Hơn mười năm làm giáo viên, giảng viên, rồi thêm chừng ấy năm nữa tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tôi nhận thấy một nghịch lý.

Ở trường phổ thông, cao đẳng, đại học trên giảng đường ta bắt gặp vô số học sinh, sinh viên lờ đờ, mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài, ngủ gật, bài không chép, bài tập không làm, hỏi không nói, gợi ý không nghĩ… Tức là hoàn toàn thiếu năng lượng và sinh khí.

Trong khi ở các trung tâm xuất khẩu lao động, nơi được cho là có “đầu vào” kém hơn các trường bên trên nhiều thì trái lại từ ngoài sân đến phòng học hừng hực khí thế.

Sáng từ mờ đất từ thầy đến trò đã dậy sớm tập thể dục ầm ầm, hò hét vang động, nhạc mở vang lừng vô cùng khí thế.

Trong lớp học thì dù ngoại ngữ là một môn khó tiêu, học viên cũng vẫn cố cắm cúi chép bài, nghe và học.

Kí túc xá của học viên cũng rất ngăn nắp, gặp khách học viên biết cúi đầu chào rất tử tế.

Thế là thế nào nhỉ?

Đi học phổ thông, cao đẳng, đại học có điều kiện tốt hơn nhiều, môi trường dễ chịu hơn nhiều lại có nhiều cơ hội cho tương lai.

Trong khi đi học để trở thành lao động ở nước ngoài thì vừa mất một khoản tiền lớn, vừa phải đối mặt với không biết khó khăn, gian khổ thậm chí là nguy hiểm.

Vậy tại sao học viên xuât khẩu lao động lại khí thế trong khi học sinh, sinh viên lại lờ đờ?

Phải chăng họ biết rõ mục tiêu của mình là gì: Học rồi sang Nhật, Hàn… lao động kiếm tiền.

Phải chăng họ tận mắt thấy gia đình lao đao, vất vả mới lo được khoản tiền lớn cho mình ra nước ngoài nên có trách nhiệm?

Phải chăng họ bị đẩy vào tình thế bắt buộc phải tự lập, phải tự mình chiến đấu, vật lộn với cuộc sống và không có đường lui?

Hay phải chăng học sinh, sinh viên đã được sống nhàn nhã về thân thể, thừa mứa về vật chất nhưng thiếu vắng nền tảng văn hóa và sự rèn luyện để hun đúc tinh thần xứng đáng với sức trẻ?

Không rõ nữa. Chỉ thấy ngày càng nhiều thanh niên đi học rất vật vờ, nhìn lờ đà lờ đờ như người không sức sống. Mắt các cháu chỉ sáng lên khi vồ lấy điện thoại hay nhào vào quán xá nào đó.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: