Nghĩ cũng buồn cười. Văn viết trong trường phổ thông – hay đến thế nào cũng chỉ là một thứ văn học trò. Tức là nó đúng nghĩa là một bài tập làm văn để học sinh làm quen với kĩ thuật viết văn và tập cách thể hiện tư tưởng.

Đúng quy cách trường thi thì nó được điểm cao, được chấm đỗ.

Ra cuộc đời thứ văn đó không chỉ không hữu dụng mà nó còn… buồn cười.

Không tin thử gửi văn đó đi các báo, tạp chí có trả nhuận bút tử tế xem mấy ông biên tập có chịu không?

Và chuyện này là thật: Các nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp sau này khi thành danh đọc lại các bài văn mình viết trong trường học thì không đỏ mặt xấu hổ cũng lén… chửi thầm mình.

Nhưng ở đất nước mà khoa cử bao trùm suốt cả nghìn năm này thì văn chương trường ốc luôn được tung hô như cái gì ghê gớm lắm. Sự tung hô đó tạo ra một trào lưu nhảm nhí.

Văn trường ốc bản thân nó muôn đời đã khuôn sáo, nhẵn nhụi rồi nhưng khi được tăng thêm ảo tưởng nó trở thành một thứ rỗng tuếch và lố bịch.

Tôi vừa thăm một nơi người ta ghi tên gần cả nghìn ông nghè của một xứ. Nhưng dù là người chăm đọc sách, trong đầu tôi không hiện lên hình ảnh, kí ức nào về công trạng cụ thể, tác phẩm cụ thể nào của các cụ “nghè” ở đó.

Sự mâu thuẫn đó nói lên hạn chế của thứ văn chương cử tử và người Việt phải thoát ra thay vì tiếp tục chìm đắm vào đó.

Văn chương học trò mãi mãi là văn chương học trò. Đấy là ngay cả văn chương do học trò viết ra nói gì tới thứ văn mẫu hay văn được luyện đi luyện lại như một cái máy. Có gì hay ho mà vỗ tay.

Ra khỏi trường phổ thông cần phải liệng ngay văn chương học trò đi khỏi não mình mới khá được.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Mời xem video: