Thời Lê có Hoàng giáp Nguyễn Phục là trung thần, nhưng bị giết oan. Vua Lê Thánh Tông trong lúc tức giận, lại nghe lời gièm pha của người hầu cận mà đưa ra quyết định sai lầm, tỉnh ra hối hận thì đã muộn.

dinh thon dong
Đình thôn Đông – quê hương Nguyễn Phục, nơi thờ ông làm Thành Hoàng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Làm quan có công lao

Thời Lê Sơ có gia đình họ Nguyễn ở thôn Đông, xã Đoàn Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), Hải Dương có truyền thống về khoa bảng. Gia đình có người con trai là Nguyễn Phục từ nhỏ đã ham học, thông minh hơn người, nổi tiếng khắp vùng.

Năm 20 tuổi Nguyễn Phục đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa thi năm 1453 thời vua Lê Nhân Tông.

Nguyễn Phục là người tài năng, được cử làm Chưởng Hàn Lâm viện, kiêm thêm chức Vương phó (thầy dạy cho các Vương tử). Đến thời vua Lê Thánh Tông ông được 3 lần cử đi sứ sang nhà Minh.

Sau các lần đi sứ, ông được cử làm Đại lý tự khanh thẩm xét các vụ kiện cáo, rồi làm Hữu tham nghị trông coi việc binh chính, rồi thăng làm Thiêm sự Đô chỉ huy sứ Vệ Cẩm ty thân quân. Ông hoàn thành tốt công việc, được các quan trong triều kính trọng.

Chiêm Thành gây hấn, vua Lê Thánh Tông quyết nam tiến

Lúc này quan hệ giữa Đại Việt và Chiêm Thành có nhiều biến động, Năm 1460, vua Chiêm là Trà Duyệt mất, em là Trà Toàn lên ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư mô tả Trà Toàn là “hung bạo làm càn, dối Thần ngược dân, ngạo mạn kiêu căng”.

Trà Toàn lăng nhục cả sứ thần Đại Việt do vua Lê gửi đến, cho quân gây hấn biên giới với Đại Việt rồi sai người tâu với vua nhà Minh rằng Đại Việt xâm lấn và cầu viện binh giúp đỡ.

Tháng 8 âm lịch năm 1470, Trà Toàn cho 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép như sau:

“Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”.

Nhận được tin báo, vua Lê Thánh Tông cấp tốc chuẩn bị 26 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành. Trước khi xuất quân Vua soạn tờ chiếu kể tội Trà Toàn cùng những việc làm sai trái của quân Chiêm.

Nguyễn Phục cũng tham gia trận chiến này, ông được cử làm Đô Chỉ Huy Sứ đốc vận chuyển quân nhu.

Bảo vệ quân lương cùng tính mạng binh sĩ nhưng bị xử oan

Trong lịch sử, bất kỳ trận chiến nào, quân lương cũng vô cùng quan trọng. Lần tiến quân này, vua Lê Thánh Tông cho quân đi trước, sau đó Nguyễn Phục cùng quân chở các thuyền lương theo đường biển.

Khi đoàn thuyền lương đến của Lạch Trào, còn gọi là cửa Lạch Hới ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) thì mây đen phủ kín trời, một cơn bão to kéo đến, sóng biển dồn dập khiến các tàu ngả nghiêng có nguy cơ bị đánh đắm.

Việc quân nhu rất quan trọng, nếu đến chậm so với kế hoạch sẽ khiến quân sĩ không có lương, tướng quân lương có thể bị xử trảm. Nhưng nhận thấy với bão tố lớn thế này nếu vẫn cứ liều lĩnh ra khơi thì không những thuyền lương bị đắm, mà tính mạng binh sĩ theo mình cũng khó bảo toàn, Nguyễn Phục lệnh cho quân tìm nơi tránh bão an toàn.

Binh tướng theo ông đều can ngăn nói, “Quân pháp rất nghiêm, chớ nên trái lệnh”. Nguyễn Phục đáp rằng thà để một mình ông chịu tội chết, còn hơn để thuyền lương chìm xuống đáy biển, tính mạng binh lính cũng không giữ được, mà quân lính cũng chẳng còn lương để ăn.

Bão tan, Nguyễn Phục cho toàn quân lương tiếp tục xuống phía nam, đến hội quân thì chậm mất vài ngày. Vua Lê Thánh Tông lo lắng vì chưa thấy quân lương đến, sau mấy ngày mới thấy thì có ý tức giận, sai giam ông lại. Sau đó người hầu cận cạnh vua lại gièm pha, khiến vua trong lúc bực bội đã ra lệnh xử trảm.

Nguyễn Phục bị đưa đến làng Nước Mặn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn bây giờ) để xử tội. Các quan bộ Hình hỏi tin tức, biết được nguyên nhân thì làm ngay bản tấu dâng lên Vua.

Vua đọc bản tấu của bộ Hình, thấy rõ Nguyễn Phục hành sự cẩn trọng, bèn đưa lệnh bài cho người đến nơi xử án tha tội cho Nguyễn Phục. Tuy nhiên lệnh Vua đến nơi thì án đã xử xong rồi. Năm đó Nguyễn Phục mới 37 tuổi.

Tưởng nhớ

Vua Lê Thánh Tông nhận được tin Nguyễn Phục đã mất thì thương tiếc, phong cho ông làm “Phúc thần”. Dân làng Nước Mặn (nơi ông bị xử chém) đã dựng miếu thờ ông

Thi hài của ông được dân làng chôn cất đàng hoàng. Có câu truyện truyền từ đời này sang đời khác rằng, ngoài ngôi mộ của ông, còn có một số ngôi mộ khác bên cạnh, đó chính là mộ của các thuộc tướng bên cạnh Nguyễn Phục, chứng kiến cảnh Nguyễn Phục vì sự an toàn của lương thực, tính mạng của binh sĩ mà một mình chịu tội chết, họ đã chết theo ông.

Sau đó không lâu, mộ ông được chuyển đến Nam Đường (nay thuộc xã Quảng Trường, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), nơi ông cho dừng đoàn thuyền lương để tránh bão.

Tương truyền Nguyễn Phục còn là thủy tổ nghề nuôi tằm kéo tơ. Các làng ở sông Đáy, sông Nhuệ của tỉnh Hà Tây cũ có nghề tằm tơ, canh cửi phát triển, cũng tôn vinh ông làm Thành Hoàng của làng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: