Khi quan sát và nghiên cứu giáo dục gia đình ở Việt Nam và Nhật Bản tôi nhận ra có một đặc điểm rất thú vị.

Các gia đình giàu có ở Việt Nam có xu hướng muốn bồi dưỡng con thành người kế nghiệp ngành nghề kinh doanh của mình hay cho con thừa kế toàn bộ gia sản, cơ sở kinh doanh, làm ăn của mình.

Nỗi lo sợ lớn nhất của họ là lo con cái không giữ được số tiền, tài sản mà cha mẹ đã kiếm được hoặc là rơi vào trụy lạc, ăn chơi đàng điếm.

Trong khi đó các gia đình gia thế, giàu có ở Nhật lại có một xu hướng khác, bên cạnh xu hướng muốn con kế nghiệp ngành nghề, cơ sở kinh doanh là nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho con theo đuổi và đạt đến đỉnh cao nhất có thể trong lĩnh vực mà con cái họ thích, mong muốn, theo đuổi.

Các lĩnh vực đó là: âm nhạc, hội họa, triết học, chính trị học, luật học, y học…

Toàn những lĩnh vực đòi hỏi tiền bạc (rất tốn kém) và thời gian (không bị cắt thời gian ra cho mưu sinh).

Ở ta, làm thế nào để cha mẹ giàu có dứt khỏi tư duy trên để mạnh dạn đầu tư cho con theo đuổi các ngành nghề có vẻ viển vông như âm nhạc, hội họa, văn chương, triết học, nghệ thuật… nhỉ!

Không như vậy thì chúng ta rất khó có các đỉnh cao trong các lĩnh vực vì cuộc đời con người cùng lắm sống khỏe mạnh được đến 70. Trong đó mất khoảng 20-25 năm đi học. Số thời gian còn lại dành cho các việc linh tinh phù phiếm và phần lớn dành cho mưu sinh, kiếm tiền thì thời gian đâu mà dành cho tài năng nữa mà có đỉnh cao?

Ở phạm vi nhỏ hơn, tiêu chuẩn thấp hơn thì con cái sống cả cuộc đời dưới bóng cha mẹ, không vượt ra ngoài cha mẹ, tức là còi cọc và cớm nắng.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: