Đại sứ Anh James Kariuki tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thay mặt Vương quốc Anh và 50 nước khác đưa ra tuyên bố chung về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Duy Ngo Nhi
Biểu tình ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ. (Ảnh: Par Karl Nesh/Shutterstock)

Theo Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung (FCO) của Anh, tại Ủy ban thứ III của LHQ vào ngày 18/10/2023, Đại sứ Anh tại LHQ là James Kariuki thay mặt cho Vương quốc Anh và 50 nước đưa ra tuyên bố như sau:

“Cảm ơn ngài Chủ tịch,

Tôi rất vinh dự được đưa ra tuyên bố chung liên khu vực này thay mặt cho 51 nước sau: Albania, Andorra, Úc, Áo, Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Eswatini, Fiji, Phần Lan, Pháp, Đức, Guatemala, Iceland, Ireland, Israel, Ý, Nhật Bản, Latvia, Liberia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Moldova, Monaco, Montenegro, Nauru, Hà Lan, Bắc Macedonia, New Zealand, Na Uy, Palau, Paraguay, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Quần đảo Marshall, Romania, San Marino, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tuvalu, Ukraine, Mỹ, và đất nước Vương quốc Anh của chúng tôi.

Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương chủ yếu là người Hồi giáo tiếp tục bị chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vi phạm nghiêm trọng.

Khi công bố Đánh giá về các vấn đề nhân quyền ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) đã dựa rất nhiều vào hồ sơ của chính Trung Quốc.

Đánh giá độc lập, có thẩm quyền này đã tìm thấy bằng chứng về việc [nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)] dựa trên [kỳ thị] tôn giáo và sắc tộc đã giam giữ tùy tiện trên diện rộng và sử dụng hệ thống giám sát mang tính xâm phạm; đã kiểm soát thân thể và ngôn luận hà khắc và không chính đáng nhắm vào các hoạt động văn hóa và tôn giáo hợp pháp, bao gồm phá hủy các địa điểm tôn giáo; tra tấn, ngược đãi, bạo lực tình dục, cưỡng bức phá thai và triệt sản; cưỡng bức mất tích và chia cắt gia đình; và lao động cưỡng bức.

Đánh giá kết luận rằng, việc giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử trên quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu là người Hồi giáo khác ở Tân Cương “có thể cấu thành tội ác quốc tế, đặc biệt là tội ác chống lại loài người”.

Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi bản đánh giá được công bố, nhưng Trung Quốc [ĐCSTQ] vẫn chưa tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận mang tính xây dựng nào về những kết quả điều tra này.

Tháng trước, tại phiên họp thứ 54 của Hội đồng Nhân quyền, Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk đã kêu gọi Trung Quốc [ĐCSTQ] hướng theo các khuyến nghị của đánh giá để thúc đẩy “hành động khắc phục một cách hiệu quả”.

Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy bằng chứng nào về bất kỳ hành động nào như vậy của Trung Quốc [ĐCSTQ].

Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc [ĐCSTQ] chấm dứt hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, hợp tác mang tính xây dựng với OHCHR và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị trong đánh giá.

Cảm ơn.

Công bố ngày 18/10/2023.”

Hội nghị nhân quyền LHQ và nhiều tổ chức cùng lên án việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng

Một số tổ chức đã đệ trình tuyên bố chung trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống, và yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mở cuộc điều tra về tội ác này, cũng như thông báo cho 193 quốc gia thành viên.

Tiêu đề của tuyên bố chung này là “Việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống phải chấm dứt”.

Tuyên bố được đưa ra trong phiên họp thứ 54 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, được tổ chức từ ngày 11/9 -13/10, đệ trình bởi tổ chức phi chính phủ “Hiệp hội Tự do Lương tâm và Điều phối những người tham gia” có trụ sở tại Paris, Pháp, và “Hiệp hội Nhân quyền Độc lập Romania” có trụ sở chính tại thủ đô Bucharest, Romania cùng hơn 10 tổ chức khác.

Tuyên bố chung đưa ra 6 yêu cầu sau đây đối với Liên Hợp Quốc và các tổ chức liên quan:

  1. Cung cấp cho các học viên Pháp Luân Công bị bức hại nhận thức và sự bảo vệ giống như các nhóm nạn nhân khác;
  1. Kêu gọi “Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm” (UNODC) đưa vấn đề đàn áp Pháp Luân Công vào chủ đề “không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023;
  1. Kêu gọi chương trình nghị sự “Một sức khỏe” của Tổ chức Y tế Thế giới phải bao gồm việc xác minh và chấm dứt nạn ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống;
  1. Kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phát động một phái đoàn điều tra độc lập, mang tính quốc tế, kiểm tra bất ngờ về nạn ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống;
  1. Kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thông báo cho tất cả 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng phi đạo đức;
  1. Yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo của “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền”, chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống và bất kỳ tù nhân lương tâm nào khác.

Tuyên bố chung này dựa trên các báo cáo có liên quan của các ông David Kilgour, David Matas và Ethan Gutman, cũng như kết luận của Tòa án Trung Quốc.

Một phiên bản cập nhật của báo cáo khảo sát do 3 tác giả trên công bố vào năm 2016 cho biết, số ca phẫu thuật ghép tạng ở Trung Quốc là khoảng 60.000 -100.000 ca mỗi năm, và có thể lên tới 1,5 triệu ca từ năm 2000 – 2016; nguồn chính của những nội tạng này đến từ các học viên Pháp Luân Công.

Tháng 3/2020, Tòa án Nhân dân Độc lập (còn được gọi là “Tòa án Trung Quốc”) đặt tại London, Anh đã đưa ra phán quyết cuối cùng bằng văn bản, kết luận như sau: “Việc thu hoạch nội tạng người (còn sống) đã xảy ra trên quy mô lớn trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm. Các học viên Pháp Luân Công là một – và có thể là nguồn chính cung cấp nội tạng người.”

“Việc đàn áp tập trung và xét nghiệm y tế đối với người Duy Ngô Nhĩ là một diễn biến tương đối gần đây.”

Tuyên bố chung mới nhất trình lên Liên Hợp Quốc cũng trích dẫn Nghị quyết số 343 được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2016, và Tuyên bố bằng văn bản số 48 được Nghị viện châu Âu thông qua năm 2016.

Tuyên bố này còn bao gồm 3 triệu chữ ký từ hơn 50 quốc gia do Tổ chức “Các bác sĩ chống cưỡng bức thu hoạch nội tạng” thu thập; và một tuyên bố được 12 điều tra viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc đệ trình lên năm 2021.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện ôn hòa dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, giúp thăng hoa tiêu chuẩn đạo đức, và 5 bài công pháp có tác dụng thần kỳ trong việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe.

Vì sự phổ biến của mình, trước tháng 7/1999, công pháp này đã thu hút được 70 triệu đến 100 triệu người tập luyện. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp và tiêu diệt Pháp Luân Công. Ông ta lo sợ rằng triết lý “Chân, Thiện, Nhẫn” của Pháp Luân Công khác với hệ tư tưởng của ĐCSTQ, và số lượng học viên của môn này vượt quá số lượng đảng viên ĐCSTQ.

Mộc Vệ (t/h)