Hiểu mệnh cải vận, xu cát tị hung, hóa giải tai ương là một trong những tác dụng trọng yếu của mệnh lý học truyền thống phương Đông. Những điều này không chỉ xuất hiện tại các phương pháp tiểu thuật tiểu đạo, mà còn xuất hiện trong các nhánh tôn giáo khác nhau. Chúng không chỉ khởi tác dụng, thu hút sự chú ý của rất nhiều người, mà còn là một cánh cửa khiến con người tiếp xúc đến được những điều huyền bí của sinh mệnh và vũ trụ.

Hà Đồ, Lạc Thư ẩn tàng chữ Vạn của Phật gia, Thái cực của Đạo gia
(Ảnh minh họa: Nattawut Jaroenchai & Serg Zastavkin, Shutterstock)

Đại đa số người ta đều có một nguyện vọng như vậy, mong muốn bản thân sống được tốt hơn, sống được nhẹ nhàng, ít gặp họa nạn. Bởi vậy dù là trong cuộc sống hiện đại, người phương Đông vẫn rất quan tâm đến các môn mệnh lý, ví như phong thủy học, Dịch học, tử vi, hay thậm chí thấp hơn là bói toán, xem chỉ tay, xem tướng mặt, v.v.. Người ta không chỉ muốn hiểu mệnh, biết trước được ít nhiều điều trong tương lai, mà còn muốn làm sao có thể được may mắn, có thể cải thiện một chút con đường nhân sinh của mình.

Cải vận cải mệnh mặc dù là rất khó, nhưng không phải là không có ghi chép. Vào thời cổ đại, khi con người có chuẩn mực đạo đức tương đối cao, hơn nữa còn tìm tòi sự thâm ảo của thân thể người và vũ trụ thông qua những huyền thuật thâm sâu như bát quái, Kinh Dịch, v.v.. thì việc này vẫn diễn ra. Thông qua các cổ thư còn sót lại về một thời kỳ văn minh thâm ảo ấy, có thể đúc kết được một vài nguyên tắc khái quát trong việc hóa giải tai ương, cải vận, xu cát tị hung của người xưa.

Nguyên tắc khắc chế bản thân

Người xưa đã có thể đoán mệnh rồi thì đôi khi sẽ biết trước thời điểm hung tai ập đến. Những tai họa này nếu là họa nhỏ thì thông thường đều cần một số nhân tố đến kích hoạt. Mà nhân tố ấy bao hàm mấy phương diện: thời gian, địa điểm, tâm lý con người hay thậm chí ngũ hành.

Do vậy phương pháp đầu tiên của người xưa là thủ giữ, khắc chế bản thân mình, “nhiều tĩnh ít động”. Ví như vào thời điểm hung tai có khả năng xảy ra thì cần tránh địa điểm ấy, phương hướng ấy. Nếu nguồn gốc của hung tai được cho là tới từ một phương diện trong ngũ hành thì sẽ tránh tới gần những điều này, ví như tránh sông hồ hay tránh rừng cây, bếp núc, v.v..

Tuy nhiên điều quan trọng nhất không phải là thủ giữ những thứ này, mà là thủ giữ tâm tính. Ví như vào thời điểm hung tai có thể xảy ra thì khi làm việc đều nên “hạ mình”, không nên kiêu căng, không ngạo mạn, không tức giận, thường xuyên soi xét lại bản thân và những việc làm trong quá khứ. Đây được gọi là “thủ đức”. Người ta có thể thông qua “thủ đức” mà giảm nhẹ tội lỗi, chuyển hóa thành cái nạn nhỏ hơn, đẩy lùi nạn về sau này, đạt được “cải vận”.

4 phương pháp hóa giải tai ương họa nạn của người xưa
(Ảnh minh họa: Bubbers BB/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Nguyên tắc thuận đạo Trời

Cổ ngữ có câu: “Thiên cứu tự cứu chi nhân, đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ”, ý nói người biết tự cứu thì được Trời cứu, Trời giúp người có đạo, còn đánh mất đạo thì không được Trời hỗ trợ. Như vậy cách “tự cứu” mình chính là giữ vững đạo đức luân thường, làm người thiện lương, thuận theo đạo Trời mà làm người làm việc.

Người phương Đông có câu: “Người ta sinh ra một thiện niệm, tuy chưa biến thành việc thiện, nhưng đã được thần may mắn bảo hộ rồi”. Người phương Tây tin rằng: “Những điều xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”. Thiện lương là phương thuốc màu nhiệm làm chấn động tâm can con người, có sức mạnh để xóa đi khổ đau. Nó là một kho báu vô tận mà bất cứ ai cũng có thể chia sẻ cho tất cả người thân, bạn bè và cả kẻ thù của họ.

Bởi vậy có một nguyên tắc đặc biệt như thế này. Có một số người đứng trước nạn lớn, biết được, từ đó thực hành “thủ giữ”, kiêng kị rất nhiều điều, nhưng khi thấy việc thiện cần làm thì họ lại vô tư, trong lúc làm thì nhất định làm có thủy có chung, dù có phạm vào những điều kiêng kị khác. Người thiện lương như vậy trong vô tri vô giác đã tự nhiên hóa giải tai ương, “cải vận”, thậm chí “cải mệnh” của bản thân. Đó là bởi vì họ hợp với đạo Trời, tất được Trời tương trợ. Có thể việc ác, tội lỗi mà họ phải chịu nhận, đáng ra phải trả bằng ác báo, nhưng được chuyển hóa, bù đắp bằng hành vi thiện lương của họ, đây cũng được tính là một hình thức hoàn trả, chính là dùng thiện quả mà hoàn trả ác báo.

Xem thêm:

Nguyên tắc mượn lực

Trong vũ trụ bao la này, con người bất quá chỉ nhỏ bé như một hạt cát hạt bụi, thậm chí không bằng. Đứng trước quy luật vũ trụ lớn lao, mỗi cá nhân đều không tính là gì cả, thậm chí có cảm giác bất lực. Nhưng dù năng lực của con người phi thường hữu hạn, con người lại có thể xoay chuyển được một số tình huống không thông thuận dựa vào cách “mượn lực”.

Có một loại “mượn lực” là thông qua quý nhân, là người có thiện duyên, có thể hỗ trợ bản thân trong mệnh. Người như vậy vì báo đền hoặc vì thiện niệm mà giúp đỡ chúng ta. Người có thể kết nhiều “thiện duyên”, tất cũng có thể “mượn lực” mà hóa giải tai ương. Tuy nhiên việc “mượn lực” này quả thật là không thể cầu, chỉ có thể xem duyên phận mà thôi.

Một loại “mượn lực” khác là thông qua người có đức hạnh làm cải biến bản thân. “Nhan Thị Gia Huấn” của Nhan Chi Thôi có viết: “Sống cùng người lương thiện thì giống như đi vào trong phòng chứa cây Chi Lan (thuộc họ hoa Lan), lâu dần tự bản thân cũng tỏa hương thơm ngát”. Trong cuộc sống, nếu có thể tiếp xúc nhiều với những người có phẩm hạnh đoan chính và nội tâm lương thiện, thì cũng tựa như bước vào căn phòng đầy hoa, lâu dần sẽ được đồng hóa mà phẩm hạnh trở nên tốt đẹp hơn, từ đó tạo nên phúc phận, nạn cũng giảm nhẹ.

Lòng tín Thần trong lý niệm của cổ nhân
(Ảnh minh họa: Tooykrub/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Còn một loại “mượn lực” nữa. Người xưa khi gặp nạn lớn thường xin vào chùa, vào tự viện, thỉnh giáo cao tăng đạo sĩ, mong được điểm hóa, thậm chí ở lại trong một thời gian không nhỏ để có thời gian sám hối và tu chính bản thân. Người thật sự có duyên thì sẽ bước vào con đường tu luyện. Thông qua quá trình thăng hoa trong tín ngưỡng này, con người có thể cải thiện những điều to lớn, không chỉ có thể hóa giải tai ương mà còn có thể “cải mệnh”. Bởi vậy ngày nay một số người có khả năng xem tử vi, xem bói, toán quái chân chính đều có một loại nhận thức chung, đó là với người tu luyện thì không thể “xem” được mệnh của họ nữa. Đây là biện pháp duy nhất có thể giải quyết một cách toàn diện nhân sinh của một người, đạt được giải thoát theo Phật gia, đắc được Đạo theo Đạo gia, trở về thiên đàng theo Kitô giáo…

Xem thêm:

Nguyên tắc kiên định giá trị phổ quát

Giá trị phổ quát là gì? Đạo đức là gì? Trong xã hội ngày nay, những điều này dường như được coi là tương đối. Nhưng trong quá khứ, những điều này hết sức rõ ràng. Chẳng hạn trong Phật giáo Đạo giáo là có giới luật, trong Kitô giáo hay Thiên Chúa giáo có những điều răn của Chúa…

Kỳ thực trong văn hóa nhân loại, dù khác biệt về hình thức, điều các bậc Giác giả xa xưa để lại cho nhân thế chính là hai điều. Một điều là câu trả lời cho những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Họ thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v., đã định hình nên khái niệm về tu luyện trong văn hóa nhân loại.

Điều thứ hai các bậc Giác giả để lại là một bộ các giá trị phổ quát cần thiết để chân chính “làm người”. Chẳng hạn trong 10 điều răn của Chúa thì có những nguyên tắc như: yêu cầu người ta lao động, yêu cầu người ta đối xử tử tế và có ngày nghỉ cho tôi tớ và gia súc, yêu cầu người ta hiếu kính cha mẹ, không giết người, không ngoại tình, không lừa dối, v.v.. Nho giáo cũng có một bộ giá trị là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Phật gia giảng Thiện. Đạo gia giảng Chân. Tất cả những điều này về cơ bản là tương thông với nhau, tạo thành quy chuẩn cho nhân loại. Vậy nên mới có cách nói văn hóa là do “Thần truyền”.

4 phương pháp hóa giải tai ương họa nạn của người xưa
(Ảnh minh họa: Gary Yim/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Vậy thì những người kiên định giá trị phổ quát kỳ thực chính là có tín niệm vào Thần và Trời. Họ không bởi vì cám dỗ trước công danh lợi lộc mà làm điều sai trái. Họ không bởi vì “không liên quan đến mình” mà bàng quan hay thờ ơ trước tội ác. Bởi vậy trong thời kỳ nhiễu nhương, nhất là trong đại nạn, trong dịch bệnh, thì họ sẽ được bảo hộ. Điều này kỳ thực trong văn hóa phương Tây có ghi chép rất nhiều những câu chuyện, những cảm ngộ bên trong các đại dịch quá khứ.

Còn có những người đặc biệt hơn, chính là những người sống nơi thế gian hỗn loạn mà nội tâm không dơ bẩn. Sự Chân thành, Thiện lương, Nhẫn nại của họ có thể cảm hóa và khơi gợi thiện niệm của người khác. Trong thời điểm nhiễu nhương, họ lại biểu hiện ra sự thiện lương đáng ngạc nhiên. Dẫu thường hay bị chê cười, nhưng rốt cuộc họ lại là những người giúp bảo tồn lương tri, khiến con người có hy vọng, đưa mọi người vượt thoát tuyệt cảnh. Lịch sử nhân loại và những lời tiên tri của các bậc Giác giả đều cho thấy khi đại nạn xảy ra, chỉ những ai còn tồn lưu thiện niệm, còn bảo hộ lương tri, mới là những người đứng vững.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: