Loài người đang chứng kiến sự thay đổi ngày càng nhanh của thế giới dưới tác động của khoa học và công nghệ. Công nghệ đã thu hút mối quan tâm rất lớn của xã hội và trở thành chủ đề thường xuyên của các câu chuyện trong đời sống cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, sẽ có một câu chuyện ngược lại. Một nhà khoa học chuyên về robot sau nhiều năm nghiên cứu và thu được nhiều thành tựu nổi bật lại gác chuyên môn đó sang một bên để quay sang… nghiên cứu về hạnh phúc của con người. Và rồi, không chỉ dừng lại ở đó, ông còn tiến tới viết sách hướng dẫn các bậc cha mẹ khác nuôi dạy nên những đứa con hạnh phúc!

cha me hanh phuc 02

Takashi Maeno, tác giả cuốn sách, người từng du học tại Đại học Harvard ở Mỹ tiết lộ lý do rằng ban đầu ông có mơ ước trở thành một kĩ sư, sau đó trở thành nhà khoa học nghiên cứu về não bộ và robot nhưng rồi càng thu được thành tựu trong lĩnh vực này, ông càng băn khoăn với câu hỏi “Liệu rằng việc tạo ra vật chất rốt cuộc có đóng góp gì cho hạnh phúc thật sự của con người không?”. Nỗi băn khoăn đó cứ lớn dần lên để rồi cuối cùng ông quyết định dấn thân vào một lĩnh vực mới là “khoa học hạnh phúc”.

Hạnh phúc thật sự của con người là gì?

Làm thế nào để con người hạnh phúc?

“Khoa học hạnh phúc” mà ông theo đuổi sẽ tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi lớn đó.

“Cha mẹ hạnh phúc nuôi dạy con hạnh phúc” (tác giả: Takashi Maeno, người dịch: Nguyễn Quốc Vương, Ehomebooks, 2021) là kết quả tổng hợp tất cả những gì ông và vợ, người đồng thời cũng là cộng sự nghiên cứu đắc lực của ông, đã trải nghiệm trong 16 năm nuôi dạy hai con (một học đại học và một đang học lớp 12), cũng như kết quả ông thu được từ nghiên cứu “khoa học hạnh phúc”.

Bởi thế nội dung của cuốn sách sẽ bao chứa cả những phần có tính chất “học thuật” và cả những phần mang tính chất “kinh nghiệm cá nhân”. Sự hòa trộn giữa hai nội dung đó giúp cho cuốn sách tránh khỏi sự nặng nề thường có khi được viết bởi những người xuất thân từ giới học thuật như tác giả. Nó giúp cho độc giả vừa có thể hiểu những cơ sở khoa học của việc nuôi dạy nên những đứa con hạnh phúc vừa có thể học hỏi được các kĩ thuật, kinh nghiệm gần gũi, giàu tính thực tiễn có thể áp dụng được ngay.

Ở Nhật Bản, những năm gần đây, hạnh phúc trở thành chủ đề rất… “nóng” và được quan tâm rộng rãi. Sau nhiều thập niên trải nghiệm cuộc sống giàu có về vật chất, nước Nhật bước vào thời kì hậu công nghiệp với dân số già (số liệu thống kê năm 2018 cho biết tuổi thọ trung bình của nữ là 87,32; của nam là 81,10). Tuổi thọ kéo dài trong khi xã hội xung quanh lại biến đổi nhanh chóng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ sẽ khiến người ta cảm thấy bất an, ý thức sâu sắc hơn về hạnh phúc và có nhu cầu tìm kiếm các phương thức để đạt được hạnh phúc.

Vì vậy, sách viết về hạnh phúc và tổng kết các nghiên cứu về hạnh phúc được xuất bản rất đa dạng. Tuy nhiên, điểm đặc sắc trong cách thức tiếp cận của Takashi Maeno là “hướng đến khoa học hạnh phúc có ích cho mọi người một cách trực tiếp chứ không phải là nghiên cứu hạnh phúc từ quan điểm chung như triết học, tâm lý học”.

Với thế mạnh từng là một nhà kĩ thuật và một chuyên gia về khoa học não bộ, những phân tích của ông vì thế cũng có sức hấp dẫn riêng.

Ngoài phần cơ sở lý luận về hạnh phúc và các phương pháp nuôi dạy nên những người con hạnh phúc, tác giả cũng dành một dung lượng tương đối cho các câu hỏi mà tác giả thường gặp trong thực tiễn khi tiến hành các bài giảng, khóa học dành cho cha mẹ. Bạn đọc cũng có thể tìm thấy ở trong cuốn sách này những bài tập thực hành có thể thực hiện tại nhà cùng người thân.

Nuôi dạy con là công việc đầy vất vả nhưng cũng là công việc thú vị và hạnh phúc.

Hi vọng các bạn sẽ cảm thấy công việc đó thú vị và hạnh phúc hơn nữa sau khi đọc cuốn sách này.

Khi cha mẹ cảm nhận được hạnh phúc trong công việc nuôi dạy con, những người con cũng sẽ lớn lên trở thành những người hạnh phúc.

Nguyễn Quốc Vương
Bài đã in trong sách “Đọc sách thú vị hơn em tưởng” (NXB Lao Động, 2023)

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ đặt mua sách
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: