Những người đến từ các quốc gia tiên tiến sẽ khó mà tưởng tượng được rằng một dân tộc có lịch sử lâu đời, có tỉ lệ người biết chữ cao mà số lượng sách mỗi người đọc trung bình hàng năm lại thấp và ngành xuất bản lại non yếu như nước ta hiện tại. Các số liệu cơ bản có liên quan dưới đây rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Dân số Việt Nam hiện tại (tháng 1/2024) là gần 100 triệu người. Tỉ lệ người trưởng thành (15-60 tuổi) biết chữ là 97,29%. Trong khi đó theo số liệu của Cục xuất bản thì số bản sách xuất bản năm 2023 là 450 triệu bản in và 50 triệu bản sách điện tử của năm 2023. Tính chung là 500 triệu bản sách. Theo cách ước tính thường thấy trên báo chí thì mỗi người Việt Nam trong năm 2023 đã đọc 5 cuốn sách/năm và như vậy so với số liệu các năm trước (0,8-1 cuốn) là có tiến bộ. Tuy nhiên đây là cách tính không khoa học vì có rất nhiều sách đã đi trọn vòng đời của mình từ nhà in tới hàng đồng nát hoặc vào thùng rác mà không hề có ai đọc. Vô số cuốn sách in ra chỉ nằm phủ bụi ở trên giá trong các thư viện mà không ai đọc. Cần một cuộc điều tra khoa học, khách quan trên quy mô toàn quốc để lượng hóa tình hình chung của văn hóa đọc nước ta. Các cuộc điều tra như vậy cần được tiến hành định kì 5 năm một lần. Tuy nhiên, qua quan sát và phân tích các số liệu có tính cục bộ tôi thấy rằng cho dù trong khoảng 10-15 năm trở lại đây văn hóa đọc đã có biến chuyển nhưng tốc độ thay đổi rất chậm và những gì đạt được còn rất nhỏ so với tiềm năng và kì vọng.

Ta hãy nhìn ở mức độ vi mô trước. Bạn có phải là người thích đọc sách không? Bạn có thói quen đọc sách không? Từ khi nào bạn có thói quen đó? Tôi nghĩ rằng người trung thực trả lời “có” cho các câu trả lời này sẽ rất nhỏ so với người trả lời không. Khi bạn cầm cuốn sách này lên và đọc, ít nhiều bạn đã là người quan tâm hoặc ham đọc sách. Nếu bạn đem câu hỏi này đi hỏi những người khác, câu trả lời “không” sẽ xuất hiện với tần suất lớn hơn.

Khi đi giao lưu, nói chuyện khuyến đọc ở bất cứ đâu, tôi cũng đều khảo sát nhanh khán giả bằng các câu hỏi này và kết quả nhận được luôn giống như tôi dự đoán. Số người có thói quen đọc sách, đọc sách thường xuyên rất nhỏ so với số người không đọc hoặc chỉ đọc sách tài liệu trực tiếp phục vụ công việc như một nghĩa vụ tối thiểu. Từ bản thân mình, các bạn hãy nhìn ra xung quanh xem các cá nhân khác đang đọc sách thế nào. Bạn có bao nhiêu người bạn, đồng nghiệp, hàng xóm có thói quen, sở thích đọc sách? Trong gia đình bạn có bao nhiêu người có thói quen đọc sách? Bố mẹ, anh em, chồng-vợ, con bạn, cháu bạn có đọc sách thường xuyên như một thói quen không? Nên nhớ rằng đọc sách giáo khoa để làm bài tập hay đọc tài liệu chuyên môn để phục vụ công việc trực tiếp không được coi là đọc sách trong trường hợp này.

Tiếp đến hãy cho tôi biết ở trong nhà bạn có tủ sách phục vụ gia đình không? Có phòng đọc, thư viện không? Tính tổng thể nhà bạn có bao nhiêu cuốn sách? Khi đến các trường học giao lưu tôi hay hỏi các thầy cô và các em học sinh xem bao nhiêu người có mặt ở đó có trong nhà 500 cuốn sách trở lên nhưng hiếm khi nhìn thấy cánh tay nào giơ lên. Ở nông thôn thì hầu như không có. Việt Nam hiện tại có 26,9 triệu hộ gia đình, trong số đó bao nhiêu gia đình có tủ sách gia đình phục vụ các thành viên? Theo quan sát của tôi thì tỉ lệ các hộ gia đình có tủ sách gia đình rất nhỏ. Phần lớn là không có. Nếu không tin các bạn hãy nhìn lại gia đình mình và quan sát xung quanh từ họ hàng, hàng xóm tới làng, khối phố xem thực tế ra sao.

Tình trạng này là một điều kì lạ. Về cơ bản gia đình nào cũng có con, cháu đi học và gia đình nào cũng mong con cháu mình học giỏi, có đạo đức, có các phẩm chất, năng lực cần thiết để thành công, hạnh phúc… Tuy nhiên phần lớn các gia đình lại thờ ơ với chuyện đọc sách, không chuẩn bị môi trường thuận lợi cho con cháu mình đọc sách.

Các bạn thử nghĩ xem có đáng sợ không khi trẻ em, thanh thiếu niên suốt 12 năm học, thậm chí 16 năm học (thêm 4 năm học đại học) không đọc sách gì ngoài sách giáo khoa, giáo trình? Cả một đời chỉ đọc khoảng hơn trăm cuốn sách giáo khoa và cho dù tốt nghiệp đại học, cao đẳng cũng không đọc sách vở gì cho dù phải làm bố làm mẹ, thậm chí làm giáo viên, bác sĩ, kĩ sư suốt cả cuộc đời.

Học và làm như vậy không thể nào có thể đạt được sự thăng hoa đỉnh cao trong nghề nghiệp hoặc đạt đến độ chuyên nghiệp. Tất cả chỉ có thể làm với năng suất và hiệu quả từ mức trung bình khá trở xuống. Đấy là điều đáng tiếc, lãng phí và nguy hiểm.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: