Trong số các trường hợp quan chức Trung Quốc thiệt mạng đã không ít vụ việc do tự sát – nguyên nhân vì họ quá lo sợ chịu tội do tham nhũng, hay vì họ bị bệnh tâm thần?

Mao Trach Dong
Người trong bệnh viện tâm thần tại Trung Quốc hướng về ảnh của Mao Trạch Đông. (Nguồn: MXH)

Ngày 13/3, ông Lưu Hãn Đông (Liu Handong) – nguyên Bí thư Ban Chính pháp thành phố Nam Kinh và là Phó Chủ tịch Ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô – bị bắt vì nghi ngờ nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Tin tức khiến người ta liên tưởng đến án mạng của ông La Chí Quân (Luo Zhijun) – cựu Bí thư tỉnh Giang Tô. Ông La Chí Quân là cấp trên cũ của ông Lưu Hãn Đông, trước ngày ông Lưu Hãn Đông ‘ngã ngựa’ (1/4/2023), ông ta đã tự tử bằng cách nhảy khỏi một tòa nhà – nguyên nhân được cho là do trầm cảm. Ông La Chí Quân cũng là cựu Chủ tịch Ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Giang Tô.

Sự kiện khiến một lần nữa khiến công luận lại chú ý đề tài về các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị bệnh tâm thần. Giới quan sát chỉ ra rất nhiều trường hợp không kể hết về quan chức Trung Quốc sống trong bất an vì tham ô hoặc liên đới trong các vụ án, dẫn đến họ bị trầm cảm hoặc bệnh tâm thần. Nguyên nhân và cách thức tự sát cũng đủ loại kỳ lạ; phần lớn là do hệ thống bạo lực, tham nhũng, phản nhân loại của ĐCSTQ gây ra, khiến họ từ bình thường trở nên bất bình thường, hậu quả là gây ra vô số tai họa cho xã hội.

Cán bộ tâm thần lãnh đạo phi lý trí

Tin tức về các quan chức ĐCSTQ tự tử do trầm cảm thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Có thể kể một số trường hợp xảy ra những năm gần đây như: Zheng Xiaosong – nguyên Phó Tỉnh trưởng Phúc Kiến, Thứ trưởng Ban Liên lạc Quốc tế ĐCSTQ, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương ĐCSTQ tại Ma Cao, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; hay như Li Fuxiang – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối… Những trường hợp xa hơn được biết đến có 3 người thân thiết của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông: Lạc Thiếu Hoa, Giang Thanh, và Mao Ngạn Thanh.

Trầm cảm được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa “rối loạn tâm thần”. Bách khoa toàn thư Baidu Trung Quốc giải thích là “một triệu chứng của bệnh thần kinh, một căn bệnh do rối loạn chức năng cơ thể, bao gồm  các triệu chứng như mất ngủ, lo lắng, nghi ngờ, sợ hãi, ám ảnh cưỡng chế, suy nhược thần kinh, nôn mửa do thần kinh…”. Giải thích của Wikipedia, “Về mặt y tế được phân loại là rối loạn tâm thần và hành vi, trầm cảm là triệu chứng của một số rối loạn tâm trạng”. Nhìn chung tình trạng này thuộc loại bệnh tâm thần.

Nhìn vào những vụ tự tử của các quan chức ĐCSTQ trong những năm gần đây cho thấy một số lượng lớn trong số họ mắc chứng trầm cảm, nói cách khác nếu truyền thông không đưa tin về những vụ đó thì người dân sẽ không biết rằng bản thân đang được lãnh đạo bởi một nhóm bệnh nhân tâm thần.

Các quan chức tâm thần thường thiếu lý trí trong việc ra quyết định, ra lệnh và thực hiện các chính sách lớn, trước khi họ bị phát hiện bệnh và tự sát thì những mệnh lệnh của đã được thực thi trên diện rộng, bởi loại người này dễ nổi giận với những người phản đối ý kiến ​​họ, điều này thường dẫn đến hậu quả là xã hội  xảy ra những sự việc trái với lẽ thường và quy luật tự nhiên, gây ra những thảm họa và hỗn loạn xã hội, người dân không thể hiểu vì đâu quan chức đã làm như vậy. Ví dụ, cán bộ quản lý nông nghiệp vào nông thôn nhổ cây, bắt gà, bắt chó, phá ruộng, phá chuồng chăn nuôi; cảnh sát giao thông đến các bản làng miền núi xa xôi, trèo lên nóc nhà trang trại để kiểm tra tình trạng lái xe khi say rượu; các tòa nhà bị cháy nổ thì quan chức bắt giữ những người dân thường chụp ảnh để phá hủy hiện trường… Hoặc tiêu biểu như những vấn đề xã hội trong lịch sử dẫn đến thảm họa mà nhiều người bình thường phải vò đầu bứt tóc suy nghĩ về thần kinh của những người ra mệnh lệnh: trong đó có kế hoạch hóa gia đình mỗi gia đình chỉ được sinh một con, thế rồi lại thay đổi “có nhiều con là niềm vinh dự của cha mẹ”, hay Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt; lệnh không được thu hoạch ngũ cốc khi vào vụ thu, mà phải  suốt ngày đi bắt chim sẻ, chuột…

Vài ví dụ

Vài năm trước, ông Lưu Vệ Đông (Liu Weidong, 54 tuổi) – Ủy viên Thường vụ và Phó thị trưởng thành phố Thái An tỉnh Sơn Đông – đã treo cổ tự tử gần chùa Puzhao trong Khu thắng cảnh Thái Sơn (Taishan). Sau đó người ta chính thức công bố nguyên nhân tự tử của ông ta là do trầm cảm. Một công chức của Sở Du lịch cho biết, khi còn là phó thị trưởng, ông ta ra lệnh xây dựng đền chùa và cảnh quan nhân tạo dưới chân núi Thái Sơn, sau đó ra lệnh phá bỏ, những mệnh lệnh thay đổi liên tục của ông ta làm mọi người bối rối và căng thẳng.

Thật trùng hợp, vào ngày Lưu Vệ Đông treo cổ tự tử, ông cựu thị trưởng Từ Tuyết Tuấn (Yu Xuejun) thành phố Khai Bình tỉnh Quảng Đông đã rơi từ tầng 18 chung cư của mình và thiệt mạng. Có người trong văn phòng chính quyền thành phố nói: Chúng tôi như được giải thoát, không phải ngày ngày nghe ông ta gào hét, chỉ đạo linh tinh, mỗi ngày đều đề nghị làm sao cho giá cổ phiếu tăng lên, nữ thư ký không biết cách cũng không biết sử dụng phần mềm máy tính đã bị hành cho tinh thần rối loạn phải nghỉ việc.

Từ năm 2009, ĐCSTQ bắt đầu quan tâm đến sức khỏe tâm thần của các quan chức. Dữ liệu được giám đốc Zhu Zhuohong của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sức khỏe tâm thần công chức quốc gia thuộc Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cung cấp cho China News Weekly cho thấy, trong 7 năm từ 2009 – 2016 có tổng cộng 245 quan chức đã do trầm cảm mà tự tử, mất tích hoặc bị nghi ngờ tự tử.

Các nguồn tin cho biết, những năm gần đây trường hợp trầm cảm này đặc biệt nhiều trong quan trường ở Tân Cương, về cơ bản hơn một nửa số quan chức trong tất cả các cơ quan Đảng và Chính phủ đều bị trầm cảm ở một mức độ nào đó.

Chuyên gia kể về trải nghiệm

Trong một cuộc phỏng vấn với China News Weekly, giáo sư Hứa Yên (Xu Yan) thuộc Viện Tâm lý học – Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết, có quan điểm cho rằng tỷ lệ tự tử trong giới quan chức cao gấp 100 lần so với người dân thường –quan điểm này chưa có chứng minh gì thuyết phục; cũng có người nói quan chức trầm cảm vì từng tham nhũng khiến họ lo sợ bị bắt; nghiên cứu do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương chủ trì cho thấy “nhiều quan chức chết bất thường không phải vì lo sợ chịu tội nên tự sát, mà đáng quan tâm là vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Các quan chức trầm cảm trước khi tự sát thường có các triệu chứng như ảo giác và hoang tưởng bị hãm hại…”.

Giáo sư Hứa Yên kể quá trình bà hợp tác làm việc hoặc trao đổi với quan chức, một quan chức đã từng nói với bà: “Cô Xu, cô có nhìn thấy cửa sổ này không? Bây giờ khi tôi nhìn thấy cửa sổ này, tôi cảm thấy muốn nhảy xuống. Đúng vậy. Khi tôi nhìn thấy cửa sổ này, tôi cảm thấy muốn nhảy xuống”.

Điều kỳ lạ là khi các quan chức bị trầm cảm, họ hiếm khi hỏi ý kiến ​​bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia. Một số quan chức không dám đến bệnh viện vì sợ ảnh hưởng đến việc thăng chức, cũng không dám tiết lộ sự việc mà mời các thầy phong thủy đến nhà, sắp xếp lại đồ đạc. Sau một thời gian, nếu không hiệu quả sẽ nhờ một thầy phong thủy khác đến…

Khi giáo sư Hứa Yên kể về kinh nghiệm giảng dạy về sức khỏe tâm thần cho các quan chức, bà nói rằng bà nhận thấy nhóm này rất tích cực trong các buổi giảng, họ rất thích nghe các khóa học về tự chẩn đoán và điều chỉnh căng thẳng tâm lý. Bà cũng phát hiện rất ít người trong số họ sẵn sàng bộc lộ cảm xúc, thường không thừa nhận bản thân có vấn đề về tâm lý. Bà thường để lại số điện thoại, sau giờ học luôn có người gọi cho bà, tuy nhiên những người gọi điện thoại này thường có chút dè dặt, có thể suy nghĩ việc giảm thiểu để lại dấu vết, một số người thậm chí còn cố tình sử dụng điện thoại công cộng. Một số người sẽ tìm một nơi mà họ cho là an toàn và bố trí cuộc hẹn với bà để hỏi về vấn đề tâm lý của bản thân. Trong cuộc trò chuyện, bà cũng phải hứa với họ sẽ giữ bí mật và sẽ không ghi âm hoặc ghi hình toàn bộ quá trình trò chuyện.

Mời xem tiếp Phần 2.