Trong các danh nhân của triều đại nhà Đường, hòa thượng Nhất Hạnh vô luận là tài hoa, học vấn, tu dưỡng hay là đức hạnh tu hành thì đều được xếp vào hạng kỳ nhân. Ông đã để lại cho lịch sử những thành tựu thiên văn rực rỡ và những dự ngôn chuẩn xác phi thường. 

Chuyện bậc kỳ tài thiên văn triều Đường và những dự ngôn chuẩn xác
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Xuất gia làm hòa thượng

Hòa thượng Nhất Hạnh họ Trương, tên Toại. Ông là cháu nội của Trương Công Cẩn, một trong 24 công thần của nhà Đường được vẽ chân dung treo ở Lăng Yên Các. Trương Công Cẩn chính là người đã một mình liều chết ngăn chặn 2000 quân tinh nhuệ của Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát trong sự kiện Huyền Vũ Môn, “một người giữ quan ải, vạn người không qua được”. Cuộc biến loạn do Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tạo ra cuối cùng đã kết thúc, nhà Đường bước vào thời kỳ thịnh thế với sự lên ngôi của Lý Thế Dân.

Ông nội của hòa thượng Nhất Hạnh là võ tướng dũng mãnh tiếng tăm lừng lẫy, nhưng hòa thượng Nhất Hạnh không đặt tâm vào chốn quan trường, mà lại say mê Phật môn, chỉ muốn làm bạn với đèn sách. Từ tuổi thiếu niên, Nhất Hạnh đã trí tuệ hơn người, đọc rộng kinh sử, hơn nữa còn tinh thông lịch pháp, học thuyết âm dương ngũ hành.

Khi Võ Tắc Thiên nắm quyền, lời nói và hành vi nghịch thiên trái đạo. Dẫu cháu trai của bà muốn kết giao nhưng Nhất Hạnh luôn né tránh. Cuối cùng ông xuất gia làm hòa thượng, ẩn cư ở núi Tung Sơn.

Nhất Hạnh sau đó đã đi khắp nơi tìm bậc minh sư để nghiên cứu ý nghĩa huyền diệu của sự diễn biến thiên văn lịch pháp. Một hôm ông đến chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Đài, nhìn thấy trong sân chùa có trên mười gốc tùng, còn ở gần cổng có suối chảy. Nhất Hạnh đứng ngoài cổng nghe thấy tiếng một hòa thượng đang tính toán, đột nhiên hòa thượng nói với đệ tử rằng: “Hôm nay sẽ có một đệ tử từ xa đến cầu xin ta học toán pháp. Đã đến cổng rồi, sao chưa có người dẫn anh ta vào?”

Vị hòa thượng lại tính tiếp rồi nói: “Dòng suối trước cổng chảy về phía tây, đệ tử đó đã đến rồi!” Nhất Hạnh nghe thấy vậy liền bước vào trong sân, chắp tay khẩn cầu hòa thượng xin học toán pháp. (Theo “Dậu dương tạp trở” quyển 5).

Sau khi Đường Duệ Tông lên ngôi, đã mấy lần thỉnh mời Nhất Hạnh xuống núi nhưng Nhất Hạnh đều cáo ốm không xuống.

Trong cuốn “Tống cao tăng truyện” quyển 5 viết: Có lần Hoàng đế Đường Huyền Tông cho mời Nhất Hạnh vào Tập Hiền Viện và hỏi ông có bản lĩnh gì. Nhất Hạnh trả lời rằng ngoài trí nhớ tốt ra thì không có sở trường nào khác. Thế là Đường Huyền Tông gọi hoạn quan mang ra một quyển sổ danh sách cung nữ, Nhất Hạnh xem thoáng qua rồi gấp sách lại. Ông đọc thuộc, hơn nữa còn đọc rất nhanh, hoàn toàn giống như mở sách ra đọc vậy, từ đầu đến cuối không sót một chữ. Đường Huyền Tông kinh ngạc, không ngờ trên đời còn có người kỳ lạ như vậy.

Thành tựu thiên văn

Lạc Hạ Hoằng đời Hán khi chế định lịch Thái Sơ đã từng nói: “800 năm sau sẽ sai 1 ngày. Đến lúc ấy ắt có thánh hiền xuất thế để sửa đúng”. Từ thời Tây Hán đến những năm Khai Nguyên thời Đường là vừa 800 năm. Hòa thượng Nhất Hạnh phụng mệnh biên soạn lịch mới, là “Lịch Đại Diễn”. Bộ lịch pháp này chia thành 2 phần là lịch pháp và lịch thuật. Lịch pháp luận thuật nguyên lý biên chế, lịch thuật thì nói rõ phương pháp tính toán vị trí, sự vận hành của mặt trời, mặt trăng, và 5 hành tinh, tính nhật thực nguyệt thực. Hệ thống kết cấu của bộ sách hết sức chặt chẽ và tỉ mỉ, các nhà lịch pháp đời sau đại đa số đều căn cứ theo đó để biên soạn lịch pháp, mãi cho đến cuối triều Minh tiếp thu lịch pháp phương Tây thì mới có những cải biến. “Lịch Đại Diễn” của hòa thượng Nhất Hạnh đã sửa chữa những sai sót của các đại gia thuật số các triều đại trước. Lời nói của Lạc Hạ Hoằng quả không sai.

Hòa thượng Nhất Hạnh còn phụng mệnh chế tạo khí cụ mới dùng để quan trắc vị trí và tình hình vận động của mặt trời, mặt trăng. Hoàng đế Đường Huyền Tông đã đích thân viết bài minh đúc trên khí cụ “Hoàng đạo du nghi”, đồng thời đặt khí cụ mới này lên trên Linh Đài dùng để quan trắc các ngôi sao. Trong “Cựu Đường thư liệt truyện”, Nhất Hạnh đã giới thiệu cách dùng khí cụ cho bá quan ở Vũ Thành Điện. Khí cụ này tinh xảo và linh hoạt, được mọi người khen là thần công. Hòa thượng Nhất Hạnh thông qua quan sát đã phát hiện ra hiện tượng dịch chuyển vị trí của các hằng tinh. Điều này sớm hơn gần 1.000 năm so với thời điểm nhà thiên văn học người Anh, Halley đưa ra quan điểm về sự tự chuyển động của các hằng tinh vào năm 1718.

Sau việc này, Đường Huyền Tông lại lệnh cho hòa thượng Nhất Hạnh và Lương Lệnh Toản cùng một số người đúc khí cụ Hỗn thiên nghi mới. Năm Khai Nguyên thứ 12 (năm 724), hòa thượng Nhất Hạnh đã đề nghị đo độ cao Bắc cực, đo độ dài bóng mặt trời vào ngày Đông chí Hạ chí và ngày Xuân phân Thu phân ở 24 địa phương, đồng thời thiết kế một loại khí cụ gọi là Phục cự đồ dùng để đo độ cao Bắc Cực.

Dự ngôn loạn An Sử

Sách “Quảng đức thần dị lục” viết: Hòa thượng Nhất Hạnh đã dâng biểu khuyên can Đường Huyền Tông rằng: “Bệ hạ, sau này nhất định không được đưa tông tử đảm đương chức tể tướng, cũng không được dùng phiên thần đảm nhiệm võ tướng”. Điều hòa thượng Nhất Hạnh chỉ chính là con cháu dòng tộc Lý Lâm Phủ sau này sẽ độc chiếm quyền lực triều đình, An Lộc Sơn sẽ phát động binh biến bên ngoài triều đình, Đông Đô sẽ bị nghịch tặc công phá. Nhưng Đường Huyền Tông không hiểu ẩn ý này.

Đường Huyền Tông từng hỏi hòa thượng Nhất Hạnh rằng phúc của nước Đại Đường như thế nào. Hòa thượng nói: “Loan dư hữu vạn lí chi hành. Xã tắc chung vu cát” (xe nhà vua đi vạn dặm, xã tắc vẫn còn được vui). Hoàng đế nghe rồi không nói lên lời.

Sau này vì loạn An Lộc Sơn mà Đường Huyền Tông đến đất Thục tránh họa, xe nhà vua đi đến cầu Vạn Lý (vạn dặm), Hoàng đế bỗng nhiên nghĩ đến lời của hòa thượng Nhất Hạnh nói. Quả thật là “đi vạn dặm”. Bấy giờ Đường Huyền Tông hiểu ra, cảm thấy an tâm rồi. Nhưng mà lời Nhất Hạnh có nhiều nghĩa.

Đường Chiêu Tông từng được phong là Cát Vương. Hòa thượng Nhất Hạnh nói “Xã tắc chung vu cát”, ý tứ là quốc vận Đại Đường đến Chiêu Tông thì kết thúc. Sau này quả nhiên ứng nghiệm. Sau Đường Chiêu Tông, Đường Ai Đế chỉ là bù nhìn, cuối cùng phải nhanh chóng nhượng đế vị.

Trước lúc viên tịch, hòa thượng Nhất Hạnh đã đưa một vật vào trong túi, rồi lệnh cho đệ tử dâng lên cho Đường Huyền Tông. Đường Huyền Tông mở ra xem, là “đương quy”, một loại sâm ở đất Thục. Đường Huyền Tông nghĩ mãi không hiểu được điều này. Đến sau khi loạn An Sử xảy ra, Đường Huyền Tông lánh nạn ở Tứ Xuyên (đất Thục), sau này hồi giá trở về mới hiểu rõ ý nghĩa của “đương quy đất Thục” (đương quy ngoài là tên một cây sâm ra, còn có ý nghĩa là trở về).

Tưởng niệm

Năm Khai Nguyên thứ 17, trước khi hòa thượng Nhất Hạnh viên tịch, Đường Huyền Tông đã mộng đến chùa Hoa Nghiêm dạo chơi. Ông thấy cảnh tượng một gian thiền thất trong chùa. Sau khi trời sáng, Đường Huyền Tông nghe nói hòa thượng Nhất Hạnh lâm bệnh, đang dưỡng bệnh ở chùa Hoa Nghiêm. Thế là Đường Huyền Tông sai người đi thăm thiền sư.

Sau khi sứ giả trở về bẩm báo tình hình của thiền sư thì thấy những điều sứ giả nói hoàn toàn trùng hợp với cảnh trong mộng của Đường Huyền Tông. Hoàng đế cảm thán rất lâu, rồi hạ lệnh cho mười cao nhân đại đức trong kinh thành lập đàn cầu phúc cho thiền sư. Sau khi bệnh tình của thiền sư thuyên giảm, ông theo Đường Huyền Tông ngự giá đến Tân Phong. Không lâu sau, thiền sư lại mắc bệnh. Sau khi Đường Huyền Tông đích thân thăm hỏi, hòa thượng Nhất Hạnh tắm gội ngồi ngay ngắn rồi viên tịch.

Nhận được tin hòa thượng Nhất Hạnh viên tịch, Đường Huyền Tông đau thương, bãi triều ba ngày, hạ chiếu làm lễ viếng 21 ngày. Đồng thời Hoàng đế lệnh lấy 50 vạn tiền từ ngân khố để xây tháp lập bia ở Đồng Nhân Nguyên. Đường Huyền Tông đích thân ngự bút viết văn bia, ban thụy hiệu cho Nhất Hạnh là Đại Huệ Thiền sư.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Hoàng Phủ Dung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: