Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam. Kế thừa tinh hoa nền giáo dục suốt từ thời nhà Lý, triều đại nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc học hành của con em thuộc tôn thất. Các hoàng tử và công chúa được giáo dục chữ nghĩa từ nhỏ.

Hoàng tử, công chúa cũng phải miệt mài học tập dưới triều nhà Nguyễn
Các anh em của vua Thành Thái và các ông thầy (phụ đạo). (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Sau khi củng cố đất nước, năm 1817, vua Gia Long – vị vua thành lập triều Nguyễn – đã cho xây dựng “Tập Thiện Đường” để các hoàng tử học tập. Từ đó các đời vua nhà Nguyễn sau này đều sử dụng “Tập Thiện Đường” như một môi trường giáo dục có hiệu quả.

SáchKhâm định Đại Nam hội điển sự lệ mô tả rằng: “Nếu coi văn rộng là quan nhàn, bàn suông tán nhảm, thích rượu ngon, thích đàn hát, không biết giúp lấy điều lễ, chơi chọi gà, chơi đua ngựa, không biết giúp lấy điều nhân, nhất định nghiêm trị, không khoan tha chút nào”.

Đời vua Minh Mạng cũng tuyển chọn những người có đức hạnh để dạy cho các con em tôn thất như Ngô Đình Giới, Nguyễn Đăng Tuân, Thân Văn Quyền.

Hoàng tử, công chúa cũng phải miệt mài học tập dưới triều nhà Nguyễn
Từ trái sang phải, 3 hoàng tử: Bửu Lũy, Bửu Trang và Bửu Liêm. Các em của Vua Thành Thái (1891). (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Còn vua Tự Đức cho rằng: “học tất phải hành, nếu không chăm làm sao mong sớm tiến bộ”. Vua giao cho người phụ trách dạy học các hoàng tử là Nguyễn Chính vào các ngày mùng 1, 11, 21 mỗi tháng ra đề văn cho các hoàng tử làm. Nếu chậm hạn 3 ngày chưa nộp bài thì các hoàng tử có lỗi. Nếu thầy mà không đôn đốc khuyên răn các hoàng tử cũng khó thoát tội.

Vua Tự Đức cũng có quy định cụ thể: “Các công tử, công tôn đi học, người nào cáo bệnh thì giao cho các quan ở Tôn Nhân Phủ hợp lại xem xét, nếu ai giả bệnh và nghỉ học không duyên cớ thì sẽ giảm lộc bổng trong năm để trách phạt người lười biếng”.

Khi hoàng tử Ưng Chân 3, 4 năm liền không thấy có tiến bộ, vua Tự Đức ban roi mây cho hai thầy giáo để làm “giáo hình”.

Về chiếc roi mây này sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” có ghi lại lời vua Tự Đức năm 1872 như sau: “Cha mẹ đối với con cái, yêu thương mà không bắt cho con chịu khó sao. Roi vọt là vật răn dạy ngày xưa để tạo uy nghiêm. Lệnh cho lấy chiếc roi mây vốn trước kia ban cho giảng đường Chấn Hanh giao lại cho vị giáo đạo làm giáo hình”.

02 8
Duy Tân và các anh chị em. (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Trước khi vào học các hoàng tử và quan dạy học phải mặc mũ áo đại triều đến giữa giảng đường có đặt bàn thờ Khổng Tử làm lễ khai giảng. Sau đó các hoàng tử phải tôn kính làm lễ lạy các thầy của mình 4 lạy để thể hiện lòng tôn kính, các thầy cũng đáp trả lại 4 lạy. Sau đó mới thay thường phục và bắt đầu học.

Mỗi tháng chỉ có mùng một là được nghỉ, các ngày còn lại việc học bắt đầu từ sáng sớm khi mặt trời mọc và kết thúc lúc mặt trời lặn. Các hoàng tử được học Tứ thư, Ngũ kinh, chính văn và lịch sử. Các ngày 6,16, 26 các hoàng tử đưa sách vào chầu ở điện Quang Minh để nhà Vua hỏi bài.

Theo quy định của triều Nguyễn, vào ngày lẻ các hoàng tử sẽ được giảng Ngũ kinh (trước giảng chính văn sau đến lời giảng chú), lại giảng Chư sử; ngày chẵn giảng Tứ Thư (trước giảng chính văn, sau giảng Tính lý đại toàn cho rộng kiến thức). Trong đó, Tứ thư, Ngũ kinh thì đến ngày học kế tiếp phải thuộc lòng chính văn, thuộc kỹ Chư sử, và Tính lý thì phải thông suốt.

Ngoài “Tập Thiện Đường”, nhà Nguyễn còn lập “Tôn Học Đường” để cho các hoàng tử, con em hoàng thân học tập. Việc quản lý “Tôn học Đường” gồm một hoàng thân lo đôn đốc mọi việc, hai hàn lâm viện thị giảng học sĩ làm tổng quản, một thị giảng học sĩ, một thị độc, một chánh cửu phẩm thư lại, hai vị nhập lưu thư lại, phần lớn được chọn từ các giám sinh trường Quốc Tử Giám.

Đến thời vua Duy Tân thì “Tôn Học Đường” chuyển thành trụ sở Bộ Học. Năm 1923 vua Khải Định cho xây lầu “Tứ Phương Vô Sự” ở trong cung để cho các hoàng tử và công chúa học tập.

lau tu phuong vo su
Lầu tứ phương vô sự, nơi học tập của hoàng tử nhà Nguyễn. (Ảnh qua Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế)

Dù sống trong vinh hoa, nhưng hoàng cung triều Nguyễn vẫn có những quy định nghiêm ngặt, định rõ phép tắc đối với các hoàng tử, hoàng thân quốc thích, đặc biệt là về giáo dục.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: