Những ngày gần đây, số ca tử vong nhiều đến mức các nhà tang lễ quá tải theo báo cáo từ thủ đô Bắc Kinh và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, một số sứ quán đã ngừng cấp thị thực, nhưng tổng số tử vong do COVID-19 theo báo cáo của chính quyền vẫn giữ nguyên không thay đổi. Trong bối cảnh này, ngày 16/12, Reuters đưa tin Viện IHME của Mỹ dự đoán có thể sẽ có 1 triệu người tử vong do căn bệnh xuất phát từ thành phố Vũ Hán này.

COVID 19
Số ca khám sốt ở Bắc Kinh tăng đột biến. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo dự đoán, sẽ có 1 triệu ca tử vong tính đến hết năm 2023, chiếm 0,07% trên tổng số 1,4 tỷ dân Hoa Lục. Đây là con số mới nhất do Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) có trụ sở tại Hoa Kỳ đưa ra, dựa trên cơ sở lập mô hình giả lập theo thực tế, tức là Hoa Lục chuyển từ chính sách zero-COVID sang nới lỏng như hiện nay.

Giám đốc IHME Christopher Murray cho biết, số ca tử vong hàng ngày do virus viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào khoảng ngày 1/4/2023, khi đó tổng số ca tử vong sẽ lên tới 322.000, và khoảng 1/3 dân số Trung Quốc sẽ bị nhiễm bệnh vào thời điểm đó.

Cơ quan y tế quốc gia của Trung Quốc đã không báo cáo bất kỳ trường hợp tử vong nào do COVID-19 kể từ khi dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch. Những ca cuối cùng cùng được báo cáo theo các kênh chính thức là vào ngày 3/12.

Tổng số ca tử vong do đại dịch theo báo cáo chính thức hiện vẫn giữ nguyên là 5.235.

Trung Quốc đã nới lỏng chính sách phòng dịch từ đầu tháng 12 sau khi vấp phải hàng loạt các cuộc biểu tình công khai chưa từng có đòi tự do dân chủ và phản đối chính sách zero-COVID. Hiện nước này đang có số ca nhiễm tăng đột biến. Người dân lo lắng sẽ phải đón Tết trong tình trạng COVID-19 tái bùng phát.

“Không ai nghĩ Trung Quốc kiên trì chính sách zero-COVID lâu đến thế này,” ông Murray cho biết hôm thứ Sáu khi các dự đoán của IHME được công bố.

Theo ông phân tích, chính sách zero-COVID của Trung Quốc có thể đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn các biến thể trước đó của virus, nhưng khả năng lây truyền cao của các biến thể Omicron khiến nó không thể duy trì được.

Nhóm lập mô hình độc lập tại Đại học Washington ở Seattle, được chính phủ và các công ty tin cậy trong suốt đại dịch, đã thu thập dữ liệu và thông tin cấp tỉnh từ đợt bùng phát Omicron gần đây ở Hồng Kông.

“Trung Quốc kể từ khi bùng phát ban đầu ở Vũ Hán, hầu như không báo cáo bất kỳ trường hợp tử vong nào. Đó là lý do tại sao chúng tôi tìm đến Hồng Kông để biết về tỷ lệ tử vong do nhiễm virus này”, ông Murray giải thích tại sao một số mẫu để lập mô hình giả lập được lấy từ Hồng Kông chứ không phải từ Trung Quốc. Đó là vì Hồng Kông có con số báo cáo đáng tin cậy hơn con số của Trung Quốc về phương diện này.

Để có dự báo của mình, IHME đã sử dụng thông tin về tỷ lệ tiêm chủng do Chính phủ Trung Quốc cung cấp, cũng như các giả định về cách các tỉnh khác nhau sẽ phản ứng khi tỷ lệ lây nhiễm tăng lên.

Các chuyên gia khác dự đoán khoảng 60% dân số Trung Quốc cuối cùng sẽ bị nhiễm bệnh, với số tốc độ nhiễm đỉnh điểm dự kiến ​​​​vào tháng 1/2023, và bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những nhóm dân chúng dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người già và những người mắc bệnh nền.

Những vấn đề nan giải ở Trung Quốc hiện nay, theo phân tích, là số lượng lớn người dễ mắc bệnh ở Trung Quốc, sử dụng vắc-xin kém hiệu quả hơn so với quốc tế, và tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp ở những người từ 80 tuổi trở lên, những người có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao nhất.

Một số mô hình và dự đoán khác

Các nhà lập mô hình dịch bệnh tại Đại học Hồng Kông dự đoán rằng việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch và đồng thời mở cửa trở lại tất cả các tỉnh từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023, sẽ dẫn đến 684 ca tử vong trên một triệu người trong khoảng thời gian đó, theo một bài phân tích phát hành hôm thứ Tư (14/12).

Dựa trên dân số 1,41 tỷ người của Trung Quốc và không có các biện pháp bổ sung, như chiến dịch tăng cường tiêm chủng hàng loạt, con số này lên tới 964.400 ca tử vong trong khung thời gian nói trên.

Một nghiên cứu khác, được công bố vào tháng 7/2022 trên tạp chí Y học Tự nhiên của các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, đã dự đoán làn sóng Omicron, nếu không bổ sung các biện pháp hạn chế, sẽ dẫn đến 1,55 triệu ca tử vong trong khoảng thời gian 6 tháng, và nhu cầu cao nhất đối với các đơn vị chăm sóc đặc biệt cao gấp 15,6 lần hơn năng lực hiện có, dẫn đến hệ thống y tế sẽ bị siêu quá tải.

Ông Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết có 164 triệu người ở Trung Quốc mắc bệnh tiểu đường, một yếu tố rủi ro dẫn đến kết quả phòng chữa COVID-19 kém. Ngoài ra còn có 8 triệu người từ 80 tuổi trở lên chưa từng được tiêm phòng.

Ông Huang cho biết, các quan chức Trung Quốc hiện đang khuyến khích mọi người tiêm vắc-xin tăng cường từ danh sách các loại vắc-xin mới do Trung Quốc sản xuất, tuy nhiên chính phủ vẫn do dự và chưa quyết định sử dụng vắc-xin nước ngoài.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đang tăng cường tiêm chủng và xây dựng kho dự trữ máy thở và các loại thuốc thiết yếu.

Từ khi bệnh dịch bùng phát cuối năm 2019 từ thành phố Vũ Hán đến nay, các loại dự đoán diễn biến đại dịch luôn luôn được nhiều nguồn nghiên cứu khác nhau đưa ra dùng để tham khảo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy loại virus này biến đổi khá thất thường, khiến khả năng sai số là không nhỏ, và các dự đoán không phải lúc nào cũng chính xác.

(Ghi chú Tweet: Suốt những năm 2020-2021, nhiều chuyên gia ở Hoa Kỳ khẳng định chắc chắn rằng ai tiêm vắc-xin là sẽ miễn nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán, nhưng thực tế không hẳn như vậy. – Nguồn: Ghép video).

Hồi đầu tháng 12 này, Reuters cũng từng đưa ra một số dự đoán về số ca tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc.

Thiên Đức