Gần đây, tờ Tạp chí Cầu Thị (Qstheory) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng một bài viết của ông Tập Cận Bình, chỉ ra rằng cái gọi là “nan đề quản trị của một Đảng bao trùm” không có nghĩa là “kiểm soát biến tất cả thành vũng nước tù đọng”. Có phân tích cho rằng tuyên bố này cho thấy ông Tập gặp khó khăn trước thực tế xu thế chung các quan chức “nằm ườn”, làm việc chiếu lệ hoặc bỏ bê công việc.

Tap Can Binh
Ông Tập Cận Bình. (Nguồn ảnh: PEDRO PARDO/AFP qua Getty Images)

Số mới nhất của Tạp chí Cầu Thị (Qstheory) xuất bản ngày 16/3 đã đăng bài viết của Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, trong đó đề cập đến sự cần thiết phải giải quyết cái gọi là “vấn đề đặc thù trong quản lý của Đảng”, bao gồm 6 “làm thế nào” – đều là vấn đề suông đã được nhắc đến nhiều lần, tiêu biểu như “làm thế nào để luôn duy trì một hệ sinh thái chính trị trong sạch và ngay thẳng”… Bài viết nhận định, việc giải quyết 6 vấn đề “làm thế nào” là “nan đề hóc búa phải suy nghĩ kỹ để thích nghi với hoàn cảnh mới”.

Ở cuối bài viết, ông Tập cho biết cái gọi là “quản lý chặt chẽ của Đảng” không phải để “quản chết tất cả gây do dự và sợ hãi, biến Đảng thành vũng nước tù đọng, không còn chảy được”, mà là nhằm “nhấn mạnh phương hướng và quy tắc [trong hoạt động]”…

Về vấn đề này, nhà bình luận chính trị Vương Hách (Wang He) tại Mỹ nói với Epoch Times rằng cái gọi là “nan đề quản trị của một Đảng bao trùm” về bản chất là vấn đề về tính hợp pháp cầm quyền của ĐCSTQ, hiện biến thành tính chính danh trong việc ông Tập Cận Bình độc quyền quyền lực – vấn đề khiến quan chức bất mãn chống đối bằng cách “nằm ườn” không muốn làm việc và hiện tượng đã là nguy cơ đối với ĐCSTQ.

Ông Vương Hách nói: “ĐCSTQ có hơn 90 triệu đảng viên, bộ máy khổng lồ này thực sự đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có mà cốt lõi là ĐCSTQ chưa giải quyết được cuộc khủng hoảng tính hợp pháp quyền lực. Không có tính hợp pháp [dựa vào nguyên tắc luật pháp] thì cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng cũng là thông qua đấu đá để tranh giành. Dù ông Tập Cận Bình dựa vào ‘chống tham nhũng’ để tấn công các đối thủ chính trị và hoàn thành việc tập trung hóa quyền lực cá nhân cho mình, nhưng trong quá trình đó ông ta gần như đã gây thù oán với toàn bộ tầng lớp lợi ích của ĐCSTQ từ trên xuống dưới. Hiện nay tất cả họ đều thể hiện thái độ bỏ bê công việc. Có thể nói ông Tập đã trở thành một kẻ cô độc”.

Ông Vương Hách cho rằng các quan chức hiện ai nấy đều lo lắng việc “phạm lỗi” với chính quyền trung ương sẽ bị bắt với danh nghĩa “chống tham nhũng”, chính điều này đã khiến các quan chức luôn bất an và chọn cách làm việc chiếu lệ. Đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ mà ông Tập hiện đang phải đối mặt, và cũng là một cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với ĐCSTQ.

Một cảnh tượng bất thường đã xảy ra vào ngày 9/3 dịp “Lưỡng hội” (Nhân đại và Chính hiệp) của ĐCSTQ. Khi đó, ông Chánh án Trương Quân (Zhang Jun) của Tòa án Tối cao, và Viện trưởng Ứng Dũng (Ying Yong) của Viện kiểm sát Tối cao đang thực hiện báo cáo thì dường như ông Thủ tướng Lý Cường đã phát hiện ra điều gì đó không ổn và quay lại nói chuyện với ông Tập Cận Bình, sau đó các ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm ông Vương Hỗ Ninh và ông Triệu Lạc Tế đã “thảo luận” trong khoảng 3 phút. Trong khoảng thời gian này, ông Tập Cận Bình cầm lấy bản báo cáo chìa về phía ông Triệu Lạc Tế tỏ vẻ căng thẳng nói gì đó, ông Triệu Lạc Tế cứ nghiêng tai nghe và thỉnh thoảng dùng bút ghi chép.

Có tin cho rằng vụ việc là do báo cáo của Viện kiểm sát Tối cao, trong đó nêu rằng vào năm 2023 có hơn 2,4 triệu người đã bị bắt hoặc bị truy tố vì lý do an ninh quốc gia Trung Quốc. Vốn dĩ Chánh án Trương Quân nêu số liệu nhằm mục đích “báo tin vui” cho ông Tập Cận Bình, nhưng không ngờ lại khiến ông Tập tức giận. Vốn dĩ toàn Trung Quốc trong 10 năm Cách mạng Văn hóa cũng chỉ có 2,3 triệu người bị bắt, vậy mà số người bị bắt vào năm 2023 đã vượt quá tổng số người bị bắt trong 10 năm Cách mạng Văn hóa.

Không khó để suy ra rằng trong số 2,4 triệu người này có cả những người dân, những người bất đồng chính kiến ​​dám phản kháng, cũng như có những quan chức đã bị sa thải vì tham nhũng.

Nhà bình luận chính trị Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) tại Mỹ cho biết trên kênh Youtube của mình rằng nhiều chỉ đạo mâu thuẫn lẫn nhau của ông Tập đã khiến các quan chức lựa chọn cách làm việc chiếu lệ hoặc bỏ bê, việc ông Tập thao túng mọi quyền lực cũng làm xu thế đó thêm trầm trọng.

“Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã tập trung vào một mục tiêu duy nhất: Độc tài quyền lực. Ông Tập Cận Bình thành lập nhiều nhóm khác nhau để nắm quyền ra quyết định cao nhất. Điều này khiến các quan chức lo lắng sẽ làm sai nếu không có sự chỉ đạo của ông, hệ quả tạo xu thế chung làm việc chiếu lệ hoặc bỏ bê, đồng thời bản thân ông Tập khi ôm đồm hết mọi việc sẽ làm không xuể, hệ quả gây ra nhiều vấn đề và hỗn loạn trong giới quan chức”, ông nói.

Ông Chương Thiên Lượng cũng cho rằng quá trình ông Tập Cận Bình dùng nhiều thủ đoạn để tập trung quyền lực diễn ra đầy cam go, ông Tập không thể giao quyền cho các quan chức theo ý của họ để làm, vì điều này trái với chủ ý tập trung quyền lực của ông.

Tại “Lưỡng hội” của ĐCSTQ còn xảy ra 2 sự kiện đáng chú ý khác: Một là việc thông qua sửa đổi “Luật Tổ chức Chính phủ” để làm rõ rằng Chính phủ phải “nằm trong chỉ đạo của ĐCSTQ”; hai là việc hủy họp báo thường kỳ của Thủ tướng sau “Lưỡng hội”. Hai điểm này nhằm làm giảm địa vị của Chính phủ và mở rộng hơn nữa quyền lực cá nhân của lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình.