Trong quá trình con trưởng thành, cha mẹ là những người mà con tiếp xúc sớm nhất, cũng là những người mà con bắt chước theo nhiều nhất, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con. Vì vậy, mỗi lời nói, hành vi, nhất cử nhất động của cha mẹ đều tác động mạnh đến sự hình thành nhân cách của con trẻ. Muốn con trở thành người như thế nào, cha mẹ trước tiên hãy trở thành người như thế ấy.

Sự tu dưỡng của cha mẹ ảnh hưởng đến nhân cách của con cái
(Ảnh: Milatas, Shutterstock)

Đại văn hào người Nga, Lev Tolstoy cho rằng, việc dạy bảo phần lớn nằm ở chuyện cha mẹ làm gương cho con, nằm ở sự đoan chính trong cuộc sống của bản thân cha mẹ.

Nhà giáo dục người Pháp, Jean-Jacques Rousseau cũng từng nói, dạy bảo một người là bắt đầu từ lúc người ấy được sinh ra, ngay từ lúc người ấy chưa biết nói và lắng nghe lời nói của người khác thì người ấy cũng đã tiếp nhận lời chỉ dạy rồi.

Ngay từ khi đứa trẻ ra đời, gia đình chính là trường học đầu tiên và cha mẹ là những người thầy đầu tiên của trẻ. Ngôn hành cử chỉ của cha mẹ vô luận là tốt hay xấu đều ở trong bất tri bất giác mà khiến con trẻ học theo. Cho nên, sự tu dưỡng trong hành vi, lời nói của cha mẹ là vô cùng quan trọng.

Kỳ thực, quá trình dạy con cũng chính là quá trình tu tâm dưỡng tính của cha mẹ. Đúng như cổ nhân nói: “Chỉ khi một người không ngừng tận sức giáo dục chính mình, người ấy mới có thể giáo dục tốt người khác”. Khổng Tử cũng bàn rằng: “Dục giáo tử tiên chính kỳ thân”, ý nói muốn dạy con trước tiên cha mẹ phải ngay chính lại mình. Cho nên, tu dưỡng bản thân tốt là cách giáo dục con tốt nhất của cha mẹ.

Trong lịch sử, rất nhiều danh nhân, hiền tài đều dạy con bằng cách lấy mình làm gương. Họ đều sống vô cùng thanh liêm, giản dị và lấy đó làm gương để con cái sống coi trọng đức, thanh liêm chính trực.

Trong sách “Hàn Phi Tử. Ngoại trữ thuyết tả thượng” ghi lại câu chuyện “Tăng Tử làm thịt heo”. Đây là một câu chuyện mô tả việc Tăng Tử đã dạy dỗ con trai mình về tính trung thực bằng cách giữ lời hứa, cũng là câu chuyện nổi tiếng bậc nhất về phương pháp giáo dục trong gia đình.

Tăng Tử (505-436 TCN) tên thật là Tăng Sâm, là một trong những học trò xuất sắc của Khổng Tử. Ông cũng là người rất coi trọng việc giáo dục gia đình, cho rằng cha mẹ chính là tấm gương để con trẻ học theo.

Một lần, vợ Tăng Tử đi ra chợ. Cậu con trai của ông cũng muốn đi theo mẹ nên gào khóc rất to. Vợ Tăng Tử vì muốn con trai ở nhà, nên đã nói dối con rằng: “Con ở nhà rồi về mẹ làm thịt lợn cho con ăn”.

Sau khi đi chợ trở về, vợ Tăng Tử liền nhìn thấy chồng bắt con lợn đi làm thịt. Người vợ vội vàng ngăn lại và nói: “Tôi nói đùa nó đấy mà”.

Tăng Tử không tán thành, nói: “Nói đùa là thế nào. Cha mẹ làm, con bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng phải là dạy nó nói dối ư?” Nói xong, Tăng Tử thực sự đã mang con lợn đó đi làm thịt.

Câu chuyện xưa nói cho chúng ta đạo lý rằng, ở bất kỳ thời điểm nào cũng không nên lừa dối con trẻ. Bởi vì cha mẹ là tấm gương mà đứa trẻ bắt chước theo một cách trực tiếp nhất. Mỗi một lời nói, mỗi một hành vi, nhất cử nhất động của cha mẹ đều ảnh hưởng rất lớn đến con cái, bởi vì trẻ đều học theo những điều đó của cha mẹ. Cho nên, trước mặt con trẻ, cha mẹ phải thật thận trọng với mỗi lời nói và hành vi của mình.

Trong cuộc sống, chúng ta không khó để gặp rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trẻ con không biết gì cho nên nói như thế nào cũng không gây ảnh hưởng to lớn. Thậm chí không ít người lớn cho rằng trẻ con nhanh quên, nên rất nhiều khi chỉ là nói cho có để đứa trẻ nghe lời. Nhưng loại tư tưởng này là sai lầm trong cách giáo dục gia đình, lâu dần sẽ đem lại hậu quả có hại cho nhân cách và tương lai của con trẻ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: