Từ trải nghiệm đã kể của giáo sư Hứa Yên (Xu Yan) tại Viện Tâm lý học của Đại học Sư phạm Bắc Kinh và phân tích nhiều trường hợp, có thể thấy rất nhiều người sau khi trở thành quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dần dần có vấn đề bệnh tâm thần, ở trong quan trường càng lâu thì bệnh càng nặng, việc sợ lộ bệnh lại khiến bệnh nặng hơn.

Mao Trach Dong
Người trong bệnh viện tâm thần tại Trung Quốc hướng về ảnh của Mao Trạch Đông. (Nguồn: MXH)

Quan chức mới ‘ngã ngựa’ bị xem là có vấn đề thần kinh

Một số quan chức cấp bộ đã bị ĐCSTQ trừng phạt và bắt giữ trong tuần này: Ngày 18/3, Wang Dengfeng – cựu phó chủ tịch Hiệp hội bóng đá Trung Quốc – bị kết án 17 năm tù vì tội tham ô tài sản công  gần 47 triệu nhân dân tệ. Vào các ngày 13, 15, và 17 lần lượt có các quan chức cấp cao bị thông báo điều tra: Li Xiangang – Phó Ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Hắc Long Giang, Li Yong – cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Đại dương Trung Quốc, và Li Jiping – cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Có thể nói ĐCSTQ đã kiếm được rất nhiều tiền thông qua họ và tất cả số của cải đó đều đến từ những người sáng tạo mang lại của cải hoặc những người đóng thuế trong xã hội. Cư dân mạng chửi những quan chức tham nhũng này: Đừng nói rằng khi xảy ra chuyện thì họ mới trở thành người bị thần kinh, trước đó họ đã bị thần kinh vì hãy xem họ tham lam vô độ, làm đủ mọi việc ác ôn…

Theo quan sát cho thấy, tỷ lệ trầm cảm cao không chỉ trong quan chức chính quyền (đặc biệt là Tân Cương), mà còn đáng kể trong quân đội ĐCSTQ. Những người trầm cảm thường chọn cách tự tử bằng nhảy lầu. Những năm gần đây, tin tức về các vụ tự sát trong quân đội đã thu hút chú ý của dư luận, có người phân tích: Thứ nhất, môi trường quân đội tương đối khép kín nên tinh thần càng khó giải tỏa hơn, một số cấp bậc đặc biệt còn hạn chế quyền truy cập Internet; Thứ hai là nhà cao tầng hiện nay phổ biến nên thuận tiện cho việc tự sát; Thứ ba là văn hóa quân đội đề cao lòng trung thành và phe phái, hình phạt lại tàn nhẫn hơn.

Theo chuyên gia tâm lý Zhao Guoqiu tại Bộ Công an và nhà tâm lý trưởng tại Sở Công an tỉnh Chiết Giang, mỗi tuần ông chỉ có nửa ngày để ngồi trong phòng khám và khám cho hơn 10 bệnh nhân là cán bộ công chức. Có lần ông Zhao hẹn thời gian khám cho một quan chức bị trầm cảm nặng nhưng không thấy, ông gọi điện thông báo cho gia đình bệnh nhân về thời gian chẩn đoán và điều trị, đầu bên kia điện thoại là người vợ viên quan chức đã khóc nói: “Hôm qua anh ấy nhảy lầu tự tử, còn khám gì nữa bác sĩ?”

Tại sao chỉ số hạnh phúc quan chức lại xếp cuối cùng?

Chuyên gia tâm lý Zhao Guoqiu cho biết, dữ liệu thu được qua hơn 30 năm nghiên cứu của ông cho thấy chỉ số hạnh phúc của quan chức không cao, chỉ số rối loạn tâm lý và chỉ số căng thẳng trong công việc đều đặc biệt cao. Ông nói: “Tỷ lệ mất ngủ ở nhóm này lên tới khoảng 25%, nói cách khác cứ 4 người thì có 1 người bị mất ngủ”.

Chuyên gia Zhao cho biết, “10% những người bị trầm cảm nặng sẽ chấm dứt nỗi đau bằng cách tự tử, và 50% – 60% quan chức tự tử về cơ bản là bị trầm cảm”.

Trung tâm điều tra sức khỏe tâm thần dành cho nhân viên nhà nước của ĐCSTQ đã thực hiện một cuộc khảo sát liên quan đến căng thẳng trong tổng số 2500 nhân viên ở 20 cơ quan trung ương, kết quả là 63,3% số người tin rằng họ đang bị căng thẳng ở mức độ từ trung bình trở lên. Cùng năm đó, trong “Báo cáo thường niên về khảo sát sức khỏe tâm thần nơi làm việc ở Trung Quốc” do Viện Tâm lý học của Viện Khoa học Trung Quốc công bố cho thấy, các cơ quan Chính phủ xếp cuối cùng về chỉ số hạnh phúc với số điểm 3,05.

Một bộ dữ liệu trước đây của Bộ Công an ĐCSTQ cũng đáng chú ý: Năm 2014 và 2015, số lượng cảnh sát và công an chết khi làm nhiệm vụ trên toàn Trung Quốc lần lượt là 438 và 393, trong đó số tử vong do nhồi máu cơ tim đột ngột hoặc xuất huyết não lần lượt là 205 người và 201 người, tỷ lệ tử vong cao hơn là cảnh sát trẻ và trung niên. Trong số sĩ quan cảnh sát chết có đến gần 50% vì bệnh tật, một số tự tử vì trầm cảm. Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Sức khỏe Tâm thần Công chức Quốc gia thuộc Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho thấy, trong số quan chức tự tử có đến 50% được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.

Sau khi ông Wang Xiaoming – Phó tổng thư ký Chính quyền thành phố Bắc Kinh tự tử bằng cách nhảy lầu, giới truyền thông lại dấy lên bàn tán về tình trạng “trầm cảm” phổ biến trong giới quan chức phải chăng do chịu áp lực quá lớn của chiến dịch “chống tham nhũng”?

Một cư dân mạng giấu tên từng viết: Cả 3 quan chức trong gia đình tôi đều mắc chứng trầm cảm, trong số đó có chú tôi suýt tự tử vì chuyện này.

Nhà bất đồng chính kiến ​​​ Zha Jianguo (ở Bắc Kinh) chỉ ra, quan hệ giữa các quan chức trở nên căng thẳng hơn kể từ chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, làm nhiều thì sợ mắc sai lầm còn làm ít thì sợ bị quy vô trách nhiệm, ĐCSTQ không có cơ chế trả lương cao cho người liêm chính. Trước kia dùng quyền lực để kiếm chác, nhưng bây giờ bị quản lý chặt chẽ, quan chức sau tham nhũng dễ căng thẳng cao. Ngoài ra, dư luận và Internet cũng mang lại việc giám sát cao hơn trước.

Có thể nói lòng tham thường tỷ lệ nghịch với hạnh phúc, quan chức có ham muốn cao thì một khi xảy ra vấn đề sẽ chịu áp lực sợ hãi cao tương ứng, chứng trầm cảm cũng dễ bị nặng. Thực ra nếu sống giản dị tự nhiên, không quá tham lam truy cầu thì cũng ít gặp tai ương… , như người xưa thường chỉ ra chuyện phúc/họa có nhân quả – thường phụ thuộc vào hành động và quyết định của chính bản thân…

Tại sao quan chức dễ bị trầm cảm

Nhà bất đồng chính kiến ​​​​Shen Liangqing ở An Huy từng là công tố viên phân tích rằng quan chức vì muốn thăng tiến, đặc biệt là sau bị phanh phui có vấn đề tham nhũng, để bảo vệ cấp trên và gia đình thì các quan chức ngày nào cũng lo sợ tai họa giáng vào bản thân, điều đó khiến họ dễ bị trầm cảm. “Một số bạn cùng lớp của tôi từng là quan chức cũng đã tự tử vì trầm cảm. Quan chức của ĐCSTQ có thể nói là một nghề rủi ro cao. Thành thật mà nói, các quan chức thực sự không dễ dàng leo lên các chức vụ. Trừ những người có xuất thân đặc biệt, nói chung phải trả giá đắt, chẳng hạn như luôn cảnh giác không mắc sai lầm về mọi mặt, đồng thời còn phải xu nịnh nữa…”.

Shen Liangqing cho biết, nỗi lo sợ không còn quyền lực và các hình phạt khác cũng sẽ khiến một số quan chức có vấn đề chọn cách tự sát.

Giáo sư Nie Huihua, Viện phó Viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia – Đại học Nhân dân Trung Quốc, từng nói rằng quan chức tham nhũng tự sát do một số vấn đề: Thứ nhất, loại bỏ bằng chứng phạm tội và bảo vệ đồng nghiệp của họ; Thứ hai, bảo vệ người thân gia đình giữ được của cải; Thứ ba, để bảo vệ thanh danh, tránh bị làm nhục. Vì điều này, tự sát đã trở thành giải pháp cho nhiều quan chức Trung Quốc.

Tại sao quan chức giấu bệnh?

Trong quan trường ĐCSTQ, tổ chức họ làm hiếm khi biết được ai đang bị trầm cảm trước khi vụ việc xảy ra, thường rất ít người biết một quan chức nào đó không còn bình thường nữa. Đây là nhóm người bệnh rất bí mật, họ rất ngại đi khám bác sĩ hay chữa trị bằng bảo hiểm y tế vì sợ bị lộ, thậm chí cả người nhà cũng không biết. Một số phương tiện truyền thông ĐCSTQ cũng đưa tin rằng trầm cảm là một điều cấm kỵ trong giới quan chức, vì “các quy định của tổ chức không để cho quan chức trầm cảm được thăng chức”.

Một người trong cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhiều quan chức cấp cao nói với China News về một trường hợp: Vài năm trước, một quan chức cấp cao ở một tỉnh nọ mắc bệnh gan nặng đã thông qua quan hệ cá nhân gặp được một bác sĩ bệnh gan nổi tiếng ở Bắc Kinh, rồi nhờ liên hệ với nguồn gan. Trong những ngày nghỉ lễ, vị quan chức này đã bí mật đến Bắc Kinh để ghép gan.

Người trong cuộc nói trên cho biết, phẫu thuật ghép gan rất tốn kém nhưng quan chức này thà tự bỏ tiền túi ra chi trả còn hơn là làm thủ tục bảo hiểm y tế, vì quan chức đó không muốn để lộ hồ sơ bệnh tình.

Người trong cuộc này cho biết, nhiều quan chức sau khi lâm bệnh không dám làm thủ tục bảo hiểm y tế cho dù chi phí y tế rất tốn kém – nhưng chi phí đó có thể kiếm thông qua tài trợ của cấp trên hoặc lạm dụng công quỹ…

Mặc dù không có quy định công khai nào về mối quan hệ giữa bệnh tật và sự nghiệp thăng tiến quan chức – nhưng đây thực sự là một thực tế phổ biến. Quan trọng nữa là trong tình thế cạnh tranh khốc liệt, việc để lộ bệnh tình khiến đối thủ cạnh tranh chức vụ nắm được và báo cáo tổ chức.

Chuyên gia tâm lý Zhao Guoqiu cũng đề cập việc các quan chức có vấn đề về tâm lý thường muốn hẹn gặp riêng tư để cởi mở chia sẻ, thậm chí có người còn nhờ thư ký trao đổi để không tiết lộ danh tính. Trong quá trình hành nghề, ông Zhao đã gặp phải nhiều trải nghiệm giống như giáo sư Xu Yan, qua đó có nhiều kinh nghiệm và kết luận tương tự.

Mời xem tiếp Phần 3.