Vua Lê Thánh Tông là vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử, tạo nên thời kỳ Hồng Đức thịnh trị suốt 27 năm. Những câu chuyện lưu truyền trong dân gian cho thấy Vua hay thử lòng để tìm hiểu quan lại, vi hành để tìm hiểu đời sống dân chúng.

Khi vua Lê thánh Tông mới lên ngôi, tình hình triều chính rất loạn, tướng sĩ thì lo hưởng lạc, quan lại chia bè phái và tham nhũng, người dân đói khổ oán thán. Vua nhìn nhận rằng tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất. Song song với chính sách chấn hưng văn hóa giáo dục, chống tham nhũng, nhà Vua cũng cũng vi hành trong dân gian để tìm hiểu đời sống dân chúng và các quan lại địa phương. Nhiều câu truyện vi hành của Vua còn được lưu truyền trong dân gian.

Chuyện vua Lê Thánh Tông vi hành trong dân gian
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Quận Gió

Thuở ấy Kinh thành Thăng Long có tện trộm rất nổi tiếng, có tài xuất quỷ nhập thần, nếu hắn đã định lấy trộm của ai thì người đó không thoát được. Tuy vậy dân chúng lại rất yêu mến người này, bởi hắn chỉ trộm của nhà giàu bất nghĩa rồi đem chia cho nhà nghèo.

Quan phủ đã nhiều lần truy bắt nhưng cũng đành bất lực. Vì hắn thoắt ẩn thoắt hiện nhanh như gió nên dân chúng gọi là Quận Gió. Ngay cả những chốn canh phòng nghiêm ngặt nhất cũng không thoát khỏi tài trộm của Quận Gió.

Tiếng đồn về Quận Gió đến tai vua Lê Thánh Tông. Thấy dân chúng rất yêu mến người này, nhà Vua quyết định vi hành trong dân chúng để tìm hiểu về Quận Gió.

Tục truyền rằng lúc đấy gần đến giao thừa, có một môn sinh trường Quốc Tử Giám muốn về quê ở Thanh Hóa ăn tết nhưng vì nghèo khó nên cuối năm đã hết sạch tiền. Nghe nói Quận Gió có thể giúp được nên người này lân la hỏi thăm nơi ở Quận Gió để xin giúp ít tiền làm lộ phí.

Cuối cùng nhờ nhiều người giúp, giám sinh nọ đã tìm gặp được Quận Gió. Sau khi nghe trình bày Quận Gió hồ hởi nói:

– Giúp ai tôi cũng sẳn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẳn tiền. Tôi là một đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai?

– Trộm của phú ông ở cửa Tây.

– Không được! Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ trước đây lao động vất vả quanh năm suốt tháng trên các cánh đồng các làng Nghi Tàm, Võng Thị. Không nên lấy của ông ấy.

– Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không?

– Không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà Vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn.

Dứt lời Quận Gió băng mình vào trời đêm. Chưa hết thời gian giập bã trầu đã thấy Quận Gió trở về với hai nén bạc trong tay. Quận Gió nói: “Với hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa làm rạng danh công ơn sinh thành, dòng họ, tổ tiên”. Cầm hai nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của Triều đình.

Quận Gió không ngờ rằng người học sinh nọ chính là vua Lê Thánh Tông giả trang vi hành. Hôm sau vua Lê Thánh Tống thiết triều, kể lại câu chuyện về Quận Gió hôm trước cho các quan, rồi đưa 2 nén bạc có chữ “Quốc khố chi bảo” cho mọi người xem. Quan coi kho đứng trước chứng cứ không thể cãi được đành nhận tội.

Thử lòng liêm khiết

Với các tham quan, vua Lê Thánh Tông đều trừng trị, giữ cho quan lại trong sạch. Với những quan có tiếng thanh liêm, Vua cũng tìm cách thử xem họ có thực sự thanh liêm không. Cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” cũng có ghi chép lại chuyện này.

Thời Hồng Đức thịnh trị, Vũ Tự nổi tiếng là vị quan liêm khiết, ông đỗ Hoàng giáp khoa thi năm 1493 và là người đỗ khai khoa của làng Vạc, làm quan đến chức Tả thị lang bộ Hình. Vua Lê Thánh Tông muốn thử xem Vũ Tự có thực sự làm quan liêm khiết như lời đồn không. Biết Vũ Tự vừa mới xử cho một người thắng kiện, Vua bèn cho người liên hệ với người này để anh ta đưa một mâm lụa quý đến nhà riêng của Vũ Tự để hậu tạ.

Vũ Tự hỏi: “Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?”

Người đó đáp: “Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…”

Vũ Tự nói ngay: “Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?”

Nói xong ông sai gia nhân đuổi người này về. Vua Lê Thánh Tông sau đó đã trọng thưởng cho Vũ Tự, đính vào cổ áo triều phục của ông hai chữ “liêm tiết” để làm gương cho các quan khác. Còn dân chúng tôn kính gọi Vũ Tự là Trạng Liêm (tức ông Trạng liêm khiết).

Giúp đỡ người nghèo ham học

Một lần vua Lê Thánh Tông vi hành đến Văn Miếu. Lúc này trời đã về khuya, một giám sinh trạc 50 tuổi vẫn chăm chú đọc sách, thỉnh thoảng lại húp một ngụm cháo loãng.

Vua liền đến hỏi thăm thì được biết người này húp cháo nhưng hết muối mà tiền cũng chẳng còn. Thấy người ham học trong cảnh khó nhọc, Vua rất cảm động.

Sáng hôm sau có người đến mang quà cho vị giám sinh nọ. Vị giám sinh mở gói quà và ngạc nhiên khi thấy một lọ muối Vua ban cùng một nén bạc. Từ đó câu chuyện Vua thương người nghèo ham học lưu truyền khắp nơi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: