Ngày 27/2 truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, cựu Ngoại trưởng Tần Cương đã “từ chức” chức vụ đại biểu Nhân đại; một ngày trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cũng đã bị loại khỏi danh sách ủy viên Ủy ban Quân sự. Cả hai đều được đích thân lãnh đạo Tập Cận Bình đề bạt.

Tan Cuong Ly Thuong Phuc
Ông Tần Cương (trái) và ông Lý Thượng Phúc. (Ảnh ghép)

Theo Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) hôm thứ Ba (27/2) thông báo rằng Ủy ban Thường vụ Nhân đại thành phố Thiên Tân đã quyết định chấp nhận đơn từ chức đại biểu của Nhân đại toàn quốc khóa 14 của ông Tần Cương.

Theo các quy định có liên quan của “Luật về Đại hội Đại biểu nhân dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đại hội đại biểu nhân dân các cấp ở địa phương”, tư cách đại biểu của ông Tần Cương đã bị chấm dứt.

Sau khi ông Tần Cương bị cách chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào tháng 7 năm ngoái, chức vụ quan trọng Bộ trưởng Ngoại giao do ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Ủy ban Đối ngoại, kiêm nhiệm.

Kể từ năm ngoái, truyền thông quốc tế đã tập trung vào việc cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương mất tích, có báo cáo cho rằng ông đã bị tra tấn đến chết, cũng có báo cáo cho rằng ông có liên quan đến việc tiết lộ bí mật quân sự của ĐCSTQ nên bị xử tử, thậm chí có những báo cáo tập trung vào mối quan hệ nam nữ bất chính của ông, v.v.. Đến nay, chính quyền ĐCSTQ vẫn chưa phản hồi về tình hình thực sự của ông.

Ông Lý Thượng Phúc bị âm thầm loại khỏi danh sách ủy viên Quân ủy

Mới đây, chuyên mục “Cấp cao” trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng ĐCSTQ đã được cập nhật, đồng thời tên của ông Lý Thượng Phúc đã lặng lẽ bị xóa khỏi danh sách ủy viên Ủy ban quân sự Trung ương ĐCSTQ (Quân ủy Trung ương).

Theo dữ liệu lưu trữ trên Internet, ít nhất cho đến ngày 3/1, ông Lý Thượng Phúc vẫn giữ tư cách ủy viên Quân ủy Trung ương. Theo quy định của ĐCSTQ, thân phận ủy viên này thuộc về hệ thống do “đảng quản lý” và cần được bãi bỏ tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 20 tổ chức vào tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, Phiên họp toàn thể lần thứ 3 hiện tại của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ vẫn chưa được tổ chức, và suy đoán ban đầu của thế giới bên ngoài rằng nó sẽ được tổ chức kỳ “lưỡng hội” (Đại hội Nhân đại toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc) dường như là không thể. 

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc xử lý ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương có thể liên quan đến xung đột nội bộ giữa các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ và hiện chưa có kết luận nào; cũng có suy đoán rằng đó là do chính quyền ĐCSTQ bất lực trong việc đối phó với tình hình kinh tế khó khăn, không thể đối mặt với suy thoái kinh tế và sự sụp đổ của cảm tình công chúng, lo lắng rằng tình hình vượt quá tầm kiểm soát khi mở cuộc họp.

Nhà bình luận Katsuji Nakazawa của Nikkei mới đây đã viết một bài phân tích chỉ ra rằng nguyên nhân là ông Tập Cận Bình không thể vạch trần điểm yếu của mình, chỉ tổ chức họp sau khi chắc chắn rằng mình có thể thể hiện điểm mạnh của mình. Để làm được điều này, trước tiên phải giải quyết vấn đề của quân đội, hiện tại vấn đề của quân đội cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Có bình luận chỉ ra, dù thế nào đi nữa việc Bộ Quốc phòng ĐCSTQ loại bỏ thành viên Quân ủy khỏi danh sách trước khi cuộc họp quyết định việc loại bỏ các thành viên Quân ủy được tổ chức là có vẻ bất thường và không hợp lý. Nếu không có chỉ đạo cấp cao thì Bộ Quốc phòng sẽ không tự nói về mình. Nếu xuất phát từ sự chỉ đạo của cấp trên thì có thể thấy, vấn đề con người cai trị trong ĐCSTQ cao hơn tất cả quy định của đảng, quy tắc nội bộ, luật pháp. Không gì bằng lời nói của người cấp trên. Bản thân cái gọi là pháp trị chính là một trò đùa. 

Trí Đạt (t/h)