Mới đây, một mẩu tin về việc giới trẻ sẵn sàng sinh con xuất hiện trong danh sách tìm kiếm nóng tại Trung Quốc Đại Lục. Kết quả khảo sát của nhóm 8 thanh niên của Đại học Công nghệ Chiết Giang cho thấy, hơn 80% người trẻ mong muốn có con. Cư dân mạng Đại Lục chế giễu rằng nếu họ đến bệnh viện hiếm muộn để điều tra, tỷ lệ này sẽ lên tới 98%.

shutterstock 135950441
Trung Quốc đang phải đối mặt vấn đề nghiêm trọng về dân số trong khi tỷ lệ sinh không ngừng giảm sút. (Nguồn: Szefei/ Shutterstock)

Ngày 20/5, theo tin tức từ Caijing.com, 8 thanh niên 10X từ Đại học Công nghệ Chiết Giang đã thành lập một nhóm khảo sát trong 1,5 năm. Họ đến các khu dân cư, trường mẫu giáo, bệnh viện dành cho phụ nữ và trẻ em ở nhiều khu vực khác nhau của Chiết Giang, để tiến hành nghiên cứu đối với thanh niên và những người trung niên từ 18 – 35 tuổi.

Tổng cộng có 1.466 bảng câu hỏi hợp lệ đã được thu thập trong cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy “gần 80% người dân mong muốn có con”, lý do chính là vì “thích trẻ con”.

Trước vấn đề này, cư dân mạng Weibo chế giễu: “Đúng là ai cũng muốn hẹn hò, muốn kết hôn và muốn sinh con, 80% là sự thật. Nhưng thực ra ai cũng không thể hẹn hò, không thể kết hôn và không thể sinh con. Điều này cũng đúng 80%”.

“Hôm nay có rượu thì hôm nay say, ngày mai sầu thì ngày mai sầu. Có con cháu tự có phúc của con cháu, không có con cháu thì ta hưởng phúc. Đây mới là suy nghĩ thật của hơn 80% các bạn trẻ!”

Cư dân mạng NetEase trêu chọc:

“Nên đến bệnh viện hiếm muộn để điều tra, khả năng có thể đạt được sẽ là 98%”.

“Đúng là thiếu thứ gì thì khoe khoang thứ đó.”

“Có hơn chục cử nhân trong làng tôi, họ đều mong muốn sinh con, nhưng ai sẽ kết hôn với họ?”

“Mong muốn có con thì đầy, nhưng thực tế quá khó khăn, nên mong muốn lại biến mất.”

“Tôi nghĩ 99% những người Thành Đô muốn có con, chỉ là họ không sinh mà thôi.”

“Miễn bạn thấy vui, thì viết gì cũng được.”

Cùng một nội dung điều tra nhưng kết quả trái ngược

Ngày 23/5, China Digital Times đăng một bài viết nói rằng nhóm điều tra do Đại học Công nghệ Chiết Giang thành lập chủ yếu đến các khu dân cư, trường mẫu giáo và bệnh viện bà mẹ và trẻ em ở nhiều vùng khác nhau của tỉnh Chiết Giang để tiến hành khảo sát.

Bài viết đặt câu hỏi: “Các khu dân cư, nhà trẻ, bệnh viện phụ nữ và trẻ em, v.v., là nơi hầu hết những người có con sẽ tập trung ở đó. Nếu bạn đến những nơi này để điều tra xem liệu những nhóm đó có sẵn sàng sinh con không, chẳng khác nào hỏi mọi người trên tàu đã mua vé chưa? Ai cũng đã sinh con, thì sao có thể không thích sinh con được? Ai cũng có con rồi, chẳng lẽ lại không muốn sinh con sao?”

Bài viết chỉ ra rằng khi tin tức về cuộc điều tra này được đưa ra, một số kênh truyền thông cũng tiến hành những cuộc điều tra tương tự trên Internet, nhưng kết quả điều tra thu được lại hoàn toàn trái ngược.

Với câu hỏi “Bạn có muốn có con không?“, 19.000 người trả lời là “không”, chỉ 2.591 người trả lời là “có”. Cùng một nội dung điều tra, nhưng cuộc điều tra trên mạng internet lại có kết luận hoàn toàn trái ngược với bản tin trên, “điều này có nghĩa là gì?”

Bài viết cũng chỉ ra rằng đối với những thứ như thống kê, khảo sát và bình chọn, miễn là họ muốn, họ hoàn toàn có thể kiểm soát được kết quả bằng cách kiểm soát các biến mẫu của nhóm khảo sát hoặc bình chọn. Nhiều khi chúng ta cảm thấy những gì mình nhìn thấy là sự thật trong xã hội, nhưng thực tế đằng sau chúng “thường được chống đỡ bằng nhiều cách khác nhau.”

Trước đây mỗi ngày có 7, 8 ca sinh, bây giờ vài ngày mới có 1 ca

Ngày 24/5, tờ The Paper đưa tin, tổ chức “Nhà từ thiện Trung Quốc” báo cáo, họ được biết từ một số bệnh viện cơ sở rằng số lượng phụ nữ mang thai đăng ký quả thực đang giảm trong năm nay.

Một số bác sĩ cho biết, lượng phụ nữ mang thai đăng ký đã giảm 1/3. Một bác sĩ sản khoa tại bệnh viện phụ sản và trẻ em ở một huyện thuộc tỉnh Quý Châu cho biết, số ca sinh tại bệnh viện này đã giảm gần 30% so với cùng kỳ.

Bác sĩ sản khoa tại một bệnh viện ở Hà Nam cho biết, số lượng phụ nữ mang thai đã giảm đáng kể so với những năm trước, “bây giờ hầu như không phải xếp hàng khám sản khoa, khoa sản cũng yên tĩnh hơn rất nhiều”.

Theo các nhân viên y tế của một bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em hạng 3 ở tỉnh Hồ Nam, khoa sản là thương hiệu của bệnh viện này, số lượng trẻ sinh ra tại đây luôn đứng đầu tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây hiếm khi xảy ra tình trạng phải tăng thêm giường cho sản phụ.

Một bác sĩ sản khoa tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang cho biết, trong năm nay, số ca sinh tại bệnh viện đã giảm hơn một nửa. “Trước đây một ngày có đến 7, 8, thậm chí gần 10 ca sinh, bây giờ vài ngày mới có 1 ca, mỗi ngày 1 ca đã tốt lắm rồi.”

Ở Trung Quốc Đại Lục, không chỉ số trẻ sơ sinh giảm mạnh, mà số lượng các cuộc hôn nhân cũng giảm.

Theo báo cáo của Liberty Times, ngày 20/5 vừa qua là ngày tốt với những người dân Trung Quốc muốn kết hôn (520 (tức ngày 20/5) trong tiếng Trung đọc giống với từ “Anh yêu em”), nhưng số lượng đăng ký kết hôn năm nay đã giảm đáng kể so với năm ngoái.

Vào ngày này, số lượng các cuộc hôn nhân được đăng ký hàng năm tại các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Tứ Xuyên đã giảm hơn 30%, tỉnh Quý Châu cũng giảm hơn 50%, trong khi số vụ ly hôn lại tăng lên nhanh chóng.

Gần đây, một video về Thanh niên 4 không(không hẹn hò, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con) đã lan truyền trên Internet Trung Quốc Đại Lục. Nhân vật chính trong video thậm chí còn nói rằng tình yêu lớn nhất của người cha là không để con mình đến với thế giới này.

Hôm 16/5, Cục Thống kê Quốc gia (NBS) xác nhận, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, tăng từ mức 19,6% trong tháng 3.

Bình Minh (t/h)

Các bài khác liên quan: