Ngày 10/1, Trung Quốc tuyên bố đình chỉ thị thực của bất kỳ cá nhân nào từ Hàn Quốc đến nước này để du lịch hoặc kinh doanh, trắng trợn trả đũa việc Hàn Quốc thắt chặt biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID với du khách từ Trung Quốc, theo Bloomberg.

Một thông báo ngắn gọn được Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul đăng trực tuyến cho biết, họ sẽ ngừng cấp thị thực ngắn hạn cho các mục đích thăm thân, công tác, du lịch, chăm sóc y tế, quá cảnh và các vấn đề cá nhân từ ngày 10/1, cho đến khi Hàn Quốc xóa bỏ “các biện pháp phân biệt đối xử đối với nhập cảnh từ Trung Quốc” vào nước này.

Trước đó, Trung Quốc đã đe dọa sẽ trả đũa những quốc gia nào yêu cầu thắt chặt biện pháp phòng dịch đối với du khách Trung Quốc.

Nói về vụ việc ngừng cấp visa cho Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk nói rằng các biện pháp của Hàn Quốc là “dựa trên cơ sở khoa học và khách quan.”

Bắc Kinh đã bị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cáo buộc không công bố số liệu về tình trạng bùng phát COVID ở Trung Quốc. Khoảng hơn chục quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã yêu cầu xét nghiệm âm tính đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Hàn Quốc là một trong số hơn chục quốc gia này.

Trung Quốc hiện yêu cầu tất cả khách du lịch trong nước phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ, điều đó có nghĩa là các quy tắc của họ đối với tất cả du khách nói chung cũng giống như những gì các nước phương Tây và Nhật Bản đã áp dụng đối với khách du lịch đến từ Đại Lục.

Đồng thời cách làm này có nghĩa là chỉ quốc gia nào yêu cầu nhiều hơn, hoặc nhiều hơn đáng kể so với Trung Quốc yêu cầu, thì mới có thể nói là “phân biệt đối xử” và mới có khả năng bị Trung Quốc trả đũa. Theo một nghĩa nào đó, tức là thu hẹp danh sách hơn một chục quốc gia nói trên.

Hàn Quốc dường như đã bị chọn ra để trả đũa đầu tiên vì những hạn chế của nước này đối với du khách từ Trung Quốc là nhiều hơn bất kỳ đối tác thương mại lớn nào khác.

Trung Quốc đột ngột đảo ngược các yêu cầu ngăn chặn đại dịch nghiêm ngặt vào tháng trước. Điều đó xảy ra sau ba năm phong tỏa, cách ly và xét nghiệm hàng loạt, dẫn đến các cuộc biểu tình trên đường phố ở Bắc Kinh và các thành phố lớn khác chưa từng thấy trong ba thập kỷ.

Những dự báo lạc quan nhất cho rằng hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của Trung Quốc có thể hồi sinh sớm nhất là vào quý đầu tiên của năm nay. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, các doanh nhân và gia đình phải đối mặt với áp lực nặng nề do số ca nhiễm virus gia tăng khiến người sử dụng lao động không có đủ công nhân khỏe mạnh và khiến những khách hàng cảnh giác tránh xa các trung tâm mua sắm, nhà hàng, tiệm làm tóc và phòng tập thể dục.

Các nhà dự báo cho biết quyết định đột ngột của chính phủ Tập Cận Bình nhằm chấm dứt các biện pháp kiểm soát khiến có thể đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế, nhưng cũng có thể làm gián đoạn hoạt động trong năm nay khi các doanh nghiệp gặp khó khăn để thích nghi.

Thiên Đức (T/h)