Sông Đáy bắt nguồn từ Hà Tây chảy xuyên qua tỉnh Hà Nam đến ranh giới giữa Ninh Bình và Nam Định, nơi đây có 2 làng là La Ngạn (Nam Định) và La Mai (Nình Bình), đều là hai ngôi làng khoa bảng.

Làng La Mai

Làng La Mai thuộc xã Ninh Giang ở đất Hoa Lư, Ninh Bình, địa danh nổi tiếng văn hóa với Kinh đô Hoa Lư thời nhà Đinh, Tiền Lê. Theo sách “Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình”, giữa làng La Mai có con đường chạy từ đầu đến cuối làng, có 7 con đường chạy theo hướng bắc – nam. Các con đường này chia làng thành 6 ô. Người xưa xem xét địa hình của làng đã có câu rằng:

Địa hình La Mai
Sơn tú thủy nhai
Văn tinh tiền án
Hậu sơn kỳ bài
Liên hoa xuất thủy
Vạn khoái oanh hồi.

Xưa kia các làng bên sông Đáy có nghề dệt lụa nổi tiếng, nên tên làng cũng gắn liền với nghề dệt lụa, như La Phù (nghĩa là lụa nổi đẹp), La Vân (lụa màu đẹp). Còn La Mai nghĩa là “lụa mềm”, con gái làng lại trắng trẻo xinh đẹp giỏi dệt lụa vì thế mà có câu “con gái La Mai, bánh bao cám giá”.

lang la mai lang khoa bang song Day 01
Làng La Mai. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Ở chùa Thượng có câu đối nói về việc lập làng xưa kia:

Mai ấp lập thành sắp tự Đinh Thúc Thủy
Liên đài sảng khải khởi ư Bùi Xuân Tiên

Vào đầu thế kỷ 15, quân Minh sau khi đánh bại nhà Hồ đã đi qua đây và tàn phá làng. Ông tổ họ Đinh là Đinh Thúc Tướng và ông tổ họ Bùi là Bùi Xuân Mai phải chạy vào núi Dược lánh nạn, sau đó thì trở về lập lại làng.

Theo sách “Ninh Bình toàn tỉnh địa chí biên khảo” của danh sĩ Nguyễn Tử Mẫn thì làng La Mai có 36 người đỗ Hương cống, trong đó họ Tống có 20 người, họ Bùi có 11 người, họ Đinh có 3 người, họ Phạm 1 người, họ Nguyễn 1 người.

Vì họ Tống và họ Bùi có nhiều người đỗ đạt nên có câu: “Sinh đồ họ Tống, Hương cống họ Bùi”.

Người làng La Mai xem việc học giống như một nghề, vì thế mà thời đấy có câu: “Gà Trung Chữ, chữ La Mai”.

Làng La Ngạn

Làng La Ngạn thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định xưa kia, vốn nổi tiếng có nhiều Nho sinh hiếu học, nhiều thế hệ khoa bảng còn được lưu danh trên bia đá của làng. Trong làng có họ Đỗ nổi danh khoa bảng, dòng họ này đến đời thứ 9 có Đỗ Huy Cảnh đỗ cử nhân khoa thi năm 1819, ông cũng là người đầu tiên của huyện Ý Yên đỗ cử nhân dưới thời nhà Nguyễn.

Sau khi Đỗ Huy Cảnh thi đỗ, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị có câu đối mừng rằng:

Ngô Huyện đương triều khoa hoạn thủy
Danh gia dịch thế lễ thi tồn.

Đỗ Huy Cảnh làm quan trải qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Ông làm quan thanh liêm trong sạch, hết lòng bảo vệ người nghèo, vì thế mà ông 2 lần bị cách chức vì trái ý Triều đình.

Khi Đỗ Huy Cảnh làm Bố chính tỉnh Sơn Tây đã cải cách thuế khóa bất hợp lý ở làng Mông Phụ, dân làng biết ơn và tôn kính, phong ông là Phúc Thần giáng đản, lập sinh từ và dựng bia cho ông tại đình làng. Trong bia công đức ở đình làng có ghi chép lại sự kiện này.

dinh mong phu
Đình Mông Phụ – nơi có bia ghi công Đỗ Huy Cảnh. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Con trưởng của Đỗ Huy Cảnh là Đỗ Huy Uyển đỗ Phó bảng khoa thi năm 1841. Huy Uyển có con trai là Đỗ Huy Liêu đỗ Đình nguyên năm 1879. Một số người khác trong dòng họ làm nghề dạy học.

Làng La Ngạn nổi tiếng nhất là Đình nguyên Đỗ Huy Liêu. Năm 1867, Huy Liêu đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên, được bổ nhiệm làm Điển tịch Viện Hàn lâm, Huấn đạo huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Đến khoa thi năm 1879, Đỗ Huy Liêu vượt qua kỳ thi Hội, vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình và đỗ đầu tức Đình nguyên. Vua Tự Đức có lời phê vào bài văn sách của ông là: “Quả có thực học, những kẻ dẫm theo vết mòn không thể làm được”.

Đỗ đầu, Đỗ Huy Liêu làm quan qua các chức quan khác nhau, đến năm 1882 được làm Án sát Hà Nội.

Năm 1884 khi vua Hàm Nghi lên ngôi, Đỗ Huy Liêu được triệu về Kinh làm Biện lý bộ Hộ, rồi Tham Tá nội các sự vụ. Ông còn kiêm thêm chức phụ đạo dạy học cho Vua cùng 2 con của Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp.

Năm 1885, Tôn Thất Thuyết cùng phe chủ chiến trongTriều đình bất ngờ đánh úp Tòa khâm sứ và trại lính quân Pháp ở Huế trong đêm. Tuy nhiên quân Pháp nhờ có vũ khí hiện đại nên đến mờ sáng thì đánh lui quân Đại Nam và tiến vào Kinh thành, vua Hàm Nghi phải chạy đến Tân Sở.

Quân Pháp bắt được Đỗ Huy Liêu và mua chuộc ông làm quan cho họ, nhưng ông cương quyết từ chối và về lại làng quê La Ngạn phụng dưỡng mẹ già.

Khi quân Pháp đánh chiếm miền bắc, Đỗ Huy Liêu cùng bạn là Vũ Hữu Lợi mộ quân khởi nghĩa. Tuy nhiên Tổng đốc Vũ Văn Báo đưa tin cho Pháp khiến ông bị bắt, sau mấy năm được thả ra nhưng ông bị Pháp quản thúc. Ông mất vào năm 1891.

La Mai và La Ngạn ngày nay

Ngày nay cả 2 làng ở bên bờ sông Đáy vẫn kế thừa truyền thống khoa bảng của các thế hệ đi trước.

Tại làng La Mai, họ Tống được đánh giá tiêu biểu về khuyến học, dòng họ này có quỹ khuyến học lớn, mỗi năm các dịp lễ tết, giỗ tổ dều dành một khoản tiền giúp đỡ khuyến học. Năm 2003 họ Tống trở thành “Dòng họ hiếu học” đầu tiên được vinh danh của huyện Hoa Lư.

Họ Bùi ở làng La Ngạn trở thành dòng họ hiếu học tiêu biểu của huyện Ý Yên. Sau nhiều năm dẫn đầu xã về truyền thống hiếu học và đỗ đạt, năm 2016 họ Bùi làng La Ngạn dược địa phương tặng bức trướng “Dòng họ hiếu học”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: