Báo cáo tại kỳ họp Nhân đại (Quốc hội) thường niên chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây cho thấy, trong năm nay nhà chức trách Trung Quốc có thể phải duy trì thái độ thân thiện với Mỹ để đối phó với nền kinh tế Trung Quốc đang khốn khó. Bloomberg đã công bố bài viết vào ngày 5/3 phân tích các phương diện tác động đến quan hệ Trung-Mỹ từ chính sách của ĐCSTQ được ông Thủ tướng Lý Cường công bố.

p3164551a92711303
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phong tại Singapore (Ảnh: Tài khoản X của Bộ Quốc phòng Mỹ).

Công nghệ và Thương mại

Báo cáo Công tác Chính phủ của ĐCSTQ nêu rõ vấn đề  tập trung nguồn lực để thúc đẩy các đột phá khoa học và công nghệ. Lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình từ lâu đã chủ trương thúc đẩy khả năng tự chủ về công nghệ, mục tiêu này ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Trung Quốc khi Mỹ và các đồng minh tiếp tục kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn, xe điện và trí tuệ nhân tạo (AI).

Gần đây công ty bán dẫn AMD của Mỹ đã bị cấm bán chip AI được thiết kế riêng cho Trung Quốc, vì Washington cho rằng sản phẩm này vẫn còn quá mạnh.

Ngoài ra, để bù đắp những tổn thất lớn do ngành bất động sản gây ra, chính quyền Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới và đầu tư mạnh vào sản xuất như xe điện, pin, năng lượng tái tạo. Nhưng xu hướng này đồng thời cũng lại lao vào vòng luẩn quẩn căng thẳng thương mại toàn cầu giữa Trung Quốc và các nước phát triển.

Tiếp cận đầu tư nước ngoài

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Nhân đại ngày 5/3 (thứ Ba) rằng, “những vấn đề nổi cộm cản trở các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc hoặc hạn chế đầu tư ra nước ngoài phải được giải quyết một cách có mục tiêu”. Ông liệt kê một số biện pháp cho phép doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và trong nước được tham gia bình đẳng trong mua sắm và đấu thầu của chính phủ – vấn đề không bình đẳng này cũng đã nhiều lần được các quan chức Mỹ và châu Âu nêu ra.

Những năm gần đây trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và căng thẳng địa chính trị quốc tế gia tăng, các công ty Mỹ và nước ngoài khác ngày càng trở nên bi quan về Trung Quốc. Năm 2023, đầu tư trực tiếp của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm và lợi nhuận từ sản xuất nước ngoài tại Trung Quốc giảm 6,7% so với năm 2022.

Cùng ngày 5/3, Chủ tịch Sean Stein của Phòng Thương mại Trung Quốc – Mỹ cho biết: “Những lời hứa miệng không thể thúc đẩy thị trường, cũng như không thể thúc đẩy đầu tư. Như trước đây, mấu chốt nằm ở việc thực hiện toàn diện và kịp thời”.

Eo biển Đài Loan và chi tiêu quân sự

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề “Đài Loan theo chế độ dân chủ” tiếp tục nóng lên. Tại cuộc họp, ông Lý Cường đặc biệt nhắc lại quan điểm nhất quán của ĐCSTQ là phản đối độc lập của Đài Loan, nói rằng “để thúc đẩy sự phát triển hòa bình trong quan hệ hai bờ eo biển và kiên quyết thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại thống nhất đất nước”.

Những năm gần đây ĐCSTQ không ngừng răn đe Đài Loan trong cả hoạt động quân sự quân sự và tuyên truyền, vấn đề này đặc biệt nổi bật sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cho biết vào cuối năm ngoái rằng, ĐCSTQ không ngừng nỗ lực cho mục tiêu thống nhất Đài Loan, họ có thể thử các biện pháp quân sự nếu không thể thống nhất trong hòa bình.

Tuần trước, cơ quan ngôn luận Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của ĐCSTQ có nhận định rằng, ngân sách quốc phòng cần tăng lên một cách thích hợp trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan gia tăng.

Ông Lý Cường đã đề cập trong báo cáo hôm thứ Ba rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng 7,2% vào năm 2024, đạt 1,67 nghìn tỷ nhân dân tệ (232 tỷ USD), mức tăng lớn nhất trong 5 năm qua.

Cựu quan chức quốc phòng và thành viên cấp cao tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew của Singapore, ông Drew Thompson cho biết, kinh phí cho quân đội của ĐCSTQ vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, điều đó thể hiện “lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về nước ngoài”. Ông tin rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có thể “có nhiều nguồn lực hơn để sử dụng biện pháp cưỡng chế quân sự chống lại các nước láng giềng”.

Nhà nghiên cứu Oriana Skylar Mastro tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spoli – Đại học Stanford, chỉ ra rằng ngay cả khi số tiền này được Trung Quốc sử dụng cho con người chứ không phải cho vũ khí hay thiết bị, thì điều đó cũng khiến Mỹ cảnh giác hơn. Vì nhân lực là “hạn chế số một” của quân đội, cho nên Bắc Kinh nên thận trọng trong việc sử dụng vũ lực.

Năm ngoái Tổng thống Biden đã ký một dự luật quốc phòng trị giá 886 tỷ USD, bao gồm tài trợ cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Khó khăn kinh tế

Báo cáo của ông Thủ tướng Lý Cường tiết lộ rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% vào năm 2024 là “không dễ dàng”“cần có sự hỗ trợ chính sách và nỗ lực chung từ tất cả các bên”.

Tình hình kinh tế của Trung Quốc năm nay vẫn còn nhiều bất ổn. Chính quyền Bắc Kinh đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt, nhưng vẫn duy trì mức thâm hụt tài chính chung ở mức mục tiêu năm ngoái là 3%.

Nhà phân tích kinh tế tại Trivium China, ông Joseph Peissel cho biết: “Nếu bạn là một người Mỹ đang cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, câu hỏi quan trọng là: Liệu hoạt động chi tiêu [ở Trung Quốc] có phục hồi không? Điều đó thực sự không rõ ràng”.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu James Char tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore cho rằng, trước những thách thức kinh tế mà ĐCSTQ phải đối mặt, “có thể thấy trước mắt rằng trong thời điểm hiện tại Bắc Kinh sẽ duy trì mối quan hệ không thù địch với Washington… Chỉ bằng cách đó thì họ mới có cơ hội lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và qua đó hy vọng đảo ngược xu hướng giới đầu tư nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc”.