2015 xu thế này mới chấm dứt. Vì vậy, mặc dù khả năng này khó xảy ra nhưng không phải hoàn toàn không thể: “Nếu vì chính sách một con từng khiến ĐCSTQ áp đặt lên thân thể và quyền sinh sản của phụ nữ, thì ĐCSTQ có thể một lần nữa áp đặt ý chí đó lên phụ nữ Trung Quốc”.

Theo Báo cáo Chênh lệch giới tính toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, trong số 146 nước được đưa vào chỉ số thì Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 107 (từ vị trí thứ 102 vào năm ngoái), trong khi năm 2012 lúc ông Tập Cận Bình nhậm chức lãnh đạo ĐCSTQ thì Trung Quốc còn đứng thứ 69. Ngoài ra báo cáo năm nay nhấn mạnh thúc đẩy bình đẳng giới thông qua tăng cường sự tham gia kinh tế của phụ nữ và nắm chức vụ cao trong chính trị và kinh doanh, đây là những động lực chính giúp thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều phương diện về gia đình, kinh tế và xã hội.

Khó cải thiện số ca sinh của Trung Quốc

Vào giữa tháng 10 năm nay, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố Báo cáo Thống kê Phát triển Chăm sóc Sức khỏe Trung Quốc năm 2022, nội dung cho thấy năm 2022 Trung Quốc có 9,56 triệu ca sinh (trong đó tỷ lệ 1 con chiếm dưới 50%); tính đến cuối năm 2022 dân số cả nước Trung Quốc là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với cuối năm 2021.

Về vấn đề này, vào tháng 8 năm nay, chuyên gia Qiao Jie của Đại học Bắc Kinh đã đề cập tại một diễn đàn rằng số trẻ sơ sinh ở Trung Quốc trong 5 năm qua đã giảm khoảng 40%, dự kiến số ca sinh vào năm 2023 ​​sẽ vào khoảng 7 triệu đến hơn 8 triệu.

Reuters đưa tin, với tiền đề là tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang giảm và người dân nói chung lo lắng về những khó khăn khi sinh con, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ thường ví vấn đề phát triển dân số với sức mạnh quốc gia và “phục hưng đất nước”, chỉ ra rằng chính lợi thế dân số đã có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nhưng thực tế [ngày nay] không phải vậy, đặc biệt là chi phí nuôi con cao ở một số thành phố lớn và vừa, cộng thêm việc phụ nữ mang thai phải gián đoạn sự nghiệp khiến nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh con không muốn sinh thêm con, hoặc thậm chí không còn muốn có con cái.

Theo “Báo cáo Dự báo Dân số Trung Quốc năm 2023” do một tổ chức tư vấn Trung Quốc công bố, nhiều biện pháp khác nhau nhằm kích thích sinh sản sẽ không giúp ích nhiều cho Trung Quốc với tỷ lệ sinh chậm. Theo dự báo cho thấy tỷ lệ sinh giảm dần qua từng giai đoạn: số ca sinh ở Trung Quốc năm 2030 là 6,07 triệu, năm 2050 là 4,93 triệu, năm 2070 là 2,34 triệu, năm 2100 sẽ chỉ là 950.000. Đến năm 2056 Mỹ sẽ vượt Trung Quốc về số ca sinh.

Tờ Yicai Trung Quốc cũng đưa tin vào tháng 10 vừa qua rằng nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu Trung Quốc thẳng thắn chỉ rõ những áp lực lớn đối với kinh tế Trung Quốc trong những thập niên tới: Tình trạng già hóa dân số, giảm nguồn cung lao động, nhu cầu trong nước hạn chế do già hóa dân số…

Bỏ chính sách kiểm soát dân số cũng vô nghĩa

Như đã biết, Trung Quốc ngày càng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ lệ giới tính giữa nam và nữ kể từ khi chính quyền ĐCSTQ bắt đầu thực hiện chính sách “một con” vào cuối những năm 1970.

Theo số liệu điều tra dân số năm 2010, số người còn sống tại Trung Quốc của các thế hệ sinh sau 1980, 1990 và 2000 lần lượt là 219 triệu, 188 triệu và 147 triệu; số liệu này cho thấy giảm đáng kể so với số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc về dân số sinh trong các năm đó  là 223 triệu, 210 triệu, 163 triệu.

Đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về già hóa và tỷ lệ sinh thấp, ĐCSTQ đã thực hiện ít nhất 4 điều chỉnh. Lần điều chỉnh thứ 4 diễn ra vào ngày 31/5/2021 với việc cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh 3 con. Nhưng theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố cho thấy, mức tăng ròng dân số vào năm 2021 chỉ là 480.000 người, so với mức tăng ròng thường vào 8 triệu người của trước đó 10 năm thì giảm quá sức tưởng tượng.