Mối quan hệ giữa mẹ kế và con chồng xưa nay vẫn là mối quan hệ ẩn chứa mâu thuẫn. Trong xã hội cổ đại, mối quan hệ này tồn tại tương đối phổ biến hơn, và do đó người mẹ thời xưa đối xử với các con, bất kể là con đẻ hay con chồng, cũng có tiêu chuẩn riêng để được xem là hiền từ đức hạnh. Sách “Liệt nữ truyện” thời Tây Hán có lưu lại hai câu chuyện về sự bao dung đức hạnh của những người mẹ kế, lấy làm thước đo cho người đời sau.

Đối nhân xử thế của người xưa
Tranh mẹ và các con. (Họa sĩ Mai Trung Thứ)

Người mẹ kế nước Ngụy

Chuyện kể rằng họ Mạnh Dương nước Ngụy có một người phụ nữ là vợ kế của Mang Mão. Bà có ba người con, vợ trước có năm người con. Nhưng năm người con của vợ trước đều không yêu mến bà dù bà đối xử với chúng rất tốt. Bà vẫn không lấy làm phiền lòng, ưu tiên năm người con đó, cho chúng ăn mặc đều tốt hơn con mình.

Sau này, một người con chồng phạm pháp, bị phán tử hình, bà vô cùng lo âu, hàng ngày bận rộn khắp nơi để cứu đứa con phạm tội.

Có người nói với bà: “Con người ta vốn không quý mến bà. Sao bà lại vì chuyện của nó mà bận tâm lo lắng?”.

Bà nói: “Con đẻ của ta, cho dù không yêu quý ta, ta cũng phải cứu. Con của vợ trước, mất mẹ mồ côi, ta mới làm mẹ kế của chúng. Mẹ kế cũng là mẹ. Tuy chúng không yêu quý ta, nhưng ta sao có thể quên mất mình là mẹ được!”. Thế là bà vẫn lao nhọc khắp nơi để cứu con chồng.

An Ly Vương nước Ngụy biết được việc này bèn nói: “Người mẹ kế đức hạnh như vậy, sao có thể không cứu con bà!”, thế rồi tha cho người con đó.

Từ đó về sau, cả tám người con hiếu thuận với bà, cả nhà vui vẻ.

Người xưa có câu “Phúc đức tại mẫu”, con cái có trở thành người có ích hay không, có cuộc sống hạnh phúc hay không, thì đức hạnh của người mẹ là rất quan trọng. Có được một người mẹ hiền từ, đức độ chính là may mắn lớn nhất của những người con.

Người mẹ kế nước Tề

Thời vua Tuyên Vương nước Tề, có một vụ án mạng giữa đường. Bởi vì lúc đó người chết đứng cạnh hai anh em nhà nọ, nên cả hai anh em đều bị bắt.

Khi lên công đường, quan xét xử hỏi ai đã đâm chết người. Người anh nói ngay: “Là tôi giết”. Người em lại nói: “Không phải do anh trai, là do tôi giết”. Đã qua một năm mà viên quan không xử được, bèn đem việc này bẩm báo lại với Tể tướng.

Tể tướng không quyết định được bèn báo lại với vua. Vua Tề nói: “Thả cả hai là tha cho kẻ có tội, giết cả hai là giết chết người vô tội. Mẹ của họ có thể biết con trai mình tốt hay xấu, hãy nghe theo ý người mẹ.”

Tể tướng cho gọi người mẹ đến, người mẹ khóc lóc mà rằng: “Giết người con bé”. Tể tướng thấy vậy bèn hỏi nguyên do.

Người mẹ nói: “Người con bé là con của tôi. Người con lớn là con của người vợ trước. Lúc cha của chúng lâm chung dặn dò tôi chăm sóc cho con lớn thật tốt, tôi đồng ý rồi. Nhận lời ủy thác đó tôi không thể nào làm trái.” Nói xong người mẹ khóc như mưa.

Tể tướng đem việc này bẩm báo lại với vua. Vua Tề khen ngợi nghĩa khí của bà, rồi tha cho cả hai người con, ban cho bà danh hiệu Nghĩa mẫu.

Có thể thấy rằng người xưa coi trọng tín nghĩa, có thể buông tha cho quan niệm “con chồng”, “con đẻ”. Nghĩa mẫu làm như vậy, không chỉ không thẹn với lương tri, mà không ngờ còn cứu được cả hai người con. Thật đúng với câu nói: “Hãy cứ làm người lương thiện, trời xanh ắt có an bài”.

Tấm lòng vị tha, nhân hậu của người mẹ sẽ cảm hóa được các con, đồng thời cảm động nhân tâm, hóa giải mọi chuyện. Bởi vậy đức hạnh của người mẹ có thể khiến gia đình êm ấm, hạnh phúc, vui vẻ, tràn đầy tình yêu thương.

Hạnh Nhi biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: