Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cựu Tổng thư ký Demosisto Hồng Kông, đã bị bỏ tù 3 năm vì nhiều tội danh. Mới đây, một phóng viên Mỹ đưa tin rằng ngày 30/6/2020, ngay trước khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực, Hoàng Chi Phong đã xin tị nạn chính trị tại Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Macao, nhưng bị từ chối. Mỹ từng cân nhắc đưa Hoàng Chi Phong đi bằng đường thủy nhưng không thành.

Hoang Chi Phong
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), cựu tổng thư ký Demosisto Hồng Kông. (Nguồn: Facebook)

Chính phủ Hoa Kỳ đã có kế hoạch đưa Hoàng Chi Phong ra khỏi Hồng Kông bằng đường thủy, nhưng gặp khó khăn trong việc thực hiện. Dựa trên nhiều cân nhắc khác nhau, Ngoại trưởng Pompeo khi đó đã miễn cưỡng tuyên bố rằng Hoa Kỳ không thể bảo vệ Hoàng Chi Phong.

Phóng viên cũng tiết lộ khi đó, Tổng thống Trump đã lên kế hoạch tiếp nhận người Hồng Kông, vì tin rằng họ có thể trở thành những “người Mỹ ưu tú”, nhưng cuối cùng ông lại bị các trợ lý cánh hữu ngăn cản.

“Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” được công bố và thực thi vào lúc 11:00 đêm ngày 30/6/2020. Trước và sau khi thực thi luật này, nhiều nhân sĩ ủng hộ dân chủ đã phải sống lưu vong ở nước ngoài, như cựu Chủ tịch Demosisto La Quán Thông (Nathan Law) sống lưu vong ở Anh, cựu nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi-fung) sống lưu vong ở Úc.

Hộ chiếu của Hoàng Chi Phong đã bị cảnh sát giữ lại, và anh không thể rời khỏi Hồng Kông thông qua các kênh thông thường.

Shibani Mahtani và Timothy McLaughlin, 2 phóng viên của tờ Washington Post và tạp chí The Atlantic có trụ sở tại Hồng Kông, tiết lộ trong cuốn sách “Trong số những người dũng cảm” (Among the Braves), rằng ngay trước khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông có hiệu lực vào ngày 30/6/2020, Hoàng Chi Phong đã gặp 2 quan chức từ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Macao, và bày tỏ mong muốn được tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, địa điểm họ gặp nhau không phải ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ, mà là tại Văn phòng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở tòa nhà St. John’s đối diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ không có sự bảo vệ lãnh sự.

Hoàng Chi Phong hy vọng được vào Lãnh sự quán, và rằng Hoa Kỳ sẽ đưa anh đến sống ở Hoa Kỳ, giống như cách họ đã bảo vệ Trần Quang Thành, một nhà hoạt động nhân quyền bị mù đến từ Đại Lục. Khi đó, các quan chức của Tổng Lãnh sự quán giải thích rằng luật pháp Hoa Kỳ quy định, không thể nộp đơn xin tị nạn chính trị bên ngoài Hoa Kỳ.

Kết thúc cuộc gặp, Hoàng Chi Phong nói thẳng: “Tôi không muốn rời đi. Tôi muốn đến Lãnh sự quán Mỹ”.

Cuốn sách cũng chỉ ra, sau đó, Ngao Trác Hiên (Jeffrey Ngo), cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Demosisto Hồng Kông, đang ở Hoa Kỳ, người bạn đồng hành của Hoàng Chi Phong, đã gửi email tới Ngoại trưởng Pompeo dưới danh nghĩa của Hoàng Chi Phong để yêu cầu tị nạn chính trị một lần nữa.

Ông Pompeo coi vụ việc này rất nghiêm túc, và đã tổ chức một cuộc họp với các nhân viên của mình trong vòng 48 giờ thảo luận về vấn đề này. Họ cho rằng Hoàng Chi Phong không được phép vào Lãnh sự quán Hoa Kỳ, vì lúc đó Hoa Kỳ đã quyết định đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.

Nếu Hoàng Chi Phong trốn trong Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ trả đũa, và nhân cơ hội này đóng cửa Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Hồng Kông và Macao.

Chính phủ Mỹ cũng từng cân nhắc việc bí mật đưa Hoàng Chi Phong ra khỏi Hồng Kông bằng đường thủy, nhưng nhận thấy điều này không khả thi. Một khi bị Cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn, vụ việc sẽ trở thành một sự kiện quốc tế.

Dựa trên nhiều cân nhắc khác nhau, cuối cùng ông Pompeo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nói rằng Hoa Kỳ không thể bảo vệ Hoàng Chi Phong.

Tuy nhiên, cuốn sách nói rằng vẫn có những tiếng nói mạnh mẽ trong Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu bảo vệ Hoàng Chi Phong. Cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger xác nhận, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng có liên quan đến việc ra quyết định, và khuyến nghị cung cấp sự bảo vệ cho Hoàng Chi Phong.

Cuốn sách cũng dẫn lời ông Ivan Kanapathy, Phó Cố vấn cấp cao về các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng khi đó, nói rằng việc không hỗ trợ Hoàng Chi Phong vì lo ngại Bắc Kinh phản công là “hoàn toàn sai lầm”.

Cuốn sách viết rằng khi đó, La Quán Thông, cựu Chủ tịch Đảng Demosisto Hồng Kông đang ở London, một lần nữa trình bày hoàn cảnh của Hoàng Chi Phong với ông Pompeo khi gặp riêng ông vào tháng 7/2020, nhưng điều này không thể thay đổi được quyết định của Mỹ.

Sau khi Luật An ninh Quốc gia được ban hành, Anh, Úc và Canada đều đưa ra “kế hoạch xuồng cứu sinh” cho người dân Hồng Kông, hỗ trợ họ di cư.

Cuốn sách “Trong số những người dũng cảm” tiết lộ, Tổng thống Trump khi đó từng nói rằng ông “thích” nhân viên của mình đề xuất “kế hoạch xuồng cứu sinh” giống với các nước nêu trên, cho phép một số người Hồng Kông sang Mỹ sinh sống. Ông tin rằng họ có thể trở thành “người Mỹ ưu tú”, nhưng cuối cùng đã bị Cố vấn chính trị phe cực hữu Stephen Miller ngăn cản.

Sinh ngày 13/10/1996, mới 27 tuổi nhưng Hoàng Chi Phong đã có sự nghiệp hoạt động xã hội hơn 13 năm, nhằm bảo vệ nền tự do, dân chủ và tự trị của Hồng Kông.

Năm 2014, Hoàng Chi Phong được Tạp chí Time bình chọn là một trong 25 thanh thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới, vì tham gia Phong trào Ô dù. Năm 2018, anh được Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đề cử tranh giải Nobel Hòa bình.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, ngày 23/11, Hoàng Chi Phong đã ủy thác cho một người bạn đăng trên trang Facebook cá nhân của mình. Anh đã trích dẫn một câu trong bài hát nổi tiếng của Hồng Kông “Waltz Of The Damaged” (Điệu Van-xơ trẹo chân): “Phải công bố với thế giới, rằng tôi chưa hề gục ngã”.

Anh cũng gửi lời nhắn: “Thân ở trong bức tường, nhưng tôi vẫn thấy nhiều người đang kiên trì và cố gắng. Tôi hy vọng rằng mọi người đừng chỉ tập trung vào các thoái trào khác nhau của Hồng Kông, mà bỏ qua những người đang chèo chống con thuyền ngược dòng hiện tại.”

Bình Minh (t/h)